Ngày 19 tháng 03, Đại giới đàn PL.2567 – DL.2023 của GHPGVN Thành phố Hà Nội đã được diễn ra vô cùng trang nghiêm và trọng thể tại chùa Bằng – Linh Tiên Tự (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội).
Đúng 7h00, đại giới đàn được thực hiện theo nghi thức truyền thống phía Bắc. Tới giờ phút này, giới đàn đã đầy đủ ba yếu tố: đàn tràng trang nghiêm, giới sư thanh tịnh, giới tử chí thành. Sau ba ngày hành sám, tiêu trừ nghiệp chướng, giới tử đã bắt đầu bước vào ngày thụ giới.
Ban nghi lễ cung rước chư Tôn đức Hội đồng giới sư quang lâm
Chư tôn đức Giới sư, Nghiệp sư cùng các giới tử đỉnh lễ Đức đệ tứ Pháp chủ GHPGVN ngôi Đàn đầu Hòa thượng
Chư Tôn đức nghiệp sư cùng các Giới tử đỉnh lễ hội đồng giới sư
Chư Tôn đức nghiệp sư Ni cùng các Giới tử Ni đỉnh lễ hai hội đồng giới sư
Giới tử Ni đỉnh lễ hai hội đồng Giới sư
Hội đồng giới sư Ni đỉnh lễ Hội đồng giới sư Tăng
Ban nghi lễ cung an chức sự Hội đồng giới sư Tăng
Ban nghi lễ cung an chức sự Hội đồng giới sư Ni
Trước khi đăng đàn truyền giới cho các Giới tử, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN đã ban đạo từ tán thán Đại giới đàn Hà Nội trang nghiêm và thanh tịnh, tuyển chọn được các bậc cao đức có bề dày hành đạo và có đạo lực, vì vậy giới tử dễ đắc giới.
Đức Pháp chủ chia sẻ “nhớ khi tôi thụ Tỳ khiêu giới hơn 60 năm trước, cố Hòa thượng Thiện Hoà dạy tôi phải cố gắng lạy Phật sám hối cho đến khi nào thấy hảo tướng thì lúc đó mới ngưng, xin thụ giới Tỳ khiêu. Thấy hảo tướng nghĩa là mỗi ngày lạy hồng danh sám hối, lạy Tam thiên Phật, lạy vạn Phật, đem danh hiệu Phật vào lòng cho đến lúc nào đó biến thành hiện diện Phật thì ta nhìn thấy được hảo tướng. Theo kinh Hoa nghiêm bảo là nhìn đâu cũng thấy Phật, nhìn cái gì cũng là Phật thì đó mới là Phật thật. Lạy Phật mà thấy hảo tướng thì hảo tướng chúng ta cũng hiện ra. Cho nên mọi người thấy ta, mọi người cũng sinh ra tâm kính trọng thì bấy giờ chúng ta mới trở thành một vị Sa-môn thực sự. Mới xứng đáng thọ giới cụ túc để trở thành người thay Đức Phật hoằng truyền chính pháp trên thế gian”. Cho nên Đức Pháp chủ mong chư vị Giới tử cần sám hối tâm cho thanh tịnh, thấy hảo tướng của chư Phật và tự mình hiện ra hảo tướng thì sẽ đắc được giới của Đức Phật. Từ đó tiếp tục thực hành giáo pháp của Đức Phật để từng bước đi xa hơn vào đời sống tâm linh của mình, thường tiếp cận với chư Phật và chư vị Bồ tát thì tất cả Phật sự trên thế gian này dẫu có khó khăn thì chắc chắn chúng ta cũng vượt qua“.
Khi Đức Phật ra đời, tất cả những người có duyên được gặp Ngài, chỉ 1 lời ấn chứng thì liền được đắc giới và giới thể thanh tịnh thì có thể chứng quả A-La-Hán. Nhưng sau khi Đức Phật vào Niết Bàn, thì Tôn giả Ưu Ba Ly mới kết tập luật tạng để làm kim chỉ nam cho Tăng Ni đời sau y cứ vào đó mà tác pháp, truyền thụ giới để mà tu hành chứng đắc thắng quả. Xưa kia Ngài Lục Tổ Huệ Năng đã ngộ ý chỉ của Thiền tông và được Hoằng Nhẫn đại sư ấn chứng. Nhưng muốn trở thành một Sa-môn Thích Tử thì Ngài cũng phải cần cầu Ấn Tông Pháp sư mở đàn truyền cụ túc giới thì mới trở thành Tăng được. Đó là nguyên tắc truyền thừa trong Phật giáo. Phật giáo hưng thịnh do xuất hiện những vị cao tăng với đạo luật, đạo đức có thể trùm khắp cả thiên hạ, cho nên những người có duyên thân cận, học hạnh của các Ngài thì cũng dễ trở thành hiền thánh.
Qua đây, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã ôn lại công hạnh to lớn của Đức đệ nhất Pháp chủ GHPGVN, nhờ có Ngài mà Chính phủ cho phép Phật giáo Việt Nam được mở trường đào tạo Tăng Ni và cho phép mở đàn truyền giới độ chúng tiếp Tăng. Ban đầu thì tất cả Tăng Ni thụ giới xuất gia làm Sa di, làm Thức Xoa Ma Na, làm Tỳ khiêu và Tỳ khiêu ni, không được quy định rõ ràng. Nhưng từ khi Trường trung cấp Phật học và trường cao cấp Phật học ra đời, Giáo hội đã có quy định về xuất gia và thụ giới. Nếu xuất gia thụ giới trở thành Sa-môn thì chúng ta phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Giai đoạn thứ nhất được nghiệp sư chọn những người hảo tâm cho đi xuất gia. Nhưng sau khi đi xuất gia rồi thì tối thiểu phải tốt nghiệp được Trường trung cấp Phật học thì mới đăng đàn thọ Sa-Di giới và khi tốt nghiệp Đại học Phật giáo thì mới được đăng đàn thọ cụ túc giới. Như vậy có thể nói, Giáo hội bắt đầu nâng cao trình độ kiến thức Phật học cho Tăng Ni. Bởi có học, có hiểu biết thì mới có thể áp dụng vào trong đời sống tu hành của mình. Học mà chưa thực hành được giáo pháp thì chỉ như những nhà nghiên cứu, những học giả, chứ chưa phải là một hành giả, chưa phải là một vị Sa-môn thực sự. Cho nên có quyết định thi lần thứ hai về độ người xuất gia. Tức là tất cả các thầy Tỳ khiêu thụ giới xong thì ít nhất cũng phải có 5 năm học giới luật, 5 năm thực hành giáo lý của Đức Phật. Sau 10 năm đó chúng ta sẽ có một tầm nhìn sáng lạn trong cuộc đời để thấy được những người nào có nhân duyên, căn lành và có thể xuất gia học đạo được thì mới cho xuất gia.
Với niềm hoan hỷ khi thấy Đại giới đàn Hà Nội đã y luật y pháp, Đức Pháp chủ sách tấn chư vị nghiệp sư “sau khi giới đàn kết thúc, trở về bản tự cần tiếp tục hướng dẫn cho các đệ tử của mình thực tập Giáo pháp của Đức Phật để trở thành một vị Tỳ khiêu thật sự, có nghĩa là tướng giải thoát phải hiện, tâm giải thoát phải có bên trong, giống như Mã Tánh Tỳ khiêu khi đi tới thành Chiêm-xá gặp Ngài Xá Lợi Phất. Khi nhìn thấy tướng giải thoát của Mã Tánh Tỳ khiêu thì Xá Lợi Phất liền chứng được sơ quả, điều đó có nghĩa là tâm đã thanh tịnh rồi. Đây là việc quan trọng trong đạo Phật. Nếu một Tỳ khiêu đầy đủ oai nghi và tế hạnh sẽ dễ dàng làm cho người khác phát tâm. Hòa thượng Thích Trí Thủ là chủ tịch đầu tiên của Giáo hội, đã dạy một vị Tỳ khiêu mà tâm thanh tịnh và tướng thanh tịnh thì nhìn xa đã thấy đẹp và thấy kính trọng được. Khi đến gần một vị Tỳ khiêu thanh tịnh, ta sẽ thấy tâm mình thanh tịnh theo, nếu có phúc duyên sống chung cùng các vị Tỳ khiêu thanh tịnh thì chúng ta dễ trở thành hiền thánh. Cho nên đây là nguyên tắc căn bản ở trong đạo Phật. Vì vậy mà các vị nghiệp sư phải thận trọng, các vị giới tử thọ giới hôm nay cũng phải thận trọng để làm sao rèn luyện mình trở thành một vị Tỳ khiêu thanh tịnh thực sự, tâm thanh tịnh, tướng thanh tịnh đó là điều quan trọng nhất mà Giáo hội mong muốn có để xây dựng Giáo hội ngày càng hưng thịnh”.
Chư tôn đức hội đồng giới sư Tăng đã cung thỉnh Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN ngôi đàn đầu Hòa thượng; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TW, Trưởng BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội ngôi Yết Ma A Xà Lê; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch thường trực HĐTS TW GHPGVN ngôi Giáo thụ A Xà Lê cùng chư tôn đức tôn chứng sư: Hòa thượng Thích Gia Quang, Hòa thượng Thích Thanh Hưng, Hòa thượng Thích Thanh Chính, Hòa thượng Thích Thanh Phúc, Thượng tọa Thích Tiến Đạt, Thượng tọa Thích Minh Tuấn, Thượng tọa Thích Minh Trí.
Chư tôn đức đã đăng đàn truyền thụ Tỳ khiêu giới cho 28 giới tử Sa Di cầu giới.
Chư Tôn đức Hội đồng Giới sư dâng hương bạch Phật, yết Tổ
Ban nghi lễ rước Giới kinh và Hội đồng Giới sư Tăng quang lâm Giới trường
Song song với giới đàn Tăng, bên giới đàn Ni đã cung thỉnh Ni trưởng Thích Đàm Hằng làm Hòa thượng đàn đầu, Ni trưởng Thích Đàm Kim ứng ngôi Yết Ma A Xà Lê và Ni trưởng Thích Đàm Thành làm Giáo thụ A Xà Lê cùng 7 vị: Ni trưởng Thích Đàm Lan, Ni trưởng Thích Đàm Khoa, Ni trưởng Thích Đàm Minh, Ni trưởng Thích Đàm Hà, Ni sư Thích Đàm Tuyết, Ni sư Thích Đàm Bình, Ni sư Thích Đàm Minh làm tôn chứng sư truyền bản pháp Yết Ma cho 51 giới tử Thức Xoa Ma Na cầu thụ Tỳ Khiêu Ni giới.
Buổi chiều cùng ngày, Hội đồng giới sư Ni đã đưa giới tử Ni lên cầu hội đồng giới sư Tăng chính thức truyền chính pháp Yết Ma để trở thành Tỳ Khiêu Ni.
Sau đó, chư vị nghiệp sư đã thành kính cùng các giới tử lễ tạ hội đồng giới sư.
Hội đồng Giới sư Ni lễ tạ hội đồng Giới sư Tăng
Chư vị nghiệp sư Ni cùng các Giới tử lễ tạ Hội đồng giới sư Tăng
Giới tử Ni lễ tạ hai hội đồng Giới sư
Hai hội đồng Giới sư, cùng các Giới tử lễ tạ Đức Pháp chủ GHPGVN ngôi Đàn đầu Hòa thượng
Buổi tối, sau khi đã đắc giới tại Giới đàn, đại diện Hội đồng Giới sư đã tuyên lại toàn bộ giới bản cho Tỳ khiêu Tăng với 250 điều và Tỳ khiêu ni với 348 điều.
Giới đàn ngày thứ nhất đã kết thúc trang nghiêm trong niềm hỷ lạc của chư tôn đức Tăng ni và sự hộ trì của Tam Bảo.
Diệu Tường
This Post Has 0 Comments