Skip to content

ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM

VỚI VĂN HÓA ĐẠO ĐỨC NGƯỜI HÀ NỘI HIỆN NAY

                                                                                            HT. Thích Thanh Nhiễu

                                                                                                                                                                                                    Phó Chủ tịch HĐTSTƯGHPGVN

Phật giáo du nhập vào Việt Nam đến nay đã hơn 2000 năm. Trong quá trình tồn tại và phát triển trên mảnh đất màu mỡ này, nó đã nhanh chóng thích nghi và đồng hành cùng dân tộc và trở thành Phật giáo Việt Nam. Suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo Việt Nam đã tích cực phát huy vai trò của mình, đóng góp công sức chống lại thế lực thù địch, đem lại an lạc, hòa bình, độc lập cho dân tộc.

Trong từng thời kỳ lịch sử, các tổ chức Giáo hội, hệ phái Phật giáo ra đời với những danh xưng khác nhau. Sau năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cơ duyên đã đến , ngày 07/11/1981, tại chùa Quán Sứ – thủ đô Hà Nội, Đại hội quy tụ các tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước được diễn ra và Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, đến nay đã tròn 30 năm.

Thật vinh dự khi chúng ta được sống và tu tập giữa thủ đô Hà Nội. Trong suốt chặng đường 30 năm, tăng ni, Phật tử thủ đô đã đóng góp không nhỏ trong việc phát triển của đất nước về nhiều mặt, nhất là mặt đạo đức trong giai đoạn hiện nay. Khi nhà nước mở cửa hội nhập quốc tế, đời sống nhân dân được nâng cao, đòi hỏi đáp ứng nhu cầu về mọi mặt thì đạo đức lại bị giảm sút, con người bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được những mong muốn của mình. Đây là một vấn đề cấp bách cần phải có những giải pháp để giúp con người đi đến Chân-Thiện-Mỹ.

Trước tình trạng đó, Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo thủ đô nói riêng, với tinh thần “từ, bi, hỷ, xả” đã chung tay góp sức trong việc giáo dục, hướng dẫn người dân hướng thiện, bỏ ác làm lành, hiếu kính cha mẹ… và thực hiện chính sách của nhà nước, thực hiện Hiến chương của Giáo hội Phật giáo đã đề ra. Việc làm này được thể hiện qua các nghi lễ, lễ hội, các ngày lễ truyền thống của dân tộc như ngày sóc, ngày vọng, lễ hội, lễ Thành hoàng làng, lễ Vu Lan, Phật đản…để tỏ lòng biết ơn những người có công với đất nước, những người đã sinh thành, nuôi dưỡng, những người đã tác thành giới thân, tuệ mệnh chúng ta.

Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam thì nó đã hội tụ với tín ngưỡng bản địa và tạo ra một tín ngưỡng chung của cộng đồng dân tộc-quốc gia như tín ngưỡng của các ngày lễ: 1 tháng 5, 27 tháng 7, ngày Quốc khánh 2 tháng 9… Đặc biệt là những ngày lễ hội lớn của dân tộc như ngày giỗ tổ Hùng Vương, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, lễ Phât Đản, lễ Thành Hoàng làng, lễ các anh hùng dân tộc, lễ các vong linh tử nạn được siêu thoát… Với những giá trị đó của Phật giáo đã lập nên hàng loạt những giá trị nhân bản ở tầm nhân loại, bởi họ đến với Phật giáo không chỉ cầu Phật phù hộ cho bản thân, cho gia đình, bạn bè, mà còn cầu cho “Quốc thái dân an”, đất nước thịnh vượng, thế giới hòa bình. Như vậy, tín ngưỡng Phật giáo đã trở thành một phong tục ăn sâu vào nếp sống của người dân Việt trên khắp mọi vùng, đặc biệt là ở thủ đô Hà Nội. Phong tục này đã và đang góp phần duy trì, truyền tải và phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc. Nét đẹp trong văn hóa tinh thần này cần thiết phải được chắt lọc, phát huy trong quá trình xây dựng nếp sống mới ở nước ta hiện nay.

Phật giáo đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa thiêng liêng của lòng hiếu kính: “Thiên kinh vạn quyển, hiếu nghĩa vi tiên”. Cha mẹ chính là Phật giữa trần thế của các con: “Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế”, cho nên “Hiếu nghĩa vi vạn hạnh chi tiên”. Để đề cao đức hiếu thảo, Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo thủ đô nói riêng có ngày lễ Vu Lan bồn. Ngày lễ này được bắt nguồn từ Ngài Mục Kiền Liên đi tìm mẹ. Vì lòng thương mẹ bị đọa vào địa ngục nên Ngài đã vâng lời Phật dạy sắm đủ thứ lễ vật, thân hành đi thỉnh chư Tăng khắp nơi về làm lễ cầu cho vong linh mẹ được siêu thoát. Vong linh mẹ Ngài nhờ đó mà thoát kiếp quỷ đói. Mục Kiền Liên bèn nhân đó hỏi Phật rằng, về sau nếu Phật tử muốn làm lễ Vu Lan báo hiếu thì có được không? Phật đồng ý ngay. Từ đó, ngày rằm tháng bẩy được coi là ngày lễ Vu Lan, ngày lễ con cái báo hiếu cha mẹ. Dù cho cha mẹ đã tạ thế hay còn sống cùng con cháu, lễ Vu Lan luôn được tiến hành trọng thể. Bởi vậy, ở Việt Nam, nhất là thủ đô Hà Nội, lễ Vu Lan từ lâu đã trở nên quá quen thuộc và có thể mỗi người cảm nhận được một mức độ rất khác nhau, nhưng dù nhiều hay ít, ai cũng hiểu được đó là ngày lễ con cái tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ. Có lẽ, trước khi Phật giáo vào Việt Nam thì người Việt không có một lễ hội nào nhắc nhở đạo làm con cụ thể và sinh động như lễ hội Vu Lan. Có thể nói, ngày hội này của Phật giáo đã ảnh hưởng rất lớn đến ý nghĩa giáo dục đạo đức cho những người làm con trong bối cảnh mà đạo đức xã hội đang có sự suy thoái nghiêm trọng.

Bên cạnh đó thì lẽ sống truyền thống của người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng cũng được thể hiện rõ ở đây:

Trước hết, bổn phận của học trò đối với thầy và của thầy đối với học trò là một trong những bổn phận quan trong nhất của các mối quan hệ xã hội. Chữ “Sư” trong từ “ nhà Sư” nguyên nghĩa là Thầy, Phạn chữ viết là Guru hay Sàstà. Một trong những hoạt động tự nhiên của nhà sư chính là dạy đạo lý làm người, dạy về giáo lý và nghi thức của đạo Phật, dạy về việc tu hành…Hai chữ “Hòa thượng”, Phạn chữ viết là Upadhyaya, cũng có khi được dịch là “ thân giáo sư”. Điều này cũng có nghĩa là Phật giáo luôn gắn bó với sự nghiệp giáo dục. Bởi sự gắn bó mật thiết lâu dài này, Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo thủ đô nói riêng rất quan tâm đến việc xây dựng và củng cố mối quan hệ thầy – trò. “ Thầy trò nên lấy đạo tương cảm tự nhiên, tin kính nhau, coi người như mình”. Kinh Vấn Sự Thật Cát Hung trong Bộ kinh Trường A Hàm có nói: thầy nên theo như pháp mà dạy trò, nên dạy trò những điều trò chưa biết, nên giảng cho trò những điều mình đã nghe, nên chỉ cho họ biết chọn bạn thân, nên đem hết những chỗ mình biết dạy bảo họ. Còn phần trò thì nên cung kính thầy: nên lễ kính cúng dàng thầy, nên tôn trọng và quý ngưỡng thầy, nên vâng thuận lời thầy, nên ghi nhớ lời thầy. Cách hay nhất để làm rạng danh người thầy chính là dốc lòng đào tạo cho được những học trò giỏi hơn mình. Tuy đã có hàng ngàn năm nay nhưng những lời khuyên của đạo Phật về bổn phận của học trò đối với người thầy và của thầy đối với học trò vẫn còn nguyên giá trị đáng được nghiên cứu để kế thừa. Không phải tất cả, nhưng rõ ràng trong một bộ phận cấu thành truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt ta đã bắt nguồn từ đây.

Thứ nữa là mối quan hệ con người với xã hội: biết đoàn kết, biết ăn ở hòa thuận và cùng nhau hội họp để lo việc nước thì không sợ gì bại vong, mà trái lại sẽ cường thịnh. Theo kinh Bồ Tát Diệu Tử thì lãnh đạo xã hội phải biết thương dân, gần dân, cần dân và dạy dân. Người dân phải biết tuân theo luật lệ và kính người lãnh đạo. Tóm lại, phải sống theo nguyên tắc Lục hòa: cùng nhau chung sống, không cãi cọ nhau, vui vẻ với nhau, cùng tuân theo và sửa chữa cho nhau, cùng giảng giải cho nhau hiểu biết, cùng chia quyền cho nhau. Ngoài ra, Phật giáo còn để cập đến bổn phận vợ chồng, bổn phận họ hàng, bổn phận chúng sinh… được ghi trong kinh A Hàm, kinh Hoa Nghiêm rất rõ.

Những tư tưởng này của Phật giáo nói chung, của Phật giáo Việt Nam nói riêng đã ảnh hưởng sâu đậm đến gia giáo cổ truyền của tổ tiên ta, của người Hà Nội. Một nền gia giáo tốt đẹp bao giờ cũng là nền gia giáo vừa được xây dựng trên cơ sở những giá trị tự thân, vừa tiếp nhận có chọn lọc những thành tố tốt đẹp khác, bất kể thành tố đó đến từ đâu. Với phương hướng chung như trên, tổ tiên ta đã trân trọng đón nhận từ Phật giáo Việt Nam những thành tố tốt đẹp và phù hợp để làm phong phú thêm nền gia giáo của mình.

Có thể nói, sự ảnh hưởng của Phật giáo Việt Nam vào hệ thống văn hóa tín ngưỡng, đạo đức người Hà Nội đã góp phần duy trì nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nhưng cũng có những hạn chế nhất định. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế đất nước có bước phát triển vượt bậc, đời sống con người được nâng cao, nhu cầu của con người cũng vì thế mà ngày càng được phát triển thì ngược lại, đạo đức con người bị suy thoái bởi họ bất chấp mọi việc để đạt được nhu cầu trong cuộc sống. Vì vậy, việc cúng lễ ngày càng có xu hướng gia tăng “ phú quý sinh lễ nghĩa”. Cùng với việc cúng lễ, các vật phẩm phục vụ cho việc thờ cúng cũng ngày càng được tiêu thụ nhiều hơn. Những tập tục không còn phù hợp với sự phát triển nói trên rất cần thiết phải được loại bỏ dù trong quá trình xây dựng con người mới ở Việt Nam hiện nay nói chung, con người mới thủ đô Hà Nội nói riêng. Khi đông đảo nhân dân trong xã hội hiểu được rằng, Phật giáo không phải ở chùa to, tượng đẹp, ở sính lễ nhiều, ở việc chăm thực hành nghi thức cầu cúng, mà Phật ở trong tâm mỗi người thì các sinh hoạt Phật giáo sẽ góp phần phát huy được nhiều hơn những nét hay, nét đẹp trong giá trị văn hóa truyền thống người dân Hà Nội. Đó cũng chính là thể hiện ý thức, đạo đức của người dân thủ đô.

Nói tóm lại, Phật giáo thủ đô trải qua chặng đường 30 năm đồng hành và phát triển cùng Phật giáo Việt Nam với tinh thần đoàn kết, hòa hợp của Tăng ni, Phật tử thủ đô, bằng những luân lý đạo đức của Phật giáo đã góp phần xây dựng và tăng cường các mục tiêu tôn chỉ đúng đắn mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra trong Hiến chương Giáo hội kể từ ngày thành lập. Phật giáo thủ đô luôn nỗ lực phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, thiết thân cùng xã hội, quyết tâm giữ vững tinh thần độc lập dân tộc, đúng theo ý nghĩa: “ Phụng sự chúng sinh tức cúng dàng chư Phật”, “Trang nghiêm thế gian tức trang nghiêm Tịnh độ chư Phật tại thế gian”. Với tư cách là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong khối đại đoàn kết dân tộc, Phật giáo thủ đô luôn gắn liền với mọi hoạt động xã hội, thực hiện phương châm: “ Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.

 

This Post Has 0 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *