Skip to content

Chùa Một Cột

          Chùa Một Cột còn có tên là Diên Hựu hay Liên hoa đài, nằm trong tổng thể khu di tích Quốc Gia đặc biệt Phủ Chủ tịch và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xưa kia, Chùa nằm trên đất thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây hoàng thành Thǎng Long thời Lý, nay thuộc phố Chùa Một Cột, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Theo sách Thăng Long cổ tích khảo xa xưa, nơi đây hoang vu không có thôn làng chỉ duy nhất có một hồ nước. Cao Biền nhà Đường làm An Nam đô hộ cho nơi đây là sống lưng của con rồng đang đi, theo thuật phong thủy nên cho xây trụ đồng ở đó để chặt đứt long mạch. Về sau dân đến lập thôn ấp gọi là thôn Nhất Trụ. Vua Lý Thái Tông tuổi đã cao mà chưa có con trai nối nghiệp nên ngài thường đến chùa để cầu tự. Một đêm, nhà vua chiêm bao được đức Phật bà Quan Thế Âm hiện lên trên tòa sen mời đến thôn Nhất Trụ, trên tay ẵm Tiên đồng ban cho nhà vua. Ít lâu sau Hoàng Hậu sinh hạ được con trai. Nhà vua cho dựng một ngôi chùa có dáng dấp đã thấy như ở trong mộng để thờ đức phật bà Quan thế Âm. Cái tên Diên Hựu được đặt cho chùa mang ý nghĩa “phúc lành dài lâu”.

aSách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: Chùa được xây dựng vào mùa Đông tháng 10 năm Kỷ Sửu, niên hiệu Thiên Cảm Thánh Võ Đại Bảo thứ nhất (l049) thời Lý Thái Tông. Vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen đưa tay dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, vua kể lại cho các quần thần nghe, có người cho là điềm không lành. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên nhà vua dựng một ngôi chùa trên cột đá ở giữa hổ Linh Chiểu mang dáng bông sen nở nên gọi là “Liên Hoa đài”, trong chùa tạc pho tượng Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen như nhà vua đã gặp trong mộng. Các nhà sư đến làm lễ, đi vòng quanh chùa tung kinh, niệm Phật cầu chúc cho vua sống lâu nên gọi là chùa Diên Hựu.

Hoàng Giáp chiều Lê Trần Bá Vịnh trong một lần thăm chùa đã vịnh thơ:

“Hương thôn xóm vắng chốn thành xưa

Diên Hựu Thái Tông đặt tên chùa

Bởi lẽ thâm cung Hoàng ước mộng

Bồ Tát Quan Âm hiển linh chư”

Theo văn bia dựng năm Cảnh Trị 3 (1665), đời vua Lê Huyền Tông do Tỳ Khưu Lê Tất Đạt ghi, chùa được dựng từ thời thuộc Đường: “Năm đầu niên hiệu Hàm Thông đời Đường (nước ta trong thời gian này bị nhà Đường đô hộ) dựng một cột đá ở giữa hồ. Trên cột xây một toà lầu ngọc trong đó đặt tượng Phật Quan âm để thờ cúng. Khí đất chung đúc anh linh, cầu gì được nấy. Đến khi triều Lý xây dựng kinh đô ở đây, cũng noi theo dấu cũ, ngày càng sùng kính linh thiêng. Khi Lý Thái Tông chưa có hoàng tử, thường đến đó cầu nguyện. Một đêm, nằm mộng thấy Phật Quan âm mời lên trên lầu, ôm một đứa bé đặt vào lòng vua. Tháng đó hoàng hậu có mang hoàng tử. Vua bèn sửa thêm ngôi chùa Diên Hựu ở bên phải chùa Một Cột để mở rộng việc thờ cúng…”.

Đến đời vua Lý Nhân Tông, năm Anh Vũ Chiêu Thánh 5 (1080) vua cho đúc quả chuông đồng lớn nặng 1 vạn 2 nghìn cân để treo ở chùa, quả chuông được đặt tên “Giác thế chung” có nghĩa là “Chuông thức tỉnh mọi người”. Dựng phương đình bằng đá xanh cao 8 trượng để treo quả chuông này, nhưng vì chuông quá nặng không sao treo lên được, phải để dưới đất nên đánh không kêu, phải bỏ ở ruộng rùa của chùa, nên có tên là chuông Quy Điền (ruộng rùa). Chuông này là một trong “tứ đại khí” của nước Nam. Năm 1426, khi quân Minh bị nghĩa quân Lam Sơn bao vây ở thành Đông Quan (Hà Nội ngày nay), trong tình trạng thiếu thốn quân dụng, tướng Minh lúc ấy là Vương Thông bèn sai người đem phá quả chuông Quy Điền để lấy đồng đúc vũ khí.

Văn bia tháp “Sùng thiện Diên Linh” chùa Long Đọi (Nam Hà), cung cấp cho ta hình ảnh chân thực nhất về ngôi chùa Một Cột thời Lý: “Lòng sùng kính đức Phật, dốc lòng mộ đạo nhân quả, hướng về miền Tây Cấm nổi danh, xây ngôi chùa sát Diên Hựu. Theo dấu vết chùa cũ cùng với ý mới của nhà vua (Lý Nhân Tông).

Đào hồ Linh Chiểu, giữa hồ vọt lên một cột đá, đỉnh cột nở sen nghìn cánh, trên bông sen đứng vững toà điện màu xanh, trong điện đặt pho tượng vàng Nhân Đức. Vòng quanh hồ là hai dãy hành lang, lại đào ao Bích Trì, mỗi bên bắc cầu vồng đế đi qua. Phía sân cầu đằng trước hai bên tả hữu, xây bảo tháp Lưu Ly.

Hằng tháng, vào sớm ngày mồng Một, hằng năm vào dịp du xuân, nhà vua ngồi xe ngọc, đến chùa mở tiệc chay, làm lễ dâng hương hoa, cầu cho ngôi báu lâu dài, bày chậu thau làm lễ tắm tượng Phật. Trang sức pho tượng tinh tế, biểu lộ tướng mạo của năm loại chúng sinh…”. Qua văn bia miêu tả, rõ ràng chùa Một Cột thời Lý to lớn lộng lẫy hơn chùa ngày nay rất nhiều.

Kế tiếp triều đại nhà Lý là nhà Trần ngôi chùa vẫn mang tên Diên Hựu và chùa cũng đã qua nhiều đợt tu sửa, đợt sửa chữa lớn vào năm Thiền Ứng Chính Bình 18 (1249) gần như phải làm lại toàn bộ. Như sách Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi năm 1249 “mùa xuân tháng Giêng sửa lại chùa Diên Hựu xuống chiếu vẫn dựng chùa ở nền cũ”.

Thời Lê, triều đình nhiều lần cho tu sửa, thu nhỏ kích thước đài sen và cột đá. Năm 1838, Tổng đốc Hà Ninh Đặng Văn Hòa tổ chức quyên góp thập phương sửa chữa điện đường, hành lang tả hữu, gác chuông và tam quan. Năm 1802, bố chính Tôn Thất Giao xin đúc chuông mới. Năm 1864, Tổng đốc Tôn Thất Hàm hưng công trùng tu làm sàn gỗ hình bát giác để đỡ toà sen, chạm trổ thêm công phu tráng lệ. Năm 1954, trước khi rút khỏi Hà Nội, quân Pháp đã đặt mìn phá đổ chùa. Sau ngày tiếp quản Thủ đô, Bộ Văn hóa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cho tu sửa chùa Một Cột (chùa Diên Hựu) theo đúng kiểu mẫu thời cũ để lại từ thời Nguyễn.

So với quy mô và hình thức thời Lý – Trần chùa Một Cột hiện nay đã thay đổi khá nhiều, tuy nhiên, lối kiến trúc nhất trụ vẫn là kiến trúc cơ bản. Chùa có kết cấu hình vuông mỗi chiều 3m, làm bằng gỗ, mặt tiền để ngỏ, 3 phía còn lại làm bằng ván gỗ bưng kín, phía trên có mái gói, bốn góc uốn cong tạc hình lưỡng long chầu nguyệt. Toàn bộ kiến trúc chùa được xây dựng trên một cột đá hình trụ có đường kính 1,2m cao 4m chưa kể phần chìm dưới nước. Trụ đá gồm 2 khối gắn liền với nhau, thoạt nhìn tưởng như là một khối. Phần trên thân trụ mang 8 cánh gỗ trông tựa bông sen nở, gắn liền với mộng 8 cột của chùa (4 cột lớn và 4 cột phụ). Các cột này đỡ lấy các đòn ngang của mái chùa. Nóc chùa có mặt nguyệt bốc lửa, 2 đầu rồng chầu về mặt nguyệt. Trong chùa tượng  đức Phật Quan Thế Âm ngồi trên một bông sen bằng gỗ sơn son thiếp vàng đặt ở vị trí cao nhất. Phía trên bức tượng Phật là Hoành Phi “Liên hoa đài” (đài hoa sen). Trên chùa có độc nhất một lối nhỏ dẫn vào chính điện bằng 1 cầu thang 10 bậc, nát gạch chỉ, hai bên có thành tường xây gạch. Nhìn tổng thể ngôi chùa như một bông sen lớn vươn thẳng lên giữa hồ nước chính là sự thanh cao thoát tục của nhà phật.

Nét độc đáo của kiến trúc chùa Một Cột là toàn bộ ngôi chùa được đặt trên một cột đá. Ở đây, có sự kết hợp táo bạo của ý tưởng tượng, lãng mạn đầy thi vị qua hình tượng bông sen và những giải pháp hoàn hảo về kết cấu kiến trúc gỗ, đá được phù trợ bởi cảnh quan, có ao, có cây cối đã tạo nên sự gần gũi, tinh khiết mà vẫn thanh bạch. Ao hình vuông ở phía dưới biểu tượng cho đất (trời tròn đất vuông) ngôi chùa vươn lên như một ý nghĩa cao cả lòng nhân ái soi tỏ thế gian. Hình ảnh hoa sen tượng trưng cho trí tuệ miên mãn. Chùa Một cột là biểu tượng độc lập, Diên Hựu chỉ sự tồn tại hiện hữu lâu dài. Từ giấc mơ lành của nhà vua thủa nào, trải qua năm tháng ngôi chùa với lối kiến trúc độc đáo vẫn vững vàng cùng đất nước đi qua bao thăng trầm của lịch sử.

Trong khuôn viên chùa Một Cột có cây Bồ Đề của Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad tặng nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh qua thăm Ấn Độ vào tháng 2/1958. Cây Bồ Đề là biểu trưng của trí tuệ, tinh thần khoan dung của Phật giáo. Gần 60 năm, cây Bồ đề nhỏ bé nơi đất Phật nay đã trở thành cây cổ thụ tỏa bóng mát trong khuôn viên chùa. Khách đến thăm quan chùa thường tới ngắm cây Bồ Đề và hết lời ca ngợi tình đoàn kết hữu nghị của hai dân tộc Việt – Ấn.

Cách chùa Một Cột khoảng 10m về phía Tây Nam là chùa “Diên Hựu tự”. Tuyên truyền chùa được dựng trên mảnh đất ruộng Quy Điền ngày xưa, qua cổng là một lối đi nát gạch dẫn vào khoảng sân rộng, là nơi thờ tự của nhà Tiền Đường, nhà thờ tổ, thờ mẫu theo kiến trúc 5 gian giống các ngôi chùa truyền thống Việt Nam. Trải qua nhiều biến cố lịch sử chùa Diên Hựu tự đã được trùng tu lại nhiều lần, những đồ vật cổ hầu như đã bị thất lạc trong chiến tranh. Hiện, trong chùa còn chiếc khánh đồng niên hiệu: “Đại Thanh Càn Long niên tạo”, chiếc chuông đồng được đúc thời nhà Nguyễn treo trên cổng chính của chùa, 33 tấm bia ghi công đức xây dựng…, gần 40 pho tượng và rất nhiều đại tự, câu đối, cửa võng.

Ngày 8/4 âm lịch hàng năm, nhà chùa tổ chức lễ tắm Phật cũng là kỷ niệm Khánh đạt của đức Quan Âm. Vào ngày này, nhà sư và nhân dân khắp nơi đến chùa để  tụng kinh cầu an, sau lễ tắm phật là lễ phóng sinh. Nhà chùa thường thả cá vào hồ hoặc thả chim bay lên trời cao thể hiện sự từ bi hỉ xả của nhà Phật (nghĩa là đem tâm từ bi đến cho muôn vạn loài, cầu mong tất cả đều thoát khỏi ngục tù tăm tối lầm than, mong cho an lành hạnh phúc, hòa bình tự do trên trái đất.

Chùa Một Cột là một trong những ngôi chùa nổi tiếng và được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam cũng như trong giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Ngày 28/4/1962, chùa Một Cột được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đợt đầu tiên.

Ngày 4/5/2006, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập chùa là “Kỷ lục Việt Nam” và đề cử đến Tổ chức Kỷ lục châu Á. Sau thời gian thẩm định để xác lập, ngày 10/10/2012, tại Faridabad (Ấn Độ), Tổ chức Kỷ lục châu Á đã xác lập kỷ lục châu Á: “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất” cho chùa Một Cột.

Khi đến thủ đô Hà Nội, bất cứ du khách nào cũng muốn một lần đến thăm chùa Một Cột “một trong những biểu tượng cổ kính của Thủ đô”, góp phần thúc đẩy du lịch Hà Nội đến bạn bè trong nước và quốc tế. Chùa Một Cột một thời được in trên mẫu tem bưu chính lưu hành khắp cả nước, đây cũng là 1 trong những lý do khiến cho chùa Một Cột ở Hà Nội trở thành một dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân Thủ đô và mọi người dân Việt Nam.

Trải qua thăng trầm của thời gian trong không gian văn hóa tín ngưỡng ngàn năm chùa Một Cột công trình đã trở thành biểu tượng trường tồn của dân tộc.

This Post Has 0 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *