GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THÀNH PHỐ HÀ NỘI
——————
QUY CHẾ
QUẢN LÝ TỰ VIỆN
(Kèm theo Quyết định số 265/QĐ-BTS ngày 08/1/2014)
Lời dẫn
Tự viện là Đạo tràng để Tăng Ni tu tập, trụ trì, hoằng dương Phật Pháp, là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Phật giáo, là cơ sở để Tăng Ni thực hiện các hoạt động phục vụ xã hội, lợi ích nhân dân, là sợi dây liên hệ và đoàn kết Phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước. Tự viện phải duy trì được sự thanh tịnh trang nghiêm, xây dựng Đạo phong, Học phong thuần chính, triển khai các hoạt động Phật sự đúng Chính pháp, vận dụng nhiều phương diện, chức năng để góp phần ích đạo, lợi đời, đem lại hạnh phúc an lạc cho xã hội, thực hiện phương châm: Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội.
Để tăng cường công tác quản lý Tự viện, duy trì, bảo vệ quyền và nghĩa vụ hợp pháp của Tăng Ni – Tự viện, đảm bảo các hoạt động Phật sự đúng Chính pháp, Pháp luật. Căn cứ Hiến pháp, Pháp luật của Nhà nước; Hiến chương, Nội quy Tăng sự và các quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nay quy định một số điều cụ thể trong công tác quản lý Tự viện trên địa bàn Thành phố Hà Nội như sau:
CHƯƠNG I
QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC
Điều 1: Tự viện thuộc quản lý của Giáo hội, được giao cho Tăng Ni thay mặt Giáo hội trụ trì, quản lý theo Hiến chương, Nội quy Tăng sự và Pháp luật hiện hành, đặt dưới sự lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội và quận huyện thị.
Điều 2: Các Tùng lâm – Trụ sở của các cấp Giáo hội, căn cứ vào chế độ thập phương tùng lâm và tổ chức Tăng đoàn để quản lý.
Điều 3: Trụ trì các cơ sở Tự viện phải căn cứ vào nguyên tắc “tuyển Hiền nhậm Năng”, do nhân dân – Phật tử địa phương đề nghị, Giáo hội các cấp xem xét bổ nhiệm, có tham khảo ý kiến của Chính quyền các cấp (Thủ tục, quy định tại Nội quy Tăng sự).
Trụ trì và các chức sự phải đảm bảo điều kiện: Yêu nước, tuân thủ Pháp luật, đầy đủ chính tín Phật Pháp, cần tu Tam học. Giới hạnh thanh tịnh, tác phong chân chính, có năng lực tổ chức quản lý và trình độ Phật học – Thế học nhất định.
Đảm nhận trụ trì: Tăng phải đủ từ 10 hạ lạp; Ni phải đủ từ 12 hạ lạp trở lên.
CHƯƠNG II
TU HỌC CỦA TĂNG NI VÀ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ
Điều 4: Trụ trì các Tự viện cần phải sắp xếp tạo điều kiện tốt nhất cho Tăng Ni – Phật tử tu học, kiên trì hai khóa tụng sớm – tối, học tập kinh luật, niệm Phật, tọa thiền, tụng kinh, cúng ngọ dùng chay, nghiêm túc giữ gìn Giới luật, Thanh quy, chỉnh túc Tăng nghi. Tăng Ni phải mặc Tăng phục, ăn chay, độc thân.
Nghiêm cấm Tăng Ni ở chung một chùa.
Điều 5: Trụ trì các Tự viện cần phải sắp xếp chương trình giảng kinh, thuyết pháp, nâng cao trình độ nhận thức Phật Pháp chính tín cho Tăng Ni – Phật tử. Phát huy tinh thần tích cực, trong sáng của giáo lý Đức Phật nhằm ích đạo lợi đời, góp phần xây dựng xã hội văn minh – hạnh phúc.
Điều 6: Các hoạt động Phật sự tại cơ sở Tự viện do Tăng Ni trụ trì chịu trách nhiệm trước Giáo hội và Pháp luật.
Điều 7: Tăng Ni trụ trì các Tự viện không được tiến hành và tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan không thuộc nghi lễ Phật giáo như đồng bóng, bói toán, xem xăm, bốc quẻ..vv.
CHƯƠNG III
THU NHẬN ĐỆ TỬ VÀ QUẢN LÝ TĂNG ĐOÀN
Điều 8: Người xuất gia phải trên nguyên tắc tự nguyện, sáu căn đầy đủ (thân thể, tâm sinh lý). Thân thể khỏe mạnh không có bệnh truyền nhiễm, không vi phạm pháp luật, có tín ngưỡng Phật giáo, có trình độ văn hóa nhất định, được cha mẹ chấp thuận, gia đình đồng ý.
Tăng Ni trụ trì các Tự viện có người đến xin xuất gia phải điều tra xác minh thành phần, lai lịch xuất thân của người đến xin xuất gia, nhận thấy phù hợp với điều kiện xuất gia mới cho phép ở lại Tự viện. Chỉ định thầy Bản sư (Y chỉ sư) trao cho Tam quy, Ngũ giới, trải qua sự khảo nghiệm của Tăng chúng ít nhất từ 01 năm trở lên mới chính thức cho làm thủ tục nhập tu và thế phát.
Điều 9: Đối với người tại gia xin quy y Tam Bảo, cũng phải trên nguyên tắc tự nguyện, yêu nước, không vi phạm pháp luật, phẩm hạnh đoan chính, có tín ngưỡng đạo Phật, thông qua sự giới thiệu của tín đồ Phật tử mới được thầy quy y tiếp nhận.
Tiếp nhận đệ tử quy y phải tiến hành trang trọng như pháp. Các Tự
viện phải có sổ đăng ký quy y Tam Bảo để theo dõi quản lý và đề nghị Giáo hội cấp Giấy chứng nhận.
Điều 10: Việc tổ chức Đàn giới do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội tổ chức. Điều kiện thụ giới theo quy định của Nội quy Tăng sự Trung ương và luật Phật. Cần dành thời gian để bái sám và giảng giới luật cho Giới tử trước khi thụ giới.
Điều 11: Giới sư, Thế phát sư, Y chỉ sư phải là người phụng đạo yêu nước, giới hạnh thanh tịnh, thông hiểu giáo lý, luật nghi, đầy đủ Hạ lạp theo luật định. Tư cách phải được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội xác nhận, cấp Chứng điệp mới đủ tư cách thu nhận đệ tử, truyền giới.
Điều 12: Tăng Ni thường trú tại Tự viện nếu hoàn tục hoặc bỏ chùa đi từ 06 tháng trở lên, trụ trì phải có trách nhiệm báo cáo Giáo hội các cấp bằng văn bản, thu hồi lại Giới điệp, đem hộ khẩu chuyển trả về địa phương. Trường hợp Tăng Ni là trụ trì nếu hoàn tục, hoặc bỏ chùa đi từ 06 tháng trở lên, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp Huyện có trách nhiệm báo cáo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội bằng văn bản, thu hồi lại Giới điệp, đem hộ khẩu chuyển trả về địa phương. Nếu vi phạm trọng giới, không tuân thủ Thanh quy, giáo dục mà không thay đổi, thông qua hội nghị Ban Trị sự Phật giáo cấp Huyện quyết định, trình Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội phê chuẩn tẩn xuất khỏi Tăng đoàn.
Đối với người lợi dụng thân phận xuất gia làm những việc trái pháp trái luật, bại hoại Phật môn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Giáo hội thì Phật giáo cấp Huyện họp, xem xét báo cáo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội phê chuẩn khai trừ Tăng tịch, thu hồi Giới điệp và đem hộ khẩu chuyển trả về địa phương.
Đối với những người vi phạm Pháp luật Nhà nước, do các cơ quan bảo
vệ pháp luật xét xử. Giáo hội căn cứ vào đó để quyết định hình thức kỷ luật theo quy định của Hiến chương.
Điều 13: Tăng Ni sinh xuất gia phải có thời gian ở chùa từ 02 đến 03 năm trở lên mới được tham dự các lớp học do Giáo hội tổ chức, phải được trụ trì giới thiệu và bảo lãnh. Nếu Tăng Ni xin đến tu học phải tuân thủ Quy chế, theo chúng trọ học, chấp tác ..vv. nếu vi phạm, khuyên răn 03 lần mà không thay đổi liền trục xuất khỏi tự viện, trường học.
CHƯƠNG IV
BỒI DƯỠNG TĂNG TÀI VÀ NGHIÊN CỨU HỌC THUẬT
Điều 14: Giáo hội cần sắp xếp thời gian, kiến lập chế độ, tổ chức cho Tăng Ni – Phật tử học tập Hiến pháp, Pháp luật, thời sự, chính sách của Nhà nước. Tiến hành giáo dục tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa.
Tăng cường tinh thần yêu nước, tuân thủ Pháp luật, kiên định tinh thần Hộ quốc an dân và phương châm hoạt động của Giáo hội: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.
Điều 15: Tăng Ni trụ trì các Tự viện cần tích cực chủ động đầu tư cho sự nghiệp đào tạo Tăng tài bằng nhiều hình thức, ưu tiên đầu tư thời gian, tài chính cho việc bồi dưỡng Tăng tài, giúp cho Tăng Ni theo học tại các Trường, Học viện trong và ngoài nước để nâng cao phẩm đức và trình độ Phật học cũng như thế học.
Đối với Tăng Ni có khả năng nghiên cứu chuyên sâu, cần tập trung bồi dưỡng, nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của các bậc cao Tăng. Các tự viện có điều kiện thì tổ chức lớp học Gia giáo cho Tăng Ni để nâng cao trình độ chuyên môn.
Điều 16: Các Tự viện nên kiến lập Giảng đường và Thư viện để hoằng dương Chính pháp, truyền bá văn hóa, đạo đức Phật giáo đến đông đảo nhân dân Phật tử. Lưu tâm đến việc bảo vệ văn vật, di tích về kiến trúc, văn hóa nghệ thuật, kinh sách và truyền thống tu học.
CHƯƠNG V
KINH TẾ TỰ VIỆN
Điều 17: Căn cứ truyền thống “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”, tùy theo điều kiện của Tự viện mà tiến hành các hoạt động lao động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủ công nghiệp, cửa hàng cơm chay, phát hành kinh sách… phù hợp. Việc quản lý tài chính do trụ trì thống nhất quản lý theo quy định của Giáo hội.
Tăng Ni lấy việc tự túc tự cấp để tu hành, đều phải tôn trọng và chấp hành sự phân công của thường trụ theo tinh thần Thanh quy và tập quán sinh hoạt, phục tùng sự quản lý của Tự viện. Nếu vi phạm kỷ luật lao động thì căn cứ vào Thanh quy để xử lý.
Điều 18: Trụ trì các Tự viện có quyền không cho phép các cá nhân, đơn vị tổ chức các dịch vụ và bán hàng trong phạm vi nội tự. Nếu có nhu cầu thiết yếu, phù hợp với cảnh quan và Phật giáo phải được trụ trì đồng ý, Chính quyền địa phương và Giáo hội cấp Huyện phê chuẩn mới được thực hiện. Các hoạt động đó không được ảnh hưởng đến sự thanh tịnh trang nghiêm của Tự viện, không tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Tự viện.
Điều 19: Trụ trì các Tự viện được phép tiếp nhận và quản lý sự cúng dàng tự nguyện, hợp pháp của tín đồ Phật tử ở trong nước và ở nước ngoài. Nhưng không được vận động quyên góp trái pháp trái luật. Các Tự viện có năng lực tài chính trên nguyên tắc tự nguyện đóng góp cho các hoạt động của Giáo hội và công tác từ thiện xã hội mà pháp luật cho phép.
Điều 20: Trụ trì các Tự viện căn cứ vào khả năng tài chính của mình tích cực đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và hoằng pháp, văn hóa Phật giáo. Trong phạm vi Pháp luật cho phép, tổ chức nhà dưỡng lão, nuôi trẻ mồ côi, mở trường tư thục Bồ Đề, làm cầu, mở đường..vv. góp phần vào các sự nghiệp công ích, lợi lạc cho cộng đồng và xã hội.
Điều 21: Công tác đối ngoại: Khuyến khích Tăng Ni tự viện đi chiêm bái các Thánh tích Phật giáo trên thế giới và tiếp đón Tăng Ni – Phật tử các nước đến thăm Việt Nam và Hà Nội. Việc tiếp đãi phải nhiệt tình hữu hảo, văn minh, lời nói cử chỉ phải thể hiện cốt cách của Phật giáo Việt Nam. Tự trọng, chú ý uy nghi, giữ gìn bản sắc văn hóa, độc lập, tự chủ.
CHƯƠNG VI
BẢO VỆ VÀ QUẢN LÝ DI TÍCH
Điều 22: Văn vật của Tự viện và cây cối vườn rừng thuộc Tự viện quản lý không cho phép cá nhân, tập thể khác chiếm dụng.
Điều 23: Văn vật của Tự viện bao gồm: Kinh sách, Tượng pháp, Pháp khí, Tự khí, các kiến trúc cổ, Bia, Hoành phi, Câu đối, Cửa võng, Án thờ, Tháp mộ, Bích họa, Cổ vật đều phải có sổ đăng ký, quản lý, xây dựng phương án và người có chuyên môn phụ trách để đảm bảo sự quản lý tốt nhất. Đối với các văn vật có giá trị phải đăng ký cổ vật theo quy định của Pháp luật, tránh hỏa hoạn, hư hoại, mất trộm..
Điều 24: Các Tự viện là Di tích cấp Thành phố hoặc Quốc gia phải tuân thủ theo Luật Di sản về bảo vệ và quản lý di tích.
CHƯƠNG VII
THÀNH LẬP – GIẢI TÁN ĐẠO TRÀNG, CÂU LẠC BỘ PHẬT TỬ
Điều 25: Điều kiện để thành lập, công nhận các đạo tràng tu tập, Câu lạc bộ Thanh – thiếu niên Phật tử:
– Sinh hoạt của các đạo tràng, câu lạc bộ Phật tử theo đúng Chính pháp phải được Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện đồng ý, đứng ra tổ chức, chịu trách nhiệm trước Giáo hội và Pháp luật và đặt dưới sự quản lý của Ban Hướng dẫn Phật tử cấp Huyện và cấp Thành phố.
– Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện phải có Đơn xin thành lập đạo tràng, câu lạc bộ, trong đó lược kê rõ ràng:
+ Tôn chỉ mục đích
+ Thời gian – địa điểm sinh hoạt, tu tập định kỳ hàng tuần, hàng tháng.
+ Chương trình sinh hoạt, tu tập; Số lượng người tham dự và người hướng dẫn sinh hoạt, tu tập.
– Được Ban Hướng dẫn Phật tử cấp Huyện hoặc cấp Thành phố ra quyết định công nhận, thành lập:
+ Thành phần Phật tử tham gia sinh hoạt tại đạo tràng, câu lạc bộ là người cùng trong quận, huyện thì Ban Hướng dẫn Phật tử cấp Huyện xem xét, đề nghị Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp Huyện ra quyết định công nhận, thành lập.
+ Thành phần Phật tử tham gia sinh hoạt tại đạo tràng, câu lạc bộ là người địa phương khác thì Ban Hướng dẫn Phật tử Thành hội xem xét, đề nghị Thường Trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội ra quyết định công nhận, thành lập
Điều 26: Điều kiện gia nhập đạo tràng, câu lạc bộ
– Đơn xin gia nhập đạo tràng hoặc câu lạc bộ do cha mẹ hoặc người đỡ đầu hợp pháp ký tên nếu người xin gia nhập dưới 18 tuổi
– Tự ký đơn xin gia nhập đạo tràng hoặc câu lạc bộ nếu người xin gia nhập từ 18 tuổi trở lên.
– Tuyệt đối tuân thủ phương châm hoạt động của Giáo hội ” Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”
Điều 27: Giải tán đạo tràng hoặc câu lạc bộ
Một đạo tràng tu tập hoặc câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử bị giải tán nếu vi phạm một trong các điều dưới đây:
– Vi phạm Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
– Không sinh hoạt đúng theo Nội quy Ban Hướng dẫn Phật tử và các chủ trương đường lối của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội
– Không duy trì đủ các điều kiện được quy định tại Nội quy Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và tại Quy chế này.
Một đạo tràng tu tập hoặc câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử bị giải tán phải được Ban Hướng dẫn Phật tử cấp Huyện hoặc cấp Thành phố xem xét đầy đủ các yếu tố và trình Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng cấp ra quyết định giải tán.
Trên đây là Quy chế quản lý tự viện gồm có 07 chương và 27 điều, được Hội nghị Tăng sự Thành hội Phật giáo Hà Nội nhất trí thông qua ngày..
Quy chế này có phạm vi áp dụng trên toàn địa bàn Thành phố Hà Nội và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký quyết định ban hành.
BAN TĂNG SỰ GHPGVN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
This Post Has 0 Comments