Skip to content

 Chùa Yên Phú tên chữ Khánh Hưng Tự là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Chùa nằm ngay ven con đường xuyên Việt, đoạn đi qua đất thôn Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Xưa kia chùa vốn toạ lạc ở cánh đồng Lăng, khi hỏng nặng mới được dân chuyển về khu vườn Miếu. Trên đồng vẫn còn lăng mộ Sư bà Phương Dung, hình tròn xoáy trôn ốc, đường kính 20m, cao 3m. Thanh Vân Cổ Tự sau đổi tên thành Khánh Hưng Tự, dân quen gọi theo tên làng là chùa Yên Phú. Chùa cũng là một di tích lịch sử. Năm 1789 hoàng đế Quang Trung chọn nơi đây để tập kết quân Tây Sơn đánh trận Ngọc Hồi.

Trong thời kỳ 1947 – 1954, sư trụ trì chùa từng nuôi giấu các chiến sĩ hoạt động kháng chiến chống Pháp. Giai đoạn này, đình Yên Phú bị tàn phá nên các cụ bô lão đã rước bài vị của hai tướng quân về phối thờ tại chùa, cách đình khoảng 700m.

Hội chùa Yên Phú cũng là hội làng, hàng năm diễn ra từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 11 âm lịch. Trong hội, nhân dân rước kiệu từ đình miếu ra lăng mộ sư Bà Phương Dung, sau đó rước về chùa. Kiệu sư Bà đi trước, phía sau là kiệu hai tướng Trung Vũ, Đài Liệu. Làng dành một mẫu ruộng ở cánh đồng Nhị Châu cho dân lần lượt làm rẽ để có tiền soạn lễ. Lễ vật dâng lên gồm bảy mâm, trong đó có một lễ chay (xôi vò, chè, bánh chay).

Hiện nay chưa tìm thấy ảnh tư liệu về chùa Yên Phú trước kia. Chỉ biết rằng năm 1930 ngôi chùa đã được xây dựng theo hướng tây và mang phong cách kiến trúc cuối thời Nguyễn. Từ đó cho đến khi bước sang thế kỷ 21 chùa vẫn chỉ có quy mô nhỏ và càng ngày càng lâm vào tình trạng cũ nát. Sư trụ trì tổ chức quyên góp hưng công và ngày 20-11-2011 đã hoàn thành việc xây lại hoàn toàn chùa Yên Phú.

Vườn tháp mộ trước sân là di tích duy nhất của ngôi chùa cũ còn sót lại. Ngôi chùa mới bao gồm 3 toà nhà 3 tầng với 1 tầng hầm, dàn ngang theo hình chữ “Nhất” trong khuôn viên hơn 4100m2. Mặt bằng xây dựng rộng 1800m2 trong đó khu nội tự rộng 1260m2. Hai cổng tam quan nội, ngoại ở mặt tây và mặt nam đều có ba mái cao thấp khác nhau, xây bằng bê-tông, bên trên đề chữ bằng quốc ngữ như kiểu chùa Quán Sứ.

Toà Tam bảo nằm ngay sau tam quan nội, bên trong trông như một Phật điện hiện đại. Hệ thống tượng tròn trong chùa được bài trí hơi khác các ngôi chùa truyền thống ở Bắc Bộ. Lớp sau trong hậu cung có pho tượng Quan Âm tống tử, bên phải là tượng Đức Thánh Mẫu. Đáng chú ý thêm là chùa mới có một pho tượng Di Lặc đặt chính giữa hàng hiên của tiền đường, giống như ở chùa Võng Thị.

Trong chùa Yên Phú vẫn còn giữ được nhiều văn bia, hoành phi, câu đối chữ Hán mang phong cách nghệ thuật cuối thời Nguyễn.

Chùa Yên Phú được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 1988.

ditichlichsu-vanhoahanoi.com

 

This Post Has 0 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *