Skip to content

   Chùa Tứ Kỳ là tên gọi theo địa danh của thôn trước đây, tên chữ là Linh Tiên Tự (Chùa Linh Tiên). Chùa hiện nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Tứ Kỳ là một làng việt cổ, nằm phía Nam kinh thành Thăng Long, một vùng đất có lịch sử tạo dựng và phát triển sớm, một vùng đất hiểm yếu, án ngữ đường thủy phía Nam kinh đô Thăng Long. Tứ Kỳ có tên Nôm là Đình Gạch (Làng Tứ), đặc sản của làng là bún, bún Tứ Kỳ bán khắp các chợ Hà Thành cà dễ nhận biết vì bún được gói trong lá sen, sen có nhiều ở Đầm Đại.

Từ xa xưa mảnh đất này đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc, trong suốt quá trình hình thành và phát triển của đất nước. Địa lý lịch sử là cảnh quan thiên nhiên đã tác động mạnh mẽ đến nội dung giá trị lịch sử của di tích lịch sử văn hóa của làng Tứ Kỳ trong đó có ngôi chùa.

Căn cứ nguồn tư liệu thành văn hiện còn lưu tại chùa như : tấm bia niên hiệu Chính Hòa (1689), chuông đồng niên hiệu Thiệu Trị (1841) có thể đoán định niên đại khởi dựng ngôi chùa ít nhất là thời gian trước năm 1689 và được trùng tu lớn vào thời Nguyễn. Khối kiến trúc vật chất của chùa hiện nay là sản phẩm của lần tu sửa lớn vào triều Nguyễn và những năm gần đây. Cũng như nhiều ngôi chùa khác trong vùng chùa Tứ Kỳ được xây dựng để thờ Phật nhằm thỏa mãn nhu cầu văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư. Chùa là nơi thờ Phật một tôn giáo được du nhập vào nước ta ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Chùa Tứ Kỳ cũng như các chùa làng khác trong vùng thờ Phật theo phái Đại thừa, thờ Tổ, thờ Mẫu theo tín ngưỡng dân gian, thể hiện đạo lý “ uống nước nhớ nguồn”. Những du vật văn hóa hiện còn trong chùa, cùng bộ tượng trong chùa và các công trình kiến trúc hiện còn là những căn cứ minh chứng về nguồn gốc lịch sử, sự biến động đổi thay của ngôi chùa trong lịch sử dân tộc. Chùa Tứ Kỳ được xây trên khu đất rộng liền kề quốc lộ I con đường huyết mạch nối liền hai miền Bắc Nam, có quy mô bề thế khang trang so với một số ngôi chùa khác trong vùng. Các công trình kiến trúc của của được quy hoạch tập trung theo chiều sâu, trong không gian rộng, những nếp nhà cổ ẩn mình dưới những tán cây ăn quả bốn mùa xanh tốt tạo cho cảnh quan của chùa thêm sự thâm nghiêm. Chùa quay về hướng Đông gồm các công trình kiến trúc: cồng tam quan, nhà tiền đường, thượng điện nhà bia, hai nhà dải vũ, tháp Phật, điện thờ Mẫu.

Năm 1946 do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa bị phá để tiêu thổ kháng chiến. Chùa nằm gần nhà Ga Văn Điển, sát đường quốc lộ IA, do vậy chùa là tiêu điểm ném bom của không quân Mỹ nên các công trình kiến trúc của chùa bị hư hại nặng nề. Bằng chứng của tội ác chiến tránh phá hoại là trụ biểu bên phải tiền đường bị bom Mỹ phá cụt phần búp sen. Những công trình kiến trúc hiện nay là sản phẩm của những lần đại trùng tu vào những năm gần đây nhưng mang đậm phong vị kiến trúc tôn giáo truyền thống. Các vị sư trụ trì chùa đều là những người có tâm huyết, đạo pháp và lòng yêu nước. Sư cụ Đàm Dần đã tham gia hoạt động cách mạng, trong kháng chiến chống Pháp, Thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, chùa Tứ Kỳ là một cơ sở cách mạng của Xứ ủy Bắc Kỳ. Đầm sen sau chùa là nơi ẩn náu của các chiến sỹ cách mạng trong thời kỳ này. Với những công lao đóng góp cho cuộc kháng chiến, sự cụ Đàm Dần đã được Chính Phủ tặng thưởng huân chương kháng chiến.

Cổng tam quan xây hai tầng, bố cục kiến trúc theo chiều dọc nhìn ra đường quốc lộ 1A. Cổng làm kiểu vòm cuốn tạo bởi hệ thống các cột trụ biểu, tầng dưới trổ ba cửa vòm cuốn, tầng trên xây kiểu bốn mái, chồng diêm, chính giữa bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, các đầu đao đều đắp các hình rồng đuôi xoắn, Hàng cột phía ngoài xây kiểu trụ diên, đỉnh hai trụ lớn đắp hình bốn chim phượng đầu quay bốn hướng, đuôi chụm vào nhau tạo thành trái giảnh cách điệu. Đỉnh hai trụ nhỏ đặt tượng nghê ở tư thế hướng vào nhau. Thân trụ tạo gờ nổi, trên ghi đôi câu đối chữ Hán. Qua cổng tam quan dẫn vào khu sân vườn được bố cục hài hòa với các công trình kế tiếp. Hai bên tả hữu là lối vào dựng hai nhà bia kiểu mái chồng diên, đỡ mái mà bốn cột tròn, mặt bằng hình vuông, kiểu phương đình, ở mỗi nhà bia đặt một tấm bia dẹt, dựng trên lưng rùa thể hiện sức sống trường tồn và sự linh thiêng của thần Kim quy trong tín ngưỡng tôn giáo.

Nhà tiền đường xây kiểu chồng diêm, hai tầng mái, mái lợp ngói ta, trên nền cao hơn mặt sân 1m, quay hướng Đông Bắc. Các bộ vì kèo kết cấu kiểu “ chồng rường giá chiêng”, các cột gỗ đỡ mái tạo tròn kiểu “thượng thu – hạ thách “, đặt trên chân tảng trên tròn dưới vuông.

Tòa thượng điện ba gian một đầu nối với gian giữa tiền đường xây chạy dọc về phía sau. Nội thất bốn hàng chân, vác vì kèo đỡ mái kết cấu vì kiểu “chồng rường”, mái lợp ngòi ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh. Nền nhà lát gạch vuông. Nhà tổ ba gian kiểu thường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, ở phía sau chùa. Các bộ vì kèo làm đơn giải kiểu kèo cầu quá giang. Nhà thờ tổ xây ban thờ hai pho thượng Tổ. Điện thờ Mẫu có mặt bằng hình chữ đinh gồm 5 gian tiền bái và hai gian hậu cung, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Bộ khung đỡ mái bằng gỗ linh vững chắc, các bộ vì kèo kết cấu kiểu “ thượng chồng rường hạ bẩy” và “ thượng chồng rường hạ cốn”. Hai vì gian giữa thể hiện các bức cốn chạm nổi hình rồng và tứ quý ( tùng, cúc, trúc, mai), mỗi bên chạm một tượng nghê tư thế ngồi trên cốn trong tư thế đăng đối, trong khóm trúc tạo hình con sóc nhỏ. Trên thượng lương nhà Mẫu ghi dòng chữ Hán “Hoàng triều Bảo Đại vạn vạn niên chi thập tuế thứ” (1935) ở hai thân câu đầu chạm dòng chữ “ Càn nguyên hanh lợi, trinh và phú, qúy, thọ, khang, ninh” Bốn đầu bẩy chạm nổi hình rồng, sen, lân và hoa dây. Gian bên phải nhà Mẫu đắp hình thạch động đặt các tượng hậu. Gian giữa chính điện ban thờ đặt tượng ngũ vị tôn ông, phía trong ban thờ Tam Thánh Mẫu, gian bên trái đặt tượng đức thánh Trần Hưng Đạo và ba tấm bài vị thờ các vị phu nhân hâu thời lê. Phía bên phải tòa tam bảo xây một ngọn tháp Phật có kích thước 9 tầng.

Chùa Tứ Kỳ có khởi nguồn tạo dựng từ thời Lê, trải qua hàng mấy trăm năm tồn tại qua những biến đổi thăng trầm của lịch sử dân tộc, chùa cũng có nhiều đổi thay về diện mạo của lịch sử dân tộc, chùa cũng có nhiều đổi thay về diện mạo kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên. Tuy nhiên, dấu ấn lịch sử hình thành của chùa còn ẩn tàng trong các di vật hiện còn. Tuy số lượng không nhiều nhưng những di vật hiện còn đều mang giá trị nghệ thuật tiêu biểu, phản ánh sự trường tồn của một ngôi chùa cổ.

Chùa Tứ Kỳ là một trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của một cộng đồng dân cư và là nguồn sử liệu quý giá mang giá trị lịch sử về sự tồn tại của làng cổ Tứ Kỳ. Đây cũng là nguồn sử liệu góp phần nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử phát triển của đạo Phật phái thiền tông trên vùng đất phía Nam Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVIII – XIX.

Chùa Tứ Kỳ (Linh Tiên Tự) đã được Bộ Văn Hóa Thông Tin xếp hạng di tích nghệ thuật ngày 16/01/1995.

This Post Has 0 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *