ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO TRONG KINH A HÀM
Tuệ Đăng
Đề cập đến đạo đức là đề cập đến vấn đề con người. Cho nên một nền đức nào định hình bao giờ cũng dựa trên cơ sở hình thành cộng đồng xã hội, sống theo những quy tắc chuẩn mực do con người xã hội đó thiết lập. Suy cho cùng thì đạo đức của con người thực sự là tổng hòa các mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với gia đình và xã hội. Trong Niên luận này đề cập một số vấn đề: Nền tảng của đạo đức, cơ sở xây dựng đạo đức, đạo đức thể hiện các mối quan hệ..vv. của Phật giáo quan kinh A Hàm.
- Giới luật – nền tảng của đạo đức.
Giới luật của Phật giáo được xây dựng trên quan niệm rộng rãi về tình yêu phổ quát, thương xót đối với tất cả mọi loài, là nền tảng đạo đức căn bản của giáo lý đạo Phật.
Chữ Giới trong Giới bản Ba la đề mộc xoa (Pràtimoksa), có nghĩa là Biệt giải thoát, hay Tuỳ thuận giải thoát. Biệt giải thoát là giải thoát từng phần, giữ giới nhiều thì giải thoát nhiều, giữ giới ít thì giải thoát ít; Tuỳ thuận giải thoát là giải thoát tuỳ thuộc vào quả hữu vi hay quả vô vi của người hành trì.
Giới (Sìla) thường được hiểu là giới hạnh, điều luật đạo đức, ngăn ngừa điều quấy, chấm dứt việc ác (phòng phi chỉ ác), hoặc không làm các điều ác, làm các việc thiện (chỉ ác tác thiện).
Qua các định nghĩa trên, thì giới giúp chúng ta đạt được hai mục đích: không làm các điều ác, làm những việc thiện và đạt đến mục tiêu thứ ba là giữ gìn tâm ý thanh tịnh. Như vậy, Giới là nền tảng của đạo đức luận Phật giáo.
Đối với hệ thống giới luật của Phật giáo, thì trong khoảng mười hai năm đầu sau khi thành đạo, Đức Phật không chế giới điều cụ thể mà chỉ nhắc nhở các đệ tử giữ gìn giới luật bằng một bài kệ tổng quát:
Giữ miệng ý thanh tịnh
Thân hành cũng thanh tinh
Thanh tịnh ba hạnh này
Tu hành đạo tiên nhân.
Về sau, từ năm thứ mười ba trở đi trong Tăng đoàn dần dần có những việc hữu lậu xảy ra làm não loạn, cản trở việc tu tập của các đệ tử, bị người thế gian cơ hiềm gây lên ảnh hưởng không tốt cho Tăng đoàn, Đức Phật mới bắt đầu chế giới. Từ đây giới luật bắt đầu được hình thành, mỗi khi có đệ tử nào vi phạm điều gì thì Đức Phật lại cho họp chúng lại, tuỳ theo mức độ vi phạm trong từng hoàn cảnh, thời gian cụ thể mà chế giới. Giới luật của Đức Phật có rất nhiều và được chế rải rác trong suốt bốn mươi chín năm. Sau khi Ngài nhập Niết Bàn thì các vị đệ tử mới kết tập thành Luật tạng và phân thành nhiều loại tuỳ theo nội dung, hoặc tuỳ theo tính chất của giới để áp dụng cho từng loại đối tượng cụ thể. Như giới tại gia gồm 5 giới, 8 giới; giới xuất gia có 10 giới Sa di – Sa di ni, 250 giới Tỷ khiêu, 348 giới Tỷ khiêu ni..vv.
Tuy phân chia nhiều giới như vậy, nhưng đều tập trung vào chức năng kiểm soát lời nói và việc làm của mỗi người, hay nói cách khác là thanh lọc thân – khẩu – ý. Mục đích là để biểu thị sắc thái đạo đức, ngăn ngừa những tội lỗi từ hành động cho đến ý niệm của các đệ tử, ngõ hầu Thánh hoá đời sống tu hành của họ, làm mô phạm cho thế gian, khiến cho người chưa có lòng tin với Phật pháp phát khởi được lòng tin. Một vị Tỷ khiêu giới hạnh thanh tịnh sẽ là mảnh đất tốt tăng trưởng các thiện pháp, là nền tảng để tiến bộ tâm linh tiến đến giải thoát: “ Tỷ khiêu nào giữ giới thì thường không có sự hối hận, hoan duyệt, hoan hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thực, nhàm chán, vô dục, giải thoát; nếu đã giải thoát thì liền đắc Niết Bàn”.
- Giáo lý nhân quả, nghiệp báo – cơ sở xây dựng đạo đức.
Định luật nhân quả, cũng như hệ luận của nó là nghiệp báo trong hình thức thô sơ nhất vốn do nền đạo học Dravidien phát kiến từ trước thời Đức Phật cả ngàn năm. Đến khi Đức Phật ra đời, tu hành thành đạo thì định luật này được diễn thuyết thành lý duyên sinh, và chính trên căn bản duyên sinh mà Ngài chức đắc chân lý thực tại vạn pháp vô ngã. Tại đây giáo lý Đức Phật đã hiển nhiên minh định luật nhân quả đóng một vai trò quan trọng đặc biệt.
Định luật Nhân quả, là một định luật cắt nghĩa quá trình hình thành của vạn hữu chẳng có gì là cố định, chẳng có gì là thường còn, chẳng phải tự nhiên mà có, hay do ý muốn của một đấng siêu nhiên nào đó khải thị. Theo định luật nhân quả, tất cả vạn hữu chẳng qua đều là vì cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh. Hết thảy đều tương duyên, hỗ trợ nhau mà thành, cái này là nhân, đổi lại cái kia là quả. Nói tương duyên nghĩa là giai đoạn trước thế nào thì giai đoạn sau thế ấy, giai đoạn trước là nhân, đổi lại gọi giai đoạn sau là quả. Tất cả vạn hữu vũ trụ trong thời gian vô cùng, không gian vô tận này đều sinh trưởng vận hành, chuyển dịch, kết thúc theo mối tương quan tương duyên với nhau trong vòng định luật nhân quả.
Định luật nhân quả chi phối hết thảy mọi sự vật hiện tượng trên mọi phương diện. Từ những pháp cụ thể như con người, muôn vật cho đến những pháp trừu tượng như các mối tương quan giữa người với người, người với thiên nhiên, mọi phạm vi luân lý, kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội..vv. Tất cả đều diễn tiến trong vòng định luật nhân quả và do nhân quả chi phối. Cho nên luật nhân quả chính là chân lý hiện thực. Người ta có thể đi ngược sự sống, nhưng không thể đi ngược với luật nhân quả.
Khi đã hiểu lý nhân quả, chúng ta không còn tin ở định mệnh hay ngẫu nhiên, mà có lòng tin ở chính bản thân mình, tin vào năng lực sáng tạo của con người, con người có đủ khả năng xoay chuyển cuộc đời. Tất cả những việc tốt xấu, họa phúc của con người đều do chính con người tạo ra. Do đó để có cuộc sống hạnh phúc an lạc thì phải tạo ra cái nhân tốt lành, nhận thức sâu sắc được vấn đề này, đã làm cho con người sống tốt hơn và tin tưởng vào kết quả của việc sống tốt đó, như người Việt Nam có câu:
Ai ơi cứ ở cho lành
Kiếp này không gặp để dành kiếp sau.
Từ những nhận thức về lợi ích của giáo lý nhân quả như trên đã chứng minh rằng lý nhân quả là cơ sở để xây dựng một nền đạo đức cơ bản của Phật giáo. Nó xây dựng một nhân sinh tốt đẹp, cải tạo một xã hội tươi vui, hướng dẫn con người thực hành đến đích giải thoát giác ngộ. Người thực hành theo giáo lý nhân quả đem lại lợi ích chân thực cho chính mình và cứu kính tối hậu của sinh mạng con người. Song hành với giáo lý nhân quả là giáo lý nghiệp báo. Vậy nghiệp báo là gì?
Tiếng Phạn Karma, Trung Quốc dịch là Nghiệp. Theo Phật giáo thì Nghiệp là chỉ cho những lời nói, hành động có ý thức. Tức là những lời nói, hành động cố ý, do ý muốn của tâm tốt hay xấu, lành hay dữ, kết quả đem lại cho con người hạnh phúc hay đau khổ là do ý niệm của tâm lành hay tâm ác. Như lời Đức Phật dạy:
Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe chân vật kéo
Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh
Nói lên hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng chẳng rời hình.
Qua lời dạy trên, chúng ta thấy nếu như lời nói, hành động với tâm lành thì sẽ được an lạc hạnh phúc; ngược lại nếu như lời nói và hành động với tâm xấu ác thì sẽ phải đau khổ. Tất cả đều do tự thân con người tạo cho mình cuộc sống an lạc hay đau khổ, chứ hạnh phúc hay đau khổ không phải do một đấng Tạo hóa nào có thể ban phúc hay giáng họa cho con người. Hơn nữa, cần phải hiểu rằng “gieo gì sẽ gặt nấy”, gặt ở chỗ này hay chỗ khác, lúc này hay lúc khác thì sẽ đều phải gặt. Cuộc sống con người chính là tập hợp của nghiệp trong đời quá khứ, cộng với nghiệp hiện tại do con người đã và đang tạo ra. Trong kinh Ví Dụ Hạt Muối – Trung A Hàm, Đức Phật dạy: “Tùy theo nghiệp sở tác của mỗi người mà thụ lấy quả báo”.
Như vậy, con người phải chịu trách nhiệm với bản thân mình, cũng như với xã hội về những lời nói, hành động của mình. Trong cuộc sống hiện tại, dẫu muốn hay không muốn, đối với nghiệp quá khứ chúng ta phải nhận lĩnh như một di sản bắt buộc, để cộng thêm vào gia tài hiện nghiệp. Cái hiện nghiệp của chúng ta ngày nay, khác hơn cái nghiệp quá khứ ở chỗ chúng ta hoàn toàn làm chủ nó, có trọn quyền chuyển hướng chúng về đâu theo ý muốn của mình, bởi con người là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Chư Phật đã tận dụng những giai đoạn hiện tại đó mà dạy cho chúng ta phương pháp chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt. Nghiệp của chúng ta trong hiện tại không thể chia sẻ cho ai được, nó như thế nào đều do chúng ta quyết định, tâm ý khởi động điều lành sẽ dẫn chúng ta đến cảnh giới Niết Bàn; ngược lại tâm ý khởi động điều ác là động lực đẩy chúng ta vào địa ngục.
Phật giáo căn cứ vào nghiệp báo để chứng giải hằng hà sa số dị đồng trong toàn thể chúng sinh. Chúng sinh có muôn hình vạn trạng khác nhau như sướng khổ, giàu nghèo, sang hèn..vv. là bởi chúng sinh tạo nghiệp khác nhau. Nhận thức được điều này, những người tốt sẽ sống tốt hơn, những người chưa tốt sẽ biết cải ác làm lành, hồi tâm hướng thiện. Đó là tinh thần giáo dục rất lành mạnh, tích cực của Phật giáo qua thuyết nghiệp báo để giáo dục con người. Vì thế giáo lý Nghiệp báo mang ý nghĩa đạo đức luận lý, là cơ sở để xây dựng đạo đức theo quan điểm Phật giáo.
- Đạo đức Phật giáo qua sáu mối quan hệ giữa người với người.
Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, mỗi con người là một yếu tố tạo thành xã hội. Cho nên muốn xây dựng xã hội an bình, trước hết phải xây dựng con người tốt đẹp và quan hệ giữa con người với con người tốt đẹp. Trong kinh Thiện Sinh – Trung A Hàm, Đức Phật đã dạy chàng thanh niên Thiện Sinh biết phương pháp lễ bái sáu phương theo quan điểm của Đức Phật. Sáu phương ở đây là biểu hiện của sáu mối quan hệ của con người trong gia đình và xã hội. Lễ bái sáu phương chính là thực hiện tốt bổn phận, trách nhiệm của mình trong sáu mối quan hệ đó. Đức Phật dạy:
– Ý nghĩa lễ bái phương Đông là chỉ mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái: Phận làm con phải lấy năm điều sau để phụng dưỡng cha mẹ: 1. Tăng thêm của cải; 2. Cáng đáng mọi việc nhà; 3. Dâng cho cha mẹ những gì cha mẹ muốn; 4. Không tự làm gì khi chưa hỏi cha mẹ và không được trái ý cha mẹ; 5. Tất của những vật riêng của mình đều dâng hết cho cha mẹ.
Ngược lại cha mẹ cũng phải lấy năm điều để chăm sóc con cái, đó là: 1. Thương yêu con cái; 2. Cung cấp cho con cái không thiếu thốn; 3. Khiến con cái không mang nợ; 4. Tìm nơi chốn xứng đáng để dựng vợ gả chồng cho con cái; 5. Cha mẹ có của cải vừa ý đều giao hết cho con cái.
– Ý nghĩa lễ bái phương Nam là chỉ mối quan hệ giữa thầy và trò: Phàm là học trò phải lấy năm điều để thờ kính, phụng dưỡng thầy: 1. Khéo vâng lời; 2. Khéo giúp đỡ hầu hạ; 3. Hăng hái chăm chỉ học hành; 4. Giỏi nghề nghiệp; 5. Thường tôn trọng thờ kính thầy.
Đồng thời người làm thầy cũng phải lấy năm điều để săn sóc đệ tử: 1. Dạy cho nên nghề; 2. Dạy nhanh chóng; 3. Dạy hết những điều mình biết; 4. Gửi gắm học trò đến những chỗ tốt; 5. Gửi gắm bậc thiện tri thức.
– Ý nghĩa lễ bái phương Tây là chỉ mối quan hệ vợ chồng: Người chồng phải lấy năm điều để thương yêu, cấp dưỡng vợ: 1. Thương yêu vợ; 2. Không khinh rẻ; 3. Sắm cho vợ những đồ trang điểm tốt, quý giá; 4. ở trong nhà để vợ được tự do; 5. Xem vợ như chính mình.
Bổn phận của vợ đối với chồng cũng có mười ba điều: 1. Thương yêu kính trọng chồng; 2. Cung phụng kính trọng chồng; 3. Nhớ nghĩ đến chồng; 4. Lo lắng các công việc gia định; 5. Khéo tiếp đãi bà con, bè bạn của chồng; 6. Trước mặt thì đưa mắt đợi xem chồng bảo gì; 7. Sau lưng thì cử chỉ yêu thương; 8. Lời nói thành thật; 9. Không khoá kín cửa phòng; 10. Thấy đến thì ca ngợi; 11. Trải sẵn giường mà đợi; 12. Bày dọn đồ ăn uống ngon lành, sạch sẽ; 13. Chúng dàng các Tu sĩ.
– Ý nghĩa lễ bái phương Bắc là mối quan hệ giữa chủ nhà và người giúp việc: Chủ nhà nên lấy năm điều thương yêu chăm sóc người giúp việc: 1. Tuỳ sức mà sai việc; 2. Tuỳ lúc mà cho ăn; 3. Tuỳ lúc mà cho uống; 4. Hết ngày thì phải cho nghỉ; 5. Khi bệnh thì cung cấp thuốc thang.
Bổn phận của người giúp việc đối với chủ nhà có chín điều: 1. Tuỳ lúc làm việc; 2. chuyên chú làm việc; 3. Làm tất cả mọi việc; 4. Trước mặt thì đưa mắt đợi xem chủ bảo gì; 5. Sau lưng thì thương kính mà làm; 6. Nói lời thành thật; 7. Khi chủ hoạn nạn thì không bỏ đi; 8. Khi đi đến phương xa thì nên khen ngợi chủ; 9. Khéo léo phụng sự chủ nhà.
– Ý nghĩa lễ bái phương dưới là mối quan hệ bạn bè, anh em: Bạn bè với nhau, người này phải lấy năm điều để đối xử với người kia: 1. ái kính; 2. Không khinh thường; 3. Không dối gạt; 4. Cho tặng đồ quý; 5. Giúp đỡ lẫn nhau.
Đồng thời người kia cũng phải lấy năm điều để nhớ nghĩ đến người này: 1. Biết của cải hết; 2. Khi biết của cải hết thì cung cấp của cải; 3. Thấy buông lung thì khuyên ngăn; 4. Thương nhớ bạn; 5. Bạn gặp hoạn nạn thì cho nương tựa.
– Ý nghĩa lễ bái phương trên là mối quan hệ giữa Tu sĩ và tín đồ: Tín đồ phải lấy năm điều để tôn kính cúng dàng Tu sĩ: 1. Không đóng kín cửa; 2. Thấy đến thì tán thán; 3. Sửa soạn chỗ ngồi mà đợi; 4. Làm các món ăn uống ngon sạch mà cúng; 5. Đúng như pháp mà hộ trì.
Ngược lại thì Tu sĩ cũng phải lấy năm điều để khéo nhớ nghĩ đến tín đồ: Dạy cho có thành tín và niệm tín; 2. Dạy các giới cấm; 3. Dạy cho nghe rộng; 4. Dạy cho bố thí; 5. Dạy cho có tuệ, hành tuệ và lập tuệ.
Như vậy, sáu mối quan hệ của con người trong gia đình và xã hội nêu trên là những mối quan hệ tương tác hai chiều với nhau, mỗi người đều có bổn phận và trách nhiệm của mình đối với người khác; ngược lại, người khác cũng phải có trách nhiệm và bổn phận với mình. Đây là những phương thức sống, thể hiện tính nhân bản trong các mối quan hệ, vừa có tính chất bình đẳng, vừa có giá trị đạo đức rất cao được thể hiện trong cuộc sống gia đình và xã hội của Phật giáo.
- Đạo đức Phật giáo với vấn đề xây dựng xã hội.
Giáo lý của đạo Phật không phải một học thuyết hay triết học mang tính trừu tượng, xa rời thực tế, mà nó chính là phương thức sống, nhằm mang lại cho xã hội những lợi ích thiết thực, mang lại an lạc hạnh phúc trong hiện thực đau khổ của cuộc đời. Trên phương diện đạo đức Phật giáo với vấn đề xây dựng xã hội, thể hiện trên hai khía cạnh:
– Thứ nhất là đạo đức Phật giáo và vấn đề xây dựng hòa bình, đem lại hạnh phúc cho nhân loại: Thế giới ngày nay với mức độ phát triển đến chóng mặt của khoa học hiện đại, có rất nhiều biến động không ngừng xảy ra làm cho con người luôn sống trong sợ hãi lo âu, nghi ngờ căng thẳng. Khoa học kỹ thuật tiên tiến đã chế tạo ra nhiều loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, các cường quốc cạnh tranh nhau chế tạo những công cụ mới để phục vụ chiến tranh, tạo lên những hiềm khích nghi kỵ lẫn nhau, khiến cho nhân loại trên thế giới chẳng ngày nào được yên, những việc làm ấy càng ngày càng đưa nhân loại đến bờ vực thẳm. Vậy làm thế nào để đem lại hòa bình, hạnh phúc cho nhân loại?
Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, Đức Phật đã từng đề xướng tinh thần nhân bản, bình đẳng, bất bạo động, tôn trọng sự sống, tôn trọng con người, lấy lòng từ bi để xóa bỏ hận thù:
Với hận thù diệt hận thù
Đời này không có được
Không hận diệt hận thù
Là định luật ngàn thu.
Thực hiện tinh thần ấy của đạo Phật, người Ấn Độ đã giành được độc lập cho dân tộc, thoát khỏi sự đô hộ của người Anh mà không phải đổ máu. Tinh thần của Phật giáo là từ bi, bất bạo động, không chấp nhận bất cứ một hình thức chiến tranh nào, đối với Phật giáo thì không có một cuộc chiến tranh nào được gọi là chân chính. Đức Phật luôn chú trọng đến việc thiết lập một xã hội bình đẳng và hòa bình. Theo quan điểm của đạo Phật, để xây dựng được xã hội hòa bình, an lạc thì từ vua quan đến dân chúng, từ già đến trẻ trong xã hội đó cần phải thực hiện những điều sau:
“1. Nhân dân thường họp bàn chính sự, khiến già trẻ hoà thuận; 2. Vua tôi hoà thuận, trên kính dưới nhường; 3. Tôn trọng pháp luật, hiểu điều cấm kỵ, không trái lễ độ làm cho quốc gia giàu mạnh, yên ổn; 4. Hiếu dưỡng cha mẹ, kính thuận sư trưởng; 5. Tôn trọng miếu mạo, kính lễ quỷ thần khiến quốc gia cường thịnh, yên ổn lâu dài; 6. Giữ gìn khuê môn thanh khiết không bậy bạ, cho đến sự vui đùa, nói năng cũng không tà vạy; 7. Tôn thờ Sa môn, kính người trì giới và thân cận ủng hộ không biếng nhác”.
Những lời dạy trên của Đức Phật từ ngàn xưa ấy là bài học quý giá cho nhân loại, cho các quốc gia trên thế giới trong xã hội ngày nay. Điều thiết thực vầ cần làm ngay trong xã hội hiện đại là tạo một chuyển biến tốt đẹp trong tự tâm con người, hơn là thay đổi môi trường sống. Bởi những bất hạnh, đau khổ, những xung đột, mâu thuẫn..vv. đều bắt nguồn từ tự tâm con người. Cho nên đạo Phật luôn luôn kêu gọi tất cả mọi người hãy trở về sống với con người chân thật của mình, thể hiện qua pháp hành, đó là thân – khẩu – ý luôn làm điều thiện, nói lời thiện và nghĩ điều thiện. Đó chính là cuộc sống con người đạo đức, hướng thiện.
– Thứ hai là đạo đức Phật giáo với vấn đề bảo vệ môi trường môi sinh: Môi sinh là một khoa học tương đối mới mẻ, đề cập đến môi trường sinh sống trên hành tinh, tức là nói đến sự liên hệ mật thiết, tính tương quan tương duyên giữa muôn loài động vật và thực vật, giữa con người và thế giới bên ngoài, giữa thế giới muôn loài với môi trường sống của mỗi loài.
Hiện nay loài người đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng môi sinh, sự khủng hoảng đó là vấn đè bức xúc của thời đại. Với đà gia tăng dân số, cùng với sự phát triển mạnh của đời sống vật hcaats, cộng thêm sự thiếu thiện chí, thiếu trách nhiệm chung trong công cuộc bảo vệ môi trường, dẫn đến nhiều nguy cơ làm suy thoái môi trường, khiến con người đang đứng trước mối lo lớn, đó là sự hủy diệt khủng khiếp trên khắp hành tinh.
Môi đe dọa trước mắt là sự ô nhiễm không khí, đất và nước. Bởi con người thiếu sự nhìn xa trông rộng, lòng tham cố hữu đã che mắt lương tri, chỉ muốn đáp ứng mối lợi nhỏ trong nhu cầu hiện tại của cuộc sống, con người đã dùng nhiều hóa chất độc hại mà thiếu biện pháp xử lý hậu quả tai hại nguồn chất thải do hóa chất gây ra.
Mặt khác, ngành khoa học kỹ thuật cơ khí hiện đại, các nhà máy công kỹ nghệ chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng, cũng như các phương tiện giao thông..vv. đã thải ra lượng khí CO2 lớn đến mức báo động. Nó tích tụ ở thượng tầng khí quyển, làm hạn chế sự tỏa nhiệt của trái đất, ảnh hưởng khí hậu ngày càng nóng hơn. Một thế giới có đời sống văn minh vật chất càng cao bao nhiêu thì thế giới ấy càng có chiều hướng dẫn dắt con người đi vào con đường khủng hoảng tâm linh bấy nhiêu. Bằng chứng là khi con người cố tâm khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, thì con người phải tự gánh chịu hậu quả khổ đau từ muôn phía đưa lại, như lũ lụt, động đất, sóng thần, dịch bệnh ..vv. hiện nay đang ngày càng gia tăng. Sự phá vỡ cân bằng sinh thái, sự ô nhiễm môi sinh kéo theo sự băng hoại về đạo đức và hủy diệt các giá trị truyền thống. Tất cả những điều đó đều xuất phát từ lòng tham dục vô tận của con người. Cho nên đạo Phật đề ra một giải pháp quan trọng nhất là tạo một chuyển biến tốt đẹp ngay trong tự tâm mỗi người, thể hiện bằng cách thực hành theo những giáo lý căn bản như Tứ Thánh đế, Duyên khởi, Ngũ uẩn, Nhân quả..vv. nhằm mục đích duy nhất dạy cho con người thấy rõ sự đau khổ và con đường đưa đến diệt khổ, khai thị cho mọi người thấy sự vô thường tạm bợ của thân ngũ uẩn mà hướng tâm đến việc xa lìa tham dục, từ đó con người phát nguyện bảo vệ môi sinh.
Nếu con người có tham vọng chinh phục thiên nhiên, thì sẽ phải trả giá bởi sự phản ứng lại từ thiên nhiên. Vũ trụ bao la nhưng vận hành đều có quy tắc của nó, điều con người có thể làm là khám phá ra quy luật luật vành của vũ trụ rồi sống theo quy luật vận hành đó, để hòa nhập với vũ trụ thì mới có thể tồn tại và an lạc. Trái lại, nếu đi ngược sự vận hành của vũ trụ thì sớm muộn con người cũng phải gánh chịu hậu quả khổ đau, cuộc sống bất an và dễ dàng đi đến diệt vong.
Lịch sử Đức Phật Thích Ca là lịch sử của một con người từng chủ trương sống hòa hợp với thiên nhiên trong tinh thần tự do sáng tạo. Cuộc sống của Đức Phật từ khi Đản sinh đến khi xuất gia, thành đạo, thuyết pháp và nhập Niết bàn, bao giờ cũng là dưới tàng bóng cây xanh. Cuộc sống hòa nhập cùng thiên nhiên trong suốt cuộc đời của Đức Phật là một thái độ giáo dục mang tính tích cực sáng tạo, dân chủ trong tinh thần vô ngã, có giá trị xuyên suốt thời gian, không gian, có khả năng hóa giải tất cả các khủng hoảng của thời đại.
Vì quyền lợi lâu dài của con người, mỗi một chúng ta đều phải luôn luôn có trách nhiệm chung trong công cuộc bảo vệ môi sinh.
- Tiểu kết
những phần trình bày trên, chúng ta có thể nói rằng: tất cả những lời dạy của Đức Phật, cũng như những thái độ sống của chính bản thân Ngài đều trực tiếp hay gián tiếp liên hệ đến vấn đề đạo đức. Đạo đức Phật giáo là một nếp sống đem lại hạnh phúc và an lạc cho mọi loài chúng sinhh, đặc biệt là loài người chúng ta. Bởi đó là một nếp sống đề cao con người, đưa con người vào một vị trí tối thượng, xác định con người có khả năng đoạn trừ mọi khổ não, chấm dứt sinh tử luân hồi, đạt đến giải thoát giác ngộ.
Tuy nhiên, để đạt được hạnh phúc an lạc thì chúng ta phải có đủ ý chí và nỗ lực để tu tập, thực hiện một nếp sống đạo đức, thanh tịnh và lành mạnh, vì chỉ có một đời sống đạo đức thanh tịnh, lành mạnh mới bảo đảm được một đời sống hạnh phúc, an lạc thực sự theo đúng nghĩa./.
This Post Has 0 Comments