Skip to content

 

TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THANH BÍCH

PHÓ PHÁP CHỦ KIÊM GIÁM LUẬT GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

                                                                                                                                                                                Ban Trị sự GHPGVN Tp. Hà Nội

  1. THÂN THẾ

            Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Bích – Thế danh Nguyễn Quang Bích, sinh năm Quý Sửu (1912) tại làng Mai Xá, xã Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, trong một gia đình tiểu nông của dòng họ khoa bảng Nguyễn Bá Thị. Cha là cụ ông Nguyễn Hữu Thượng, mẹ là cụ bà Dương Thị Cẩm.

Ngài là con thứ tư trong gia đình, nên được cha mẹ hết mực thương yêu. Ngay từ thủa nhỏ Ngài đã sớm bộc lộ những bản chất hiền lành, nhân hậu, rất mực yêu thương các loại vật, đặc biệt không bao giờ sát hại sinh mạng của con vật nào.

Năm lên 5 tuổi (1917), Ngài theo cha mẹ rời xa bản quán đi buôn bán xa phương. Khi đến thôn Kim Đới, xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng, gia đình Ngài gặp vợ chồng nhà nho Dương Đình Huỳnh, Trọng Thị Như. Qua giao tiếp, cảm mến trước khí khái tao nhã, với những tư tưởng suy nghĩ có phần khác người bình thường, toát lên phong thái tư chất của bậc quân tử. Nhà Nho Dương Đình Huỳnh đã xin cụ Nguyễn Hữu Thượng cho Ngài về làm con nuôi, để dạy dỗ với mong muốn gửi gắm vào Ngài những hoài bão mà cả đời ông chưa hoàn thiện.

Sau khi chuyển về ở nhà cha mẹ nuôi, Ngài được nhà Nho Dương Đình Huỳnh dạy dỗ cẩn thận, cho đi học các trường tư thục bên ngoài. Năm 12 tuổi, Ngài đã có trong người lượng kiến thức Nho học và xã hội tương đối ổn định; đặc biệt đã học thông tiếng Pháp, có khả năng giao tiếp thạo với người nước ngoài cũng như soạn viết các văn bản chữ Nôm, chữ Hán.

Cũng là một duyên lành sớm được hạnh ngộ ngôi Tam Bảo, gia đình cha mẹ nuôi vốn có truyền thống Phật giáo lâu đời. Mẹ nuôi Ngài và người chị nuôi Dương Tùng Chính (sau này là Ni sư Tùng Chính, xuất gia tu ở các chùa Kiến Thuỵ, Hoằng Pháp, Giác Nguyên, Tiên Long) là những người hết mực tin kính Tam Bảo, hàng ngày phát nguyện ăn chay, niệm Phật, cầu nguyện Quốc thái dân an. Mẹ nuôi Ngài cũng chính là người bỏ tiền ra xây dựng ngôi Đại Hùng Bảo Điện bên bến đò Song, thôn Kim Đới, Kiến Thuỵ Hải Phòng.  Như nắng hạn gặp mưa, từ khi chuyển về với cha mẹ nuôi, hạt giống bồ đề không ngừng được nảy nở, Ngài mau chóng tiếp nhận, thấm nhuần tư tưởng tinh thần Phật giáo, tuổi tuy mới đồng ấu mà đã phát nguyện trường chay, niệm Phật.

  1. SỰ NGHIỆP
  2. Thời kỳ xuất gia học đạo.

Thắng duyên hội đủ, Ngài gặp được minh sư thiện hữu. Người chú ruột của Ngài là Hoà thượng Thích Thông Tiến (Thường gọi là Tổ Thiên Phúc) là một bậc pháp khí Thiền gia  lỗi lạc, một trong ba vị luật sư danh tiếng ở miền Bắc vào thời bấy giờ; thường vào Viện Viễn Đông Bác Cổ phiên dịch kinh điển; 10 năm khắc ván in kinh trong chùa Vĩnh nghiêm, xuất gia với tổ Tế Xuyên, học đạo ở Tổ Nguyên Uẩn, được tổ Bà Đá truyền Tâm Ấn. Một hôm đi vân du, Hoà thượng Thiên Phúc ghé ngôi chùa bến đò Song dừng chân nghỉ, gặp cậu bé thư đồng ngồi chắp tay niệm Phật, hỏi ra mới biết cháu mình. Được tổ Thiên Phúc nói pháp vô thường và con đường giác ngộ của Đức Phật, Ngài đã lập tức phát nguyện xuất gia khi tròn 12 tuổi.

Biết chuyện, mẹ và chị nuôi hết sức vui mừng, nhưng cha nuôi Dương Đình Huỳnh lại có phần ái ngại; phần vì thương con, phần vì muốn con mình nối tiếp chí ông, tiếp tục đi học theo đuổi con đường công danh. Nhưng trước ý chí quyết tâm của con, ông đành chấp nhận đưa con đến chùa Sủi, thôn Phú Thuỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội học đạo với tổ Thiên Phúc, được Tổ đặt pháp hiệu là Tâm Bích, pháp danh là Thích Thanh Bích.

Hiểu được căn cơ của người học trò thích mật hạnh, chuyên tâm tu tập, không màng đến sự thế của cuộc đời, nên Tổ Thiên Phúc không dạy các pháp ứng phó, hướng ngoại mà trước dạy thanh quy giới luật Thiền gia, sau hướng dẫn những phương pháp nội quán chế ngự thân tâm.

Năm 13 tuổi (1918), Ngài được Tổ Thiên Phúc cho sang chùa Bà Đá tòng Tăng chấp tác. Ở đây, hình ảnh của Lục Tổ năm xưa  lại xuất hiện. Là người bé nhỏ, nhưng hàng ngày phải gánh hơn 200 gánh nước để phục vụ sinh hoạt của chư Tăng quả không phải việc nhỏ. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, tinh thần xả thân cầu đạo cuối cùng cũng được đền đáp. Cuối năm ấy, Tổ Bà Đá nhận thấy Ngài là bậc pháp khí thiền gia, cơ duyên đầy đủ, liền cho đăng đàn thụ giới Sa Di tại Tổ đình Bà Đá.

Tại chốn tổ Tế Xuyên, mặc dù Ngài không phải đeo đá giã gạo như Tổ Huệ Năng, nhưng một người mảnh khảnh, hơn 10 năm giã gạo cúng dàng chư Tăng chốn Tổ cũng thực sự là một cửa Đạo khó vào của các bậc trưởng thượng tông môn . Đi qua cửa ải này, Ngài được thầy Nghiệp sư cho thụ giới Cụ túc tại giới đàn tổ đình Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh. Lúc này Ngài tròn 24 tuổi.

Cũng tại nơi đây, Ngài gặp người bạn đạo Thích Phổ Tuệ, nay là Đức Pháp chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Hai Ngài – một Bi, một Tuệ, cùng chung chí hướng, chung con đường, nên nghĩa tương giao mau chóng kết thành tình đồng đạo pháp lữ. Mỗi khi gặp nhau hai Đức Trưởng lão lại: “Trải chiếu luật nghi nhà trượng thất, bạn cao Tăng đến thỉnh lên ngồi” trong niềm an nhiên tĩnh tại của bậc thiền giả.

  1. Hành đạo tu tập.

Sau 22 năm theo thầy vân du học đạo, mùi tương dưa ngấm đủ vị thiền, năm 1940, Trưởng lão trở về ngôi chùa Sủi – Bắc Ninh (Nay là Phú Thị – Gia Lâm – Hà Nội), chuyên tâm công phu tu tập Thiền – Tịnh song tu. Ngày ngày “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”, hành hạnh “Thiểu dục tri túc”, thực tập ăn cỏ dày, nằm bện rơm, sớm khuya đèn sách, ròng rã trải qua 20 năm mà không hề ngưng nghỉ. Tấm gương sáng đạo hạnh tu hành ấy, người dân Sủi cho đến hôm nay vẫn hết lời ca ngợi và tự hào mảnh đất quê hương của họ đã có những bậc hiền nhân đạo hạnh dừng chân để cho dân làng học noi gương sáng.

Năm 1960, gánh vác trọng trách kế tổ truyền đăng của Tông phong Lâm Tế, Ngài cùng với Tôn sư là Tổ Thiên Phúc trở về Tổ đình Hội xá, Thường Tín, Hà Nội – nơi phát tích của tổ Tính Dược, Hải Quýnh, Tịch Truyền, Chiếu Khoan, Phổ Tịnh, để duy trì đạo mạch, nối tiếp đèn thiền tông phong của tổ Như Trừng Lân Giác.

Năm 1966, mến mộ đạo hạnh của Đức Trưởng lão, nhân dân xã Nguyễn Trãi – Thường Tín, Hà Tây cảm thỉnh Ngài sang trụ trì ngôi chùa Đậu – Thành Đạo Tự, để giúp đỡ nhân dân về đời sống tín ngưỡng tâm linh. Ở nơi đây, học theo hạnh tu của Tổ Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường – thường ngày Ngài tiết chế ăn uống ngủ nghỉ; khi tứ đại bất điều thường nhịn ăn, uống nước, thiền quán chữa bệnh; luôn luôn giữ chính niệm tỉnh giác, như lý tác ý, như lý giác sát. Nhờ thực hành như vậy nên đạo nghiệp không ngừng được tăng trưởng, thân tướng ngày một đoan nghiêm giống thân tướng thiền sư để lại toàn thân xá lợi Vũ Khắc Minh.

Vòng trời đất chuyển xoay, vô thường  là lẽ đương nhiên, khi thầy Nghiệp sư trả thân tứ đại cho đời, nhập cảnh giới bất thoái chuyển, năm 1986 hợp duyên, Trưởng lão hoà thượng đã gửi lại nhân dân Nguyễn Trãi chùa Đậu toàn bộ số tiền hương hoa, lui về tổ đình Hội Xá để kế tổ truyền đăng, nối tiếp tông phong chốn tổ.

Kể từ đó đến nay, Trưởng lão hoà thượng luôn là bậc trưởng thượng mực thước cho hàng Tứ chúng Thiền gia noi theo. Đối với tự thân thì khắc kỷ, đối với người thì rộng lượng bao dung, chan hoà nhã nhặn, từ bi tiếp vật, mẫn niệm độ sinh; luôn mật hạnh, làm nhiều hơn nói, khiêm nhường nhẫn nại, không tự cao tự đại; lấy việc tu làm yếu vụ, việc sinh tử làm trọng, việc độ sinh là cốt yếu; đặt chữ tàm quý ở trên đầu, lấy tứ ân để khắc dạ, nghĩ Tam đồ mà răn lòng; hiểu công cày cấy nhiều ít của người nông phu, cơm ăn áo mặc đều do tín thí… nên Ngài xem nhẹ công danh, tiền bạc, sống thanh bần thủ đạo trong nếp sống thiền gia; Ngày thì cày bừa, cấy hái, thượng Tam bảo, hạ trù táo, đêm thì dùi mài kinh sử, nghiền ngẫm pháp xuất thế của bậc thượng nhân. Tuổi đã đến mực “Bách tuế” mà buổi buổi bên hiên, dù 6 giờ trời nhá nhem tối, không ánh đèn, không kính, Ngài vẫn say sưa dò câu kinh con chữ. Trưởng lão mặc cho dòng đời đầy xáo động thịnh suy lên xuống, tranh nhân, tranh ngã, một câu “Nam Mô Thường Bất Khinh” – Hết thảy mọi người là Bồ Tát, chỉ riêng mình là phàm phu, chắp tay cung kính xưng con với cả sư Bác, sư Chú mà thấy lòng an nhiên tĩnh tại. Lòng từ bi của Trưởng lão mở rộng đến cả muôn loài chúng sinh. Đức Trưởng  lão thực hành pháp tu đơn giản chỉ là “Lệch kê  lấm rửa”, thời khoá công phu đầy đủ, chưa khi nào dừng nghỉ. Tinh thần trì học giới lại càng dũng mãnh, thời gian trước, Trưởng lão tuổi tuy đã 70 ngoài, mà hàng tháng Ngài vẫn  đi bộ hơn chục  cây số từ chùa Đậu sang tổ đình Võ Lăng tụng giới Bá tát cho đến khi sức khoẻ không còn cho phép; hay khi Hạ tại chùa Đỏ Văn Quán – Hà Đông, vì lên muộn giờ lâm thuỵ nên chùa đã cửa đóng then cài, Ngài cũng không dám gõ cửa động chúng mà lại tiếp tục thiền hành cả đêm cho đến khi trời rạng; Rồi cũng chính trong hạ trường Văn Quán, vì điều kiện cơ sở hạ tầng khó khăn, chư Tăng thiếu chỗ ngủ nghỉ, Đức Trưởng lão đã ra ngoài  nhà kho ngủ để nhường chỗ cho Chư Tăng trì tĩnh, cử chỉ ấy thật là cao đẹp biết bao.

Cuộc sống thường nhật của Đức Trưởng lão Hoà thượng thanh bạch cốt cách, luôn giản dị trong tấm áo nâu sòng đã bạc màu theo năm tháng; Cả đời xuất gia tu đạo, chưa khi nào Trưởng lão tự may cho mình bộ quần áo mới, hay mua những vật dụng trang trí tự thân. Tất cả vật dụng đều do tín thí phát tâm, Ngài đều tuỳ công đức nhiều ít của mình mà đắc thụ vật dụng đàn na.

Trưởng lão hiểu thế giới như hoa đốm, vạn vật đều vô thường, bởi vậy Trưởng lão luôn bất động giữa dòng đời đầy sáo động thịnh suy, an nhiên tĩnh tại trước mọi sự cán dỗ của dục vọng, vật chất.  Người tuy quần áo nâu sòng đạm bạc nhưng vẫn tỏ rõ thiền gia cốt cách; gậy chặt bờ rào vẫn đủ để cho thiền trượng thong dong. Túi pháp mặc dù được làm bằng những bao tải ngoài vườn, vậy mà có biết đâu túi ấy đã viên tròn giới châu cụ túc. Rồi cả đến  giường nằm không cao đẹp to dày, chỉ giản đơn là những tấm gỗ thừa ghép lại, với manh bạt thay chiếu, nhưng vẫn đủ làm pháp toà Như Lai cho ai có trí phát túc siêu phương trụ tâm Bảo Sở. Dép mộc, mũ len, Đức Trưởng lão thực tập ngủ ngồi nhiều hơn nằm, ngày ngày khi rau khoai, lúc rau bợ, lưng bát cơm theo pháp lương dược vị liệu hình khu, nhẹ phẩy quạt nan, cả đời tu chẳng mấy khi mắc màn, mặc cho muỗi réo bên tai, lấy pháp lành bố thí kết duyên với chúng sinh lạc hướng. Mùa đông giá rét, Đức Trưởng lão cũng chỉ một tấm chăn mỏng đối trị tứ đại cho khỏi bất điều; Quần áo của Ngài cũng chưa khi nhờ ai giặt giúp, mọi việc cá nhân đều tự thân làm lấy; vật dụng tín thí cúng dàng không thiếu, nhưng cũng chỉ thiểu dục dùng do sợ lạm dụng đàn na.

Trên con đường tu ấy, Đức Trưởng lão đã giúp cho không biết bao nhiêu người con Phật thấu hiểu bản chất của cuộc đời mà kiên cố Bồ đề Tâm. Ngài không chỉ khẩu giáo, ý giáo, mà lấy chính bản thân chân thực tu tập của mình làm ngôn ngữ thuyết giáo cho hàng hậu học. Thật đáng mừng, Phật giáo Hà Nội hôm nay còn lưu giữ được những truyền thống thiền gia tốt đẹp, thì Đức Trưởng lão chính là một trong những Bậc đi tiên phong trong sự nghiệp duy trì đạo mạch.

Với hàng Phật tử, tín chúng, có không biết bao nhiêu người lầm lỡ trong cuộc đời đã tìm lại được niềm tin, nguồn nhựa sống trong ánh từ quang khi được Đức Trưởng lão thiện tâm giáo hoá. Họ cảm nhận thấy ở nơi Trưởng lão những cảm giác an lành, hạnh phúc, thấy tin yêu cuộc sống hơn khi cuộc đời trở mặt.

  1. Công tác Phật sự.

Khi Tăng sai, Đức Trưởng lão đã trải qua nhiều trọng trách của giáo hội như Chánh Ban đại diện Phật giáo huyện Thường Tín, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Hà Tây , Hiệu trưởng trường Trung Cấp Phật Hà Tây , Chứng minh ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội , Ủy viên Hội đồng trị sự, Ủy viên Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện chủ Tổ đình Hội Xá, Trưởng sơn môn Tế Xuyên Hà Nam. Đặc biệt, tại đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI năm 2012, toàn thể đại hội đã nhất tâm suy tôn Trưởng lão Hòa thượng lên ngôi: Phó pháp chủ kiêm giám luật Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trưởng lão hoà thượng cũng là ngôi Thầy hoà thượng, A Xà Lê, đăng đàn truyền trao giới châu tuệ mệnh cho hàng nghìn giới tử Hà Tây, Hà Nội, Hà Nam. là ngôi đường chủ nhiều năm của Hạ trường Mai Xá, Hội Xá, Mỗ Lao… cùng nhiều trường hạ khác trong và ngoài thành phố Hà Nội để làm khuôn mẫu cho học chúng noi theo.

III. XẢ BÁO AN TƯỜNG

Những năm tháng cuối cùng tuy tuổi cao sức yếu nhưng tinh thần Trưởng lão Hòa thượng còn minh mẫn, ngời sáng tinh thần Từ – Bi – Hỷ – Xả. Ngài vẫn nhiệt tình giảng dạy cho Tăng Ni tại các khóa An cư kết hạ, vẫn đều đặn tham gia, chứng minh các cuộc họp của Ban Trị sự Giáo hội.

Nhưng sinh tử sự nhiên, việc hoá duyên đã viên mãn, thuận lý vô thường, đến đi tự tại, Hoà thượng thâu thần thị tịch vào hồi 8 giờ 20 phút ngày 23 tháng 3 năm 2013. ( Tức ngày 12 tháng 2 năm Quý Tỵ). Trụ thế 101 năm, trải qua 76 mùa An cư kết hạ.

Cuộc đời Đạo hạnh của Đức Trưởng lão Hoà thượng không chỉ bình thường dung dị mà luôn ngời sáng tinh thần giới luật tinh nghiêm, giản dị trong nếp sống thiền gia; mộc mạc phong thái đoan nghiêm của người con Phật; luôn khiêm cung, nhẫn nại, từ bi, hỷ xả; lấy đức lục hoà nhiếp phục thất chúng thiền gia; lấy công hạnh “Viễn ly” loại bỏ các ái thủ hữu, triền phược của cuộc đời. Trong hình ảnh “Thiền Tăng lão nông chi điền”, Trưởng lão Hòa thượng an nhiên, tự tại trong tấm áo nâu sòng đượm màu giải thoát, làm mực thước cho hàng Tăng Ni Phật tử noi theo.

Sự ra đi của Ngài đã để lại cho môn đồ tứ chúng niềm tiếc thương vô hạn. Tấm gương sáng của Ngài mãi mãi được khắc ghi trong lòng Tăng Ni – Phật tử Thủ đô.

 

 

 

This Post Has 0 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *