GIỚI LUẬT PHÁP YẾU
TT. Thích Tiến Đạt
I. Hộ trì Pháp môn.
- Năm việc khiến chính pháp Cửu trụ.
Trong Luật Thiện Kiến có chép: “Bấy giờ đức Phật Bảo Ngài A Nam rằng: Sau khi Ta diệt độ, có 5 pháp kiến cho chính pháp cửu trụ: 1- Tỳ Ni là Đại Sư của các ông; Tuân bẩm giáo pháp; 2 – Chí ít còn 5 vị Tỷ Khiêu trì luật còn ở đời (Tịnh Tăng thành chúng); 3- Ở nơi Trung Tâm 10 người, ở nơi biên địa 5 người như pháp trì yếu giới Cụ túc (Truyền thụ không dứt); 4- Cho đến đủ hai mươi người tới( Hành nghiệp thanh tịnh); 5- Do luật sư Trì Luật cho nên Phật Pháp trụ thế 5 ngàn năm (Trụ trì cửu vĩnh)”.
Lại nói: “ Tỳ Ni Tạng là Thọ mệnh của Phập pháp, Tỳ Ni tạng trụ Phật pháp cửu trụ” (Đại chính tạng Q .40.tr.5.c)
- Siêng tu năm pháp , chính pháp bất diệt
Trong luật Thập Tụng có chép: “1- Tôn trọng chính giáo: Nghĩa là các vị Tỷ khiêu, chỉ y cứ vào chính giáo để tu tập, xa lìa ngoại đạo tà kiến, hay khiến cho chính pháp bất diệt; 2- Chấm dứt sân ác: Nghĩa là các Tỷ Khiêu thường hành nhẫn nhục, không sinh sân khuể đức tốt truyền xa, khiến người quy ngưỡng cho nên hay khiến cho chính pháp bất diệt; 3- Kính trọng bậc trưởng thượng: Nghĩa là các Tỷ khiêu đối với các bậc Thượng tọa, Trưởng lão có đức lớn phải cung kính, thừa thuận siêng cầu pháp yếu, cho nên hay khiến cho chính pháp bất diệt; 4- Vui trong chính pháp: Nghĩa là các Tỷ khiêu ở nơi các Thượng tọa được nghe Diệu pháp, sinh lòng tin ưa, hoan hỷ phụng hành, cho nên hay khiến cho chính pháp dất diệt. 5- Khéo răn dậy người sơ cơ: Nghĩa là các Tỷ khiêu đối với pháp Đại thừa dùng phương tiện để diễn nói, khiến cho người sơ tâm học đạo, có chỗ y cứ để tiến tu đạo nghiệp, cho nên hay khiến cho chính pháp dất diệt”. (Đại chính Q 23 Tr. 358)
- Năm Tỷ Khiêu như pháp cộng trụ, Chính pháp bất diệt:
Trong Sự Sao có dẫn Kinh Đại Tập rằng: “Phật Bảo Đại Vương: Nếu một ngôi chùa, hay nơi thôn xóm, hay một khu rừng có 5 vị Tỷ Khiêu ở chung, nếu đánh Kiền trùy họp bốn phương Tăng, có khách Tăng đến phải theo thứ lớp mà cung cấp phòng xá, đồ ăn uống, đồ nằm, thuốc thang, không có tâm sẻn tiếc. Đầu đêm, cuối đêm đọc tụng kinh luận, chán sợ sinh tử , ưa vui Niết Bàn, không tự khen mình, không chê lỗi người, ít muốn biết đủ, thường ưa tán thán, thiểu dục tri túc. Tâm siêng tinh tiến, chí cầu tịch tĩnh tu niệm Định Tuệ, thương xót chúng sinh.
Đại Vương! Chúng Tăng ấy như pháp mà ở chung, hộ trì giới luật, tinh tiến giữ gìn giáo pháp của Phật, đọc tụng biên chép, phân biệt giải thuyết, thế gọi là Chúng Tăng thương xót chúng sinh, lợi ích chúng sinh – hay thụ trì 12 bộ kinh, cũng hay thụ trì giới cấm thanh tịnh, đầy đủ công đức tàm quí của bậc Hiền Thánh. Đại vương! Như thế gọi là Chúng Tăng Đại Công đức Hải, làm thầy của trời, người, hay đem lại lợi ích cho vô lượng chúng sinh, hay đoạn trừ hết thẩy khổ não cho chúng sinh, hay giúp hết thẩy chúng sinh giải thoát. Năm vị Tỷ khiêu như thế gọi là Chúng Tăng, huống chi là vô lượng.
Đại vương ! Nếu có vô lượng Tỷ khiêu phá giới cấm, chỉ cần có 5 vị Tỷ khiêu thanh tịnh như pháp, nếu có người bố thí cúng dàng được phúc vô lượng chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể tính đếm. Bởi vì sao? Bởi vì hộ trì Phật pháp, thương xót hết thẩy chúng sinh” (Đại Chính Q40 Tr 22c).
- Lạm thu đồ chúng tự đọa diệt pháp.
Trong Thiện Giới Kinh có nói: “ Thấy người hủy giới càng sinh lòng thương xót, dùng tâm thanh tịnh, lời nói khéo léo mà khuyên bảo họ, như cha mẹ dạy bảo con cái, những điều người phạm phải nên phát lộ như pháp sám hối. Nếu họ không chịu nghe, chẳng nên cung cấp những thứ cần dùng, sai bảo làm các việc. Lại nên tùy việc mà cử tội trách phạt. Nếu cố ý chẳng chịu, phải nên xua đuổi ra khỏi chùa viện, vì muốn cho Phật pháp tăng trưởng. Nếu chẳng hay dạy bảo trách phạt mà vẫn ở chung đó gọi là phá giới, chẳng phải là Sa môn, chẳng phải là Bà La Môn, làm nhơ bẩn Phật pháp, là kẻ Chiên Đà La, là kẻ Đồ Tể. Kẻ Chiên Đà La và kẻ Đồ Tể tuy làm việc ác nhưng chẳng thể phá hoại Chính pháp của Như Lai, chẳng nhất định phải đọa vào trong ba đường ác. Làm Thầy mà không biết răn dạy đệ tử, thì đó là phá Phật pháp, nhất định sẽ đọa vào Địa ngục. Nếu vì danh dự, lợi dưỡng mà tu tập súc dưỡng đồ chúng, đó là Tà Kiến, hủy hoại Phật pháp, là đệ tử của ma. Nếu không nuôi độ đệ tử, chẳng tiếp dẫn đồ chúng, cũng gọi là Tà kiến. Nếu có thần thông là tha tâm trí, biết túc mệnh trí, sau đó mới hay dùng Bồ Tát Giới giáo hóa khai thị pháp lành. Nếu có Tỷ khiêu nào không đầy đủ ba loại trí tuệ này, có thể nuôi độ, tiếp dẫn đồ chúng. Nếu biết những người đó phạm tội nặng. Nếu xa lìa được điều đó tránh xa được danh dự lợi dưỡng, mới làm cho chính pháp không diệt mất”. (Đại chính Q 30, Tr 983 a).
- Hoằng pháp công cao, phá pháp tội nặng.
Trong Hành Sự Sao có nói: “Cho nên trong Đại Luật Đức Phật có dạy: “ Không phải điều chế định mà chế định, là điều Phật chế định mà phế bỏ, như thế khiến cho Chính pháp nhanh chóng diệt mất,chẳng được gặp Phật, đọa địa ngục nhanh như tên bắn”.
Trong kinh Tam Thiên có nói: “Trong chúng không có người hiểu biết giới luật, giáo pháp dẫu trăm người, ngàn người cũng không sống chung. Vì vậy nên biết muốn cộng trụ ắt phải tuân thủ pháp và luật của Phật” (Đại Tạng Q 40 Tr18 a)
- Chính pháp Trụ – Diệt , Tỷ Khiêu hữu trách.
Trong luật Tứ Phần có chép: “Khi ấy, Đức Thế Tôn ở rừng Lam – La, nước Ca Lăng Già. Bấy giờ Trưởng Lão Ba Ma La đến chỗ Thế Tôn, đầu mặt lễ dưới chân Phật, rồi ngồi về một bên, cung kính bạch Phật rằng: “ Đại Đức Thế Tôn ! vì nhân duyên gì, Sau khi Như Lai diệt độ, chính pháp nhanh chóng hoại diệt, mà không cửu trụ? Lại vì nhân duyên gì chính pháp không hoại diệt, mà được cửu trụ?
Đức Phật bảo Ba Ma La rằng: “Sau khi Như Lai diệt độ, Tỷ khiêu không kính tin Phật – Pháp – Tăng và Giới – Định, vì nhân duyên ấy, chính Pháp nhanh chóng hoại diệt, mà không cửu trụ. Này Ba Ma La! Sau khi Như Lai diệt độ, nếu các Tỷ khiêu kính tin Phật – Pháp – Tăng và Giới – Định, vì thế nên chính pháp không hoại diệt, mà được cửu trụ”.
Khi ấy có một vị Tỷ khiêu khác đi đến chỗ Phật , đầu mặt lễ dưới chân, rồi ngồi về một bên, cung kính bạch Phật rằng : “Đại đức Thế Tôn ! Vì nhân duyên gì chính pháp nhanh chóng hoại diệt, mà không cửu trụ?
Đức Phật bảo Tỷ khiêu ấy rằng: “Nếu Tỷ Khiêu ở trong Pháp – Luật này mà xuất gia, chẳng chí tâm vì người mà thuyết pháp, ghi nhớ, giữ gìn, giả sử ghi nhớ, mà chẳng hay tư duy nghĩa lý do không hiểu nghĩa lý, nên chẳng thể đúng như pháp mà tu hành, chẳng thể tự lợi, cũng không lợi tha, do nhân duyên đó khiến cho chính pháp nhanh chóng hoại diệt, mà không Cửu trụ. Ngược lại sẽ làm cho chính pháp Cửu trụ không bị hoại diệt”. ( Đại Chính Q22 TR 1007C).
Từ sau khi Đức Thế Tôn vào Niết Bàn là thời kỳ Trụ Trì Tam Bảo, bốn chúng đệ tử có nguyện thệ hộ trì Phật pháp, điều cốt yếu trước hết đó là hộ trì Tăng Bảo , vì Phật bảo là Pháp Bảo đều nhờ vào Tăng hoằng truyền, không có Tăng thì Pháp diệt, không có giới thì Tăng vong. Hộ Tăng quan trọng là ở nơi thanh tịnh vắng lặng kiến lập chùa viện Tịnh xá, cung thỉnh Tỷ khiêu Tăng thường xuyên an trú, bốn thứ cúng dàng, giúp cho Tăng chúng như pháp tu hành Thân, Giới , Tâm, Tuệ, khiến cho chính pháp lại được phục hưng cửu trụ thế gian. Những người như thế là Đại Đàn Việt của đức Thích Ca Như Lai, được Vô Lượng công đức.
- Tỷ Khiêu thời mạt pháp tự hoại Phật Pháp.
Trong kinh có dạy: “Phật Bảo A Nan dốc lòng lắng nghe, nay ta sẽ nói: A nan! Vào đời sau này, có các Tỷ Khiêu phá giới, thân mặc ca sa, du hành nơi thành thị, qua lại nơi xóm làng, ở nơi nhà người thân, người đó chẳng phải Tỷ khiêu, lại chẳng phải Bạch y (Người thế tục) nuôi chứa thê thiếp, sinh nuôi con cái. Lại có Tỷ khiêu đến nhà dân nữ dân nam. Lại có Tỷ Khiêu tích trữ vàng bạc. Lại có Tỷ Khiêu chuyên làm nghề thuốc lấy đó để nuôi thân. Lại có Tỷ Khiêu làm việc bói toán cúng bái lấy đó để nuôi thân. Lại có Tỷ Khiêu bên trong phạm giới, ngoài giả hộ trì, nhận sự cúng dàng của tín thí. Lại có Tỷ khiêu tuy không phá giới mà ôm lòng sẻn tiếc y phục, ăn uống và tham lận vật của chúng Tăng, không cho khách Tăng ăn dùng. Lại có Tỷ khiêu tuy không phá giới nhưng lận tiếc phòng xá giường tòa của chúng Tăng, không cho khách Tăng sử dụng. Lại có Tỷ Khiêu , tuy không phá giới, vì Đàn Việt cúng dàng lễ bái mà nhận được nhiều tài lợi, tâm họ không muốn các Tỷ khiêu khác được người cúng dàng, chỉ muốn mình nhận được sự cúng dàng. Lại có Tỷ khiêu nhận được nhiều bốn thứ cúng dàng của Đàn Việt, bên trong không có thật đức, chỉ tăng trưởng lòng tham, chỉ vì mạng sống chẳng vì tu hành. Lại có Tỷ khiêu buôn bán kiếm lợi để tự nuôi thân mạng, như thế vô lượng nhân duyên Địa ngục, sau khi từ bỏ mạng sống này đều đọa địa ngục. A Nan ví như Sư Tử mạng tuyệt thân chết, hoặc hư không, mặt đất, dưới nước, trên cạn, không có loài vật nào dám đến ăn thịt Sư Tử, chỉ có trùng trong thân Sư Tử, quay lại ăn thịt Sư Tử mà thôi. A Nan! Phật pháp của ta, tà ma ngoại đạo chẳng thể hoại được, mà các ác Tỷ Khiêu ở trong pháp của ta phá hoại Phật pháp mà ta phải trải qua ba A Tăng Kỳ kiếp siêng tu khổ hạnh tích công lũy đức mới có được.”
8.Tăng Hòa Phật pháp trụ thế.
Trong Tát Bà Đa Luận có nói: “Tăng có 5 hạng: 1- Là Quần Dương Tăng; 2 – Vô Tàm Quý Tăng; 3- Biệt Chúng Tăng; 4- Thanh Tịnh Tăng; 5- Đệ Nhất Nghĩa Đế Tăng.
– Quần Dương Tăng: Nghĩa là các Tỷ khiêu không biết Bồ Tát, hành trù, thuyết giới, Tự tứ, Yết ma, hết thẩy Tăng sự đều chẳng hay biết, giống như đàn dê câm, nên gọi là Tăng như đàn dê.
– Vô Tàm Quí Tăng: Nghĩa là cả chúng cùng làm việc phi pháp như hành dâm dục, uống rượu v.v… Phàm người phạm giới phi pháp, hết thẩy cùng ở chung, nên gọi là Tăng không biết hổ thẹn.
– Biệt chúng Tăng: Nghĩa là như Yết ma chia lợi dưỡng, dùng tâm tham uế, có khách Tỷ khiêu đến chẳng cùng phân chia, biệt chúng Yết ma để chia lợi dưỡng, nên gọi là Biệt Chúng Tăng.
– Thanh Tịnh Tăng: Nghĩa là tuy hết thẩy đều là phàm phu Tăng nhưng mọi người đều trì giới thanh tịnh, chúng không phi pháp, gọi là Thanh Tịnh Tăng.
– Đệ Nhất Nghĩa đế Tăng: Là chỉ cho Tứ quả và Tứ hướng quả (Thánh Tăng)”. (Đại chính Q 23, Tr 513 b).
Trong kinh có nói: “Phật pháp sắp diệt, Bạch y hộ pháp mệnh chung sinh Thiên, như tuyết bay giữa hư không. Tỷ khiêu trái phạm giới luật đạo vào ác đạo như mưa từ trời rơi xuống. Nên biết ở nơi khổ mà tu phúc, phúc đó rất lớn; ở nơi phúc mà tạo tội, tội đó không nhẹ. Cho nên từ khổ được vui, chưa đủ vui trong cái vui; Từ vui vào khổ mới hay khổ trong cái khổ”.
- 9. Tỷ khiêu phá giới, cắt thịt đền nợ thí chủ:
Trong Phật Tạng kinh có chép: “Lại nữa, Xá Lợi Phất! Tỷ khiêu phá giới lấy tài vật của người tự nuôi dưỡng, ta nói người này mang gánh nặng. Xá Lợi Phất! Tỷ khiêu phá giới phải trải qua trăm ngàn vạn ức kiếp cắt thịt nơi thân để trả nợ tín thí, Nếu sinh vào súc sinh, thân thường chở nặng. Bởi vì sao? Giống như chẻ một sợi tóc làm nghìn ức phần, Tỷ khiêu phá giới chẳng thể tiêu được một phần cúng dàng của Đàn Việt, huống có thể tiêu được y phục, ăn uống, ngọa cụ, thuốc thang của tín thí”. ( Đại Chính Q 15 – Tr 788 b).
- Khuyên Quốc Vương, bốn họ hộ trì Phật pháp:
Trong hành sự sao dẫn kinh Đại Tập rằng: “ Nếu đời sau này có các Quốc Vương hay bốn chủng tính (Sĩ, Nông, Công, Thương) có lòng tin vì Hộ Pháp mà hy sinh cả thân mạng, thà hộ trì một Tỷ khiêu như pháp chứ không hộ trì vô lượng ác Tỷ khiêu, vị Quốc Vương ấy đời sau được sinh về cõi Tịnh Độ. Nếu nghe theo lời dạy bảo của ác Tỷ khiêu thì vị Quốc Vương ấy trải qua vô lượng kiếp không được làm thân người”. (Đại Chính Q 40 – Tr 20 c).
Trong kinh Niết Bàn có nói: “Có Tỷ Khiêu trì giới , thấy người hủy hoại pháp, phải nên khiển trách xua đuổi, y pháp mà trừng phạt, nên biết vị ấy được phúc vô lượng”. Lại nói “Nay đem chính pháp vô lượng, phó chúc cho các Quốc Vương, Đại thần, Tể tướng và bốn chúng phải nên khích lệ những người tu học nên học chính pháp ( Định Tuệ Tam thừa Thánh quả gọi là Chính Pháp, Giới là nền tảng của Định Tuệ). Nếu lười biếng phá giới, hủy hoại chính pháp thì các Quốc Vương, Đại thần và bốn chúng đệ tử phải nên trị phạt nghiêm khắc”.
- Trị phạt tẩn xuất người phạm trọng giới.
Trong Hành Sự sao dẫn kinh Đại Tập rằng: “Trong đời mạt pháp, có đệ tử của Ta nhiều của cải thế lực, Vua chẳng thể trị phạt được, đó là đoạn mất chủng tính Tam Bảo, đoạt mất con mắt của chúng sinh, tuy vô lượng kiếp tu giới, Bố thí thì bị diệt mất”.
Rộng như trong phẩm Hộ Pháp quyển 29 có nói: “Nếu Tỷ khiêu phạm giới phải nên trị phạt, một tháng hay hai tháng làm các việc khổ nhọc, hoặc không cùng nói chuyện, không có ngồi chung, không cho ở chung (Biệt trụ) hoặc tẩn xuất ra khỏi Tăng đoàn, hoặc đuổi ra khỏi một nước cho đến bốn nước có Phật pháp. Trị phạt các Tỷ khiêu như thế rồi, thì các Tỷ khiêu mới an vui tu hành được, mới khiến cho Phật pháp cửu trụ bất diệt”. (Đại Chính Q40 – Tr 18 b).
- Phật – Pháp – Tăng Bảo đều nên kính trọng
Trong “Pháp Uyển Châu Lâm” có nói: “ Phàm luận về Tăng Bảo nghĩa là giữ giới thủ chân uy nghi xuất tục, hiện ở bên ngoài khiến người thấy mà phát tâm, bỏ thế gian mà lập Pháp. Vinh hoa phú quý chẳng động lòng, của báu người thân không buộc ý, hoằng dương Phật pháp để báo bốn ơn; Chứa đức sửa lòng để giúp ba cõi. Tăng cách cao siêu trời người quý hơn vàng ngọc, nên gọi là Tăng Bảo. Nên biết Tăng Bảo lợi ích chẳng thể nghĩ bàn”. Cho nên trong kinh có nói: “ Ví dù có người trì giới, phá giới, hoặc lớn, hoặc nhỏ đều nên kính trọng, chẳng được khinh mạn, nếu trái điều này đều mang tội nặng”. Cho nên Đức Phật Thích Ca, Phật Di Đà v.v… là Chân Phật Bảo. Những điều nói ra từ kim khẩu của các Ngài về giáo lý hành quả là Chân Pháp Bảo. Ta chứng đạo quả sa môn là Chân Tăng Bảo. Cho nên thành kính một lễ một lạy, tội nghiệp muôn kiếp tiêu trừ, xưng dương tán thán tiêu tai giải hạn. Tự thẹn mình bạc phúc chẳng gặp được Phật, chỉ nhờ vào di phong sót lại, may mắn gặp được thắng duyên. Đồng vàng gỗ đá.., xanh vàng đỏ trắng..vv đắp vẽ hình tướng của Phật gọi đó là Phật Bảo. Giấy lụa tre đá..vv viết chép lời vàng gọi là Pháp Bảo. Cạo đầu thụ giới, mặc áo hoại sắc, chấp trì ứng khí… gọi là Tăng Bảo. Ba thứ này thể tướng tuy không thật dùng để biểu thị chân dung, kính trọng thì tăng trưởng phúc duyên, khinh mạn thì vĩnh kiếp khổ báo. Khúc gỗ không phải thân mẫu mà lễ kính cảm động cả quỷ thần, phàm Tăng chưa phải Thánh mà lễ kính hưởng phúc muôn đời. Làn gió tốt đẹp đó đã thổi gần xa đều tôn kính, ngầm giúp hàm linh, công đức khó bàn. Thảng hoặc khiếm khuyết mắc tội không nhỏ. Đã là người xuất gia lý nên khác tục, xa lìa thói tục, thân mặc áo nhẫn nhục thay Phật hoằng hóa. Tam Bảo vốn đồng thể, đều phải kính trọng như nhau chẳng nên riêng kính Phật pháp mà coi thường Tăng Ni. Cho nên Pháp chẳng thể tự hoằng, hoằng phải nhờ Tăng, Tăng có công hoằng pháp cho nên cần phải kính trọng”. (Đại chính Q 52 – tr 422).
- Tăng già kính trọng nhau Tam Bảo cửu trụ
Trong Đại Luận có chép: “Đức Phật bảo các Tỷ khiêu rằng: “Các ông phải cung kính lẫn nhau tiếp đón chào hỏi, bắt đầu từ đâu?”. Các Tỷ khiêu bạch Phật đều nói theo ý kiến riêng của mình: Hoặc có người cho rằng: Người xuất gia thân từ quý tộc họ lớn; hoặc cho rằng người có trí tuệ, thần thông; hoặc cho rằng tông thân của Phật; hoặc cho rằng đạt đạo chứng quả..vv. phải được cung kính. Phật dạy: “Những điều các ông nói đều là nuôi lớn ngã mạn không thể chấp nhận được. Phải nên thuận theo phép tắc lưu bố ở thế gian. Ở trong pháp luật của Ta, phải kính trọng lẫn nhau, Phật pháp mới được truyền bá rộng rãi”.
Đức Phật từ bi chỉ dạy phải tuân theo phép tắc trong Tăng mà không theo thói thường của thế tục lấy quyền thế, hào quý thân thuộc làm tộc ty lễ pháp không sai, Tam Bảo mới cửu trụ .
Kính nghi có bốn : 1- Đạo không lễ tục; 2- Tăng không lễ Ny; 3- Trì giới không lễ phạm giới; 4- Thụ giới trước không lễ người thụ giới sau. Người xuất gia lấy tuổi hạ làm thứ lớp để làm lễ kính.
Trong kinh nói: “Cung kính với Chùa Tượng, khiêm hạ với Tỷ khiêu, xa lìa tâm tự cao, thường tư duy trí tuệ thì không tham trước”. Nay tham mạn mà chấp trước thì là kẻ ngu si.
- Tăng Bảo không đoạn Phật pháp cửu trụ
Trong Tư Trì Ký có chép : “Bồ Tát Ma Ha Tát giáo hóa chúng sinh phát tâm Bồ Đề, vì thế khiến cho Phật Bảo không đoạn diệt; Khai thị cho chúng sinh kho tàng Diệu pháp, vì thế khiến cho Pháp Bảo không đoạn diệt; thụ trì đầy đủ Luật nghi giáo pháp, vì thế khiến cho Tăng Bảo không đoạn diệt. Lại nữa, thường hay tán thán hết thẩy đại nguyện, vì thế khiến cho Phật Bảo không đoạn diệt, phân biệt giải thuyết mười hai duyên khởi, vì thế khiến cho Pháp Bảo không đoạn diệt. Hành lục hòa kính, vì thế khiến cho Tăng Bảo không đoạt diệt. Lại nữa gieo hạt giống Phật vào ruộng tâm của chúng sinh, làm nẩy mầm chính giác, vì thế khiến cho Phật Bảo không đoạn diệt. Không tiếc thân mạng hộ trì chính pháp vì thế khiến cho Pháp Bảo không đoạn diệt , khéo điều hòa đại chúng tâm không loạn trược, vì thế khiến cho Tăng Bảo không đoạn diệt”. (Đại Chính Q 40- Tr 182b).
- Huyền ký Tỷ khiêu phi pháp trong tương lai
Trong Kinh Phật Thuyết Phân Biệt có chép: “Đức Phật dạy “Tương lai có Tỷ khiêu không tự trong sạch, súc dưỡng vợ con, thân hành ô uế, tham cầu cúng dàng, không tin tội phúc mà mong cầu an vui, khó có thể thoát khỏi đọa lạc, thật đáng thương thay”.
A Nan bạch Phật rằng: “Như vậy đời sau này, có người xuất gia mặc pháp phục đều là nhờ vào uy thần của Phật, người đó tuy ở đời Tượng pháp, Mạt pháp mà gặp được nhân duyên chân chính sẽ được giải thoát, nhưng vì nhân duyên gì trong đó có người không tin, trái lời Phật dạy? Họ sẽ phải chịu thống khổ trong bao nhiêu kiếp?”.
Phật bảo A Nan: “Người đó đều do vô số kiếp về trước bị đọa trong đau khổ lâu dài, trong khi gặp phải sự thống khổ đó họ sinh tâm hối hận tự trách, mong muốn được làm điều lành để chuộc tội, do đó mà thoát ra, duyên nhất thời tự hối mà được phúc, tương lai trong đời mạt pháp được sinh làm người, tạm thấy Phật, Kinh, lại có thể cạo bỏ râu tóc làm vị Tỷ khiêu (Tỷ khiêu ny) nhưng vì bản thức không sáng, tâm ý do dự, mờ mịt không rõ, cho nên có sự ô trược, phần lớn không có khả năng xa lìa thói tục, không gặp được thầy bạn minh tuệ, như thế sẽ đọa vào chốn cực khổ, chịu tội vô số kiếp”. Phật dạy: “Này các Tỷ khiêu! Các ông đã xuất gia, cắt đứt ân ái xa lìa vợ con, bỏ đi sự nghiệp thế gian, làm vị Sa môn, phải nên tu hành Giới Hạnh đúng như pháp của một vị Thanh Văn La Hán; Thà lấy nước đồng sôi rót vào miệng, nuốt xuống liền cháy tan ruột gan, chứ chẳng được không có đức hạnh mà ăn của tín thí. Thà lấy giao bén cắt thịt trên thân, chặt bỏ chân tay, chứ chẳng được không có đức hạnh mà thụ dụng của tín thí. Người không có đức hạnh mà nhận dùng của tín thí sẽ nhiều kiếp đọa lạc chịu khổ, lâu dài mới được ra khỏi, nhờ chút phúc thừa tuy được làm người nhưng phải đền nợ, mỗi mỗi đều phải bồi thường; Có người phải làm nô tỳ để trả nợ, có người phải làm cha mẹ để trả nợ”.
A Nan hỏi Phật: “Thế nào là trả nợ?”. Phật dạy: “Có người phải làm nô tỳ, bị mọi người đánh đập, sai bảo bất chấp đạo lý, mà kẻ nô tỳ chỉ biết cam chịu không có lòng oán hận, siêng năng cần khổ làm việc, không quản lao nhọc, quý tiếc bảo vệ tài sản của chủ nhà, không dám tiêu dùng hay để thất thoát, đó là đời này làm nô tỳ để trả nợ. Bởi do đời trước nhận dùng của Tín thí mà không biết tu hành, làm việc công đức, nên phải chịu báo đến để trả nợ, chỉ cam chịu mà không oán than. Thế nào là làm con để trả nợ? Con cái kiếm ra tiền của, nhưng cha mẹ tiêu dùng, thất thoát không có giới hạn, mà con cái không dám than tiếc đó là làm con cái để trả nợ. Thế nào làm cha mẹ để trả nợ? Cha mẹ khó nhọc làm ra chút ít của cải, nhưng con cái tiêu dùng, làm thất thoát vô độ mà cha mẹ không có tim oán giận, để mặc cho chúng pháp phách. Đều do nghiệp thức nhân duyên tương tục, cho nên không có lòng tham tiếc. Các cách đền nợ đó do nhân duyên hòa hợp mà thành, đền nợ xong rồi liền thôi cũng không phải là thường hằng. Người có trí giác ngộ được điều này cho nên sẽ không tạo nghiệp đó. Duy chỉ có Đạo đức mới giữ gìn được lâu dài. Ta ở đời quá khứ cũng đã từng phải làm nô tỳ, Con cái, Cha mẹ để đến đền nợ người chẳng thể tính kể, đều do nhân duyên nhất thời chẳng thể miễn thoát. Đến nay Thành Đạo, Cha mẹ hiện đời này của ta đều do nhân duyên đạo đức đời trước, chẳng phải do trả nợ, cha mẹ đời đời buông bỏ, cho phép ta học đạo, khiến ta lũy kiếp tinh tiến cầu đạo, nay được thành Phật, đều là ơn lớn của Cha mẹ. Người muốn học đạo, không thể không tinh tiến Hiếu thuận, một khi để mất thân người, muôn kiếp khó trở lại”. (Đại chính Q17,Tr542 a)
16. Quy tắc xuất nhập tài vật của Thường trụ.
Trong Bách Trượng Thanh quy có chép:
“Yêu quý vật Thường trụ
Như bảo vệ con ngươi
Hưng lợi chẳng bằng trừ tệ
Chí công liêm chính vô tư
Cao huyết tín thí, đắm nhiễm liền thành biển nghiệp; Nhân quả cửa chùa, xét kỹ chính là cội phúc.
Minh rằng:
Vật của Tam Bảo
Tơ hào chớ phạm
Cẩn thận giữ gìn
Phải kính phải trọng
Trong tựa đầm lặng
Thẳng như trúc tùng
Chẳng cong chẳng vạy
Đâu lo đâu sợ
Sai chỉ tơ hào
Trời thần ghi chép.
Trụ trì, Giám tự là nơi để đại chúng nương tựa, phải nên phát đại hảo tâm, phù trì Phật Pháp, tệ đoan nên sửa, lợi ích nên làm, chẳng nên hồ đồ qua ngày chỉ cầu hư danh, nếu như trái lý, chúng khuyên chẳng đổi, phạt rồi xuất viện”.
- Nguyên do Phật Pháp bị suy đồi.
Trong Quán Tâm Luận có nói: “Đức Bản sư sắp nhập Niết Bàn, khởi lòng thương xót để lại lời di chúc: Tu tập Tứ niệm xứ, nương vào Giới luật trụ, chúng ta chẳng phải đệ tử của Phật hay sao, mà chẳng nghĩ đến lời di chúc của Từ Phụ? Thừa hoãn trong vô đạo, giới hoãn đọa Tam đồ”. (Đại chính Q46 – Tr 584 c)
Luận Sớ có nói: “Trong kinh Tượng Pháp Quyết Nghi chỉ rõ có ba hạng thầy phá hoại Phật Pháp. Hỏi: Ba hạng thầy ấy có những lỗi gì? Đáp: Lược nói đều có mười lỗi:
- Pháp Sư có mười lỗi: 1. Chỉ ngoài cầu giải văn nghĩa mà trong tâm không tu tập quán chiếu. (Trong Thích Luận nói rằng: Có nghe văn nghĩa mà không tuệ quán, chỗ nói của họ không nên tiếp nhận tin theo); 2. Không dung thông kinh điển nhằm dứt trừ tranh luận, xu hướng đến chí đạo, mà chỉ chấp trược cho mình là đúng, người là sai, ngã mạn tự cao, không biết kiến tân khổ tập; 3. Không tuân theo di chúc, không nương vào Tứ niệm xứ để tu đạo, không nương giới luật làm thầy, không xứng đệ tử của Phật; 4. Trong kinh có chép: Không tu tập thiền quán, không có trí tuệ, hay trí tuệ thiên lệch, không Thiền quán, niệm Phật, như chim một cánh, xe một bánh chẳng thể đi xa được; 5. Pháp bản vô ngôn thuyết, ngôn thuyết nhằm phá trừ tham cầu. Chỉ vì tham cầu danh dự, lợi dưỡng mà thuyết pháp, sao có thể hợp với ý chỉ của Phật; 6. Chưa ngộ rằng ngộ vào tai ra mồm, đâu có lợi ích gì cho bản thân. Như trong kinh Phật dạy: “Như người đếm tiền thuê, tự chẳng có một hào”; 7. Không có thực hành mà chỉ nói năng, đâu có lợi ích gì cho người; 8. Chỉ như thêm nước vào trong sữa, chẳng có đạo vị, giảng dạy sai lầm, làm hậu học ngộ nhận Phật Pháp; 9. Bốn chúng mất đi pháp lợi chân chính, chuyển thành nhiễm loạn ô uế; 10. Không chấm dứt chẳng thể quang hiển Tam Bảo, chũng chính là pháp hoại Phật Pháp vậy.
- Thiền sư có mười lỗi: 1. Trong kinh có nói “Giả danh A Lan Nhã, Lạp y ở chốn vắng, cho mình là của báu, nói năng thì chấp Ngã”; 2. Cậy mình tu thiền mà khi khi các pháp môn khác, không biết giới luật uy nghi, chất chứa thêm phiền não; 3. Không có tuệ mà tu thiền định, Thiền mù không có mắt, sao có thể xuất ly sinh tử được; 4. Không tuân theo di chúc, không nương theo Tứ niệm xứ để tu đạo, chẳng nương vào giới luật làm thầy, không xứng đáng đệ tử của Phật; 3. Thiền mà không tuệ quán, phần lớn phát quỷ định, sinh ra phá Phật Pháp, chết đọa vào nẻo ác; 6. Vì cầu danh lợi mà tọa thiền, như ông Thiện Đề La chết đọa vào địa ngục; 7. Giả sử chứng được thiền (Sơ thiền đến Bát định) liền lôi vào nạn Trường Thọ Thiên (Một trong Bát nạn); 8. Bày đặt nhiều cách thiền không có trong kinh Phật, rồi chiêu nạp dạy bảo đồ chúng, là cái nhân của Tam đồ; 9. Bốn chúng không được chỉ dạy và tu học pháp môn thiền chân chính, chuyển thành nhiễu loạn ô uế; 10. Không chấm dứt chẳng thể quang hiển Tam bảo, cũng chính là phá hoại Phật Pháp.
- Luật sư có mười lỗi: 1. Chỉ chấp vào giới tướng bên ngoài mà không hiểu được bản chất bên trong của giới luật, nên bị Ngài Tịnh Danh quở trách; 2. Chấp vào danh tướng của giới luật tranh cãi thị phi, không kiến tân khổ – tập; 3. Giới – Định – Tuệ giúp đỡ lẫn nhau mới có thể tiến đạo nghiêm thân, chỉ có trì giới mà chẳng tu thiền, tu tuệ thì sao có thể giải thoát được; 4. Hoằng giới chỉ vì danh dự lợi dưỡng, chí nguyện chẳng bén với đạo, quả báo sẽ ở Tam đồ; 5. Chẳng tuân theo di chúc, không nương theo Tứ niệm xứ để tu đạo, chẳng lấy giới luật làm thầy; 6. Chấp trược giới luật của Tiểu thừa mà cho là chính lý, mà trở ngại Đại thừa; 7. Sư, sư chấp trước giới luật bất đồng, khi hoằng truyền theo ngã kiến của mình, như thêm nước vào sữa; 8. Chẳng y vào Thánh giáo truyền thụ, làm hậu sinh nhầm lẫn ngộ nhận; 9. Bốn chúng không được thấm nhuần giới pháp chân chính, trở thành nhiễu loạn ô uế; 10. Biết sai mà không dừng lại, chẳng thể quang hiển Tam Bảo, cũng là pháp hoại Phật Pháp vậy.
Kẻ hậu học không hay không biết đều tôn sùng ba hạng thầy này, cho đó là Minh sư, Lương đạo, thầy đã tà mà vô đạo, đệ tử làm sao tự chân chính được. Cho nên kinh nói: “Có ba hạng thầy pháp hoại Phật Pháp” là như vậy. (Đại chính Q 46 – Tr 587 c).
- Năm thứ hoại diệt Chính pháp.
Trong Hành Sự Sao dẫn Luật Thập Tụng rằng: “Vào thời Tượng pháp có năm thứ hoại diệt Chính pháp: 1. Tỷ khiêu tu hành có chút sở đắc liền cho rằng đã chứng Thánh quả; 2. Bạch y sinh cõi trời, người xuất gia lại đọa địa ngục; 3. Có người từ bỏ sự nghiệp thế gian xuất gia học đạo nhưng lại phá giới; 4. Người pháp giới lại được lắm kẻ tán trợ về hùa; 5. Cho đến bậc La Hán cũng bị đánh mắng chê bai”. (Đại chính Q 40 – Tr 5c)
Tư Trì Ký giải thích rằng: Trong luật Thập Tụng nói đến năm thứ diệt pháp, nhân vì Trưởng lão Nan Đề bạch Phật: Sau thời Chính pháp đến thời Tượng – Mạt pháp có bao nhiêu loại phi pháp? Nay dẫn lời Phật dạy: 1. Vọng xưng có đức; 2. Đạo tục đảo lộn; 3. Trái đạo hành; 4. Ác đảng thịnh hành; 5. Người lành yếu thế. Năm thứ diệt pháp này đều do hủy giới mà ra.
- Tu hành được chút sở đắc tức là có định, như ngũ đình tâm quán, Tứ niệm xứ..vv. nhưng chưa chứng cho rằng đã chứng, mê hoặc thế gian tự lừa dối chính mình.
- Nghiệp Sớ giải thích rằng: “Người thế tục không có pháp chỉ chuyên tu nhận vâng làm, cho nên được sinh cõi trời, người xuất gia có pháp, là ruộng phúc của thế gian, trái lại tà kiến, hủy giới, lừa dối nhận của tín thí mà tự mình mở cửa ác đạo, khiến cho lắm nhiều người học tập theo sự phóng dật đó, cho nên vào Địa ngục”.
Lại nữa trong kinh A Nan Thất Mộng có nói: “Mộng thấy người xuất gia chuyển đến hố phân nhơ bẩn bất tịnh. Người tại gia đứng trên đầu họ mà ra khỏi hố phân. Phật bảo A Nan: Tương lai hàng Tỷ khiêu ganh ghét đố kỵ giết hại lẫn nhau, chết vào địa ngục. Người tại gia tinh tiến tu học, chết được sinh thiên”.
- Như vua Hất Lật Thích nằm mộng thấy một con voi lớn bị giam trong một căn phòng, chỉ có một cái cửa sổ nhỏ, con voi lớn đã tìm cách ra khỏi căn phòng qua cái cửa hẹp nhưng cái đuôi lại bị mắc kẹt. Điều đó biểu thị cho đệ tử của Đức Thích Ca từ bỏ sự nghiệp thế tục, xuất gia học đạo, như cái thân lớn vượt qua được cái cửa hẹp, nhưng vì lại đắm trước vào danh dự, lợi dưỡng như cái đuôi bị mắc kẹt.
- Như giấc mộng của nhà vua thấy rất đông các con khỉ dùng nước tắm gội quán đỉnh cho một con khỉ bị ghẻ lở, tôn nó lên làm vua. Biểu thị cho đệ tử của Phật lập người tà kiến, phá giới lên làm chủ (tùng lâm, tự viện, Tăng đoàn, Giáo hội).
- Cho đến là nói lược các hàng phàm phu trì giới, Thánh Hiền hữu học, vô học..vv.
Trong kinh Pháp Diệt Tận có chép: “Phật bảo A Nan: “Sau khi Ta Niết Bàn, trong đời ngũ trược ác, ma đạo hưng thịnh, ma làm Sa môn, hủy hoại, rối loạn đạo của Ta, cho đến Bồ Tát, Bích Chi, La Hán, người tinh tiến tu tập giới đức đầy đủ..vv. còn bị chúng ma, Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni cùng chê bai, ganh ghét tỵ hiềm, xua đuổi không cho ở chung”.
Trên đây đều là những điều người xưa ghi chép lại, văn tuy dài nhưng giúp cho tâm hạnh của người xuất gia chân chính, cho nên sao chép lại. Huống hồ ngày nay tận mắt nhìn thấy những việc đó diễn ra, mới biết những điều Phật huyền ký không sai, lấy đó để tự cảnh tỉnh sách tiến bạn đồng tu. (Đại chính Q 40 – Tr 184 b).
- Cư sĩ Phật tử có được nhận tài vật của xuất gia biếu tặng không.
Nếu căn cứ Phật chế, xuất gia Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni dùng tài vật biếu tặng cho Bạch y, gọi là Ô Tha Gia (làm ô nhiễm tín tâm người tại gia). Như từ nhà A nhận được tài vật hướng đến nhà B để biếu tặng, nhà A nghe thấy sẽ không vui và mất đi lòng tin, nhà B nhận được vật tặng thì mong muốn được nhận nữa, hoặc tìm cách đáp lại. Do vậy làm mất đi tam bình đẳng tịnh tín của cả hai nhà A và B. Nên gọi là Ô Tha Gia. Phật chế phải đem các vị Tăng Ni có hành động Ô Tha Gia đó, dùng Tăng pháp xua đuổi ra khỏi chúng. Nếu người đó biết ăn năn sửa đổi thì lại cho phép trở lại cộng trụ với chúng.
Ngày nay có nhiều người cho rằng Cư sĩ Phật tử có thể nhận cúng dàng, biếu tặng, bố thí từ Tăng Ni. Nếu y vào nghĩa mà nói, việc cúng dàng rất rộng, bao quát hết thảy, nếu Ước nghĩa hẹp mà nói như các chùa tổ chức trai hội, giỗ Tổ..vv. thì hết thảy bảy chúng đệ tử cùng người tại gia đều được cúng dàng ẩm thực, nếu cho đó là phả thí kết duyên thì được, nhưng nếu vì danh dự lợi dưỡng thì vi phạm Luật chế. Nếu dùng tài vật của Thường trụ để biếu tặng nhằm cầu danh dự, lợi dưỡng là điều mà Phật không cho phép. Bởi lẽ Tăng Ni vốn là phúc điền, nay đem tài vật của Tam Bảo mà cúng dàng người tại gia là đảo lộn phúc điền, tổn hại Tam Bảo, cả hai đều đọa.
- Khuyên bốn chúng đệ tử học giới.
- Lấy giới làm thầy. Hành Sự Sao có ghi: “Khi Phật còn tại thế lấy Phật làm thầy, sau khi Phật diệt độ lấy Giới làm thầy. Như trong kinh Đại Bát Niết Bàn và kinh Di Giáo có nói: “Phật sắp diệt độ, thế gian không thầy, A Nan khải thỉnh, Phật liền dạy rằng: Tỷ khiêu các ông, nên phụng trì giới, vì giới luật là Đại sư của các ông, nếu ta trụ thế cũng không khác gì”. (Đại chính Q 40 – Tr 4)
Tư Trì giải thích rằng: Nhân vì Ma vương thỉnh Phật Niết Bàn, Phật liền hứa khả, A Nan bi não, ba lần cầu thỉnh Phật trụ thế một kiếp, Phật nói kệ rằng:
Những pháp ta nói ra
Là thầy của các ông
Phải nên siêng tinh tiến
Cũng như ta ở đời.
Bậc Cổ đức có nói: Chẳng hay trì giới, tuy cùng ở chốn Phật, giống như xa cách vạn dặm, nếu hay trì giới, thì cách ngàn đời cũng không khác gì Phật tại thế. Kim khẩu chân tình là vậy, cớ sao bỏ mất chẳng tin theo, lại đi tìm cầu Phật ở đâu?
- Tu học thứ lớp. Tư Trì có chép: Trong luật Thập Tụng nói rằng: “Phật chế Tỷ khiêu năm hạ về trước tinh chuyên giới luật, nếu đạt trì phạm, rõ việc của Tỷ khiêu, sau đó mới có thể học tập kinh luận”. Tư Trì giải thích rằng: “Người ngày nay vượt thứ lớp mà học, hành đã trái thứ lớp, thì do đâu mà thể nhập đạo được?” (Đại chính Q 40 – Tr 184c).
- Định Tuệ do Giới phát sinh. Trong Lăng Nghiêm Nghĩa Sớ có đoạn: “Phật bảo A Nan! Ông thường nghe ta ở trong Luật tạng, tuyên thuyết tu hành gồm ba nghĩa quyết định, đó là: Nhiếp tâm làm giới, nhân giới sinh định, nhân định phát tuệ, như thế gọi là Tam vô lậu học. Nếu không có giới này ví dù có được thiền định đa trí hiện tiền, ắt lạc tà ma thành pháp hữu lậu”. (Đại chính Q 39 – Tr 912 b)
- Trì ích hủy tổn. Trong kinh Niết Bàn có nói: “Muốn thấy Phật tính chứng Đại Niết Bàn phải nên thâm tâm tu trì tịnh giới. Nếu trì kinh luận mà hủy tịnh giới là quyến thuộc ma, chẳng phải đệ tử của ta, ta cũng chẳng nghe cho thụ trì kinh này”. Vậy nên người xuất gia phải như pháp trì giới, chớ nên làm quyến thuộc của ma Ba Tuần. (Đại chính Q 40 – Tr 182 c).
- Pháp nhờ Tăng hoằng. Tăng có thể làm cho Phật Pháp được hoằng truyền, pháp giúp cho Tăng trở lên hữu dụng. Không có Tăng thì pháp hoại diệt, không có pháp thì Tăng vô dụng, Tăng và Pháp hỗ trợ cho nhau mới được lâu dài. Thuận giới mà tu thì Tam Bảo hưng long, trái luật mà làm thì chính pháp hoại diệt. Người hảo tâm xuất gia, nên quán chiếu như vậy. Thương chúng sinh chưa được độ, nghĩ Phật Pháp sắp suy tàn, phát tâm như pháp học giới, khiến chính pháp ẩn lại trùng hưng, Tăng đồ diệt mà lại củng cố, đó chính là hạnh hộ trì chính pháp vậy. (Tục tạng Q 45 – Tr 161).
- Ác đảng thịnh, người thiện ít. Trong kinh Pháp Diệt Tận có nói: “Phật bảo A Nan: Sau khi ta diệt độ, vào thời năm ác trược sắp hoại diệt, ma đạo thịnh hành, mà làm Sa môn, hoại loạn đạo ta. Chỉ tham tài vật, cất chứa không rời, chẳng làm phúc đức, chẳng tu giới luật, Tăng Ni lẫn lộn. Cho đến các bậc Bồ tát, Bích chi, La hán, người tinh tiến tu tập đức hạnh, bị ma Tỷ khiêu cùng nhau ganh ghét, đố kỵ, xua đuổi không cho ở chung”. (Đại chính Q 12 – Tr 111c)
- Tăng Ni nên tự giác tự trọng. Quốc gia, thế giới muốn cường thịnh, ắt phải từ trong tổ chức thường xem xét kiểm điểm có sự mục nát đồi bại hay không, nếu như phát hiện thì phải lập tức chấn chỉnh cho được nghiêm túc. Trong Phật giáo cũng vậy, nhưng phương pháp chỉnh đốn có hơi khác. Trong Phật giáo có bốn pháp chỉnh đốn phù hợp, đó là dùng sức mạnh của Tăng đoàn để tác pháp Yết ma nhằm chỉ ra điều sai trái nhưng phải đảm bảo nguyên tắc: 1. Lấy đúng thời không lấy phi thời; 2. Lấy lợi ích không lấy sự tổn hại; 3. Vì thương tưởng chứ không vì ghét bỏ; 4. Dùng thái độ mềm mỏng chứ không dùng sự thô bạo; 5. Lấy sự thật chứ không vì giả dối. Để giúp người có lỗi nhận ra tội lỗi tự hổ thẹn, ăn năn sám hối, tiêu trừ được sự phi pháp mà thành tựu đệ tử như pháp. Nếu chẳng như vậy trường kiếp trầm luân, khổ không nói hết.
Trong Phật giáo có bốn loại đệ tử không như pháp, đó là: 1. Che giấu tội lỗi không chịu sám hối, tướng đồng các Tỷ khiêu khác; 2. Xả giới hoàn tục, không thụ giới lại liền làm Tỷ khiêu; 3. Tuổi chưa đủ 20 thụ giới Cụ túc mà không thoái giới; 4. Đã thụ giới Cụ túc rồi, không chịu học giới trở thành tặc trụ. Đây là những người đều đáng diệt tẩn. Nếu bốn hạng người này ở trong Phật Pháp có chút địa vị thế lực thì ai là người dám tẩn xuất họ, cho nên khuyên răn họ tự tìm liệu pháp đểu tiêu trừ nghiệp chướng. Nhưng e rằng họ không biết, nay tôi sẽ nói cho ông biết, nếu:
- Thân phạm trọng giới (dâm, đạo, sát, vọng) không chịu phát lộ sám hối, bên ngoài hiện tướng Tỷ khiêu, trong lòng thối nát mục rữa. Nếu người đó chịu đến trước Thượng tọa Luật sư phát lộ những tội trọng đã phạm, ân cần cầu thỉnh, sợ hãi sám hối, cho phép Thượng tọa Luật sư vì người đó tập Tăng tác pháp sám hối, trải qua một lần ở trong Tăng tác pháp, những điều phạm trọng đó liền được trừ diệt. Tác pháp Yết ma sám diệt tội lỗi tuy dễ mà khó: Hàng Thượng tọa Luật sư như pháp thì rất hiếm, người phạm tội không đủ dũng khí phát lộ..vv. Nếu đối trước Phật thủ tướng sám hối, tuy khó nhưng mà dễ. Khó ở chỗ phải thấy được hảo tướng tội mới trừ diệt. Dễ là chỉ đối trước mười phương chư Phật phát lộ những điều đã phạm, lễ bái sám hối, năm vóc đầu thành lễ Phật sám trừ tội khiên khi thấy hảo tướng tội liền trừ diệt.
- Xả giới hoàn tục rồi lại muốn xuất gia: Người phạm trọng giới bị tẩn xuất, phá giới mà về thế tục thì không được phép xuất gia trở lại, chỉ có người xả giới tự nguyện, nếu muốn xuất gia trở lại, phải thụ giới lại. Nay có những người quay lại chùa mà không thụ giới lại từ đầu, thì gọi là Tặc trụ (Giặc trong Phật Pháp) phải nên tẩn xuất. Nếu như pháp xả giới hoàn tục, muốn xuất gia, phải thụ giới lại từ đầu, nếu không thì không cho phép (chỉ có nam giới được phép xuất gia trở lại, Nữ giới thì không được).
- Tuổi không đủ 20 thụ giới Cụ túc không đắc giới, phải đuổi ra khỏi chúng Tăng, nếu không thì gọi là chúng phi pháp. Phải nên tìm cầu các Tỷ khiêu Tăng có đức để thụ giới Cụ Túc.
- Đã thụ giới rồi phải như pháp học giới. Đã thụ giới rồi chẳng chịu học giới, nên biết không học giới là trái lời Phật dạy, kết thành hai tội Vô tri và Bất học (không biết và không học). Cho nên khuyên hai chúng xuất gia siêng năng học giới, trì giới, khiến cho chính pháp cửu trụ. (Tục tạng Q 42 – Tr 125 – 126)
- Tam học – Giới là đứng đầu.
Hành Sự Sao có chép: “Cho nên Thế Tôn khi còn tại thế sâu đạt căn cơ của vạn vật phàm những việc Ngài thi hành đều lấy Uy nghi làm chủ, vì đề phòng tội lỗi phát sinh từ thân miệng mà chế giới để ngăn ngừa, ngăn chặn sự phát khởi của Tam độc cần phải dùng tâm để chế ngự. Nay trước lấy giới để bắt (giặc), sau đó lấy định để trói (giặc). Cuối cùng lấy tuệ để giết (giặc). Nghĩa lý thứ lớp là như vậy. Nay có những kẻ bất tiếu, không biết thân phận địa vị của mình, dối mình tự nhận là bậc Đại thừa không chấp vào tiểu tiết, khinh nhờn chân kinh, xem thường giới luật, tự lập ra giáo pháp cho mình. Trong kinh Thắng Man có nói: “Tỳ Ni là pháp học của Đại thừa”. Đại Trí Độ luận nói ” Mười hai bộ kinh tức là Thi La Ba La Mật”. Những kinh luận như vậy chẳng từng nghe qua thật đáng thương thay”. (Đại chính Q 40 – Tr 49).
- Bốn ý nghĩa của Tỳ Ni.
Tỳ Ni có bốn nghĩa mà các kinh luận khác không có được, đó là;
- Giới là mảnh đất bằng của Phật Pháp, muôn điều thiện đều từ đó mà sinh trưởng.
- Hết thảy đệ tử của Phật đều nương vào giới mà trụ, hết thảy chúng sinh đều do giới mà có.
- Là cửa đầu tiên tiến nhập Niết Bàn
- Là anh lạc Phật Pháp hay trang nghiêm Pháp thân, làm cho Phật pháp cửu trụ.
Vì thế trong kinh Tăng Nhất A Hàm có chép: “Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói kệ rằng: “Cụ túc cấm giới pháp, các căn cũng thành tựu, dần dần sẽ đạt được, đoạn hết thảy kết sử”. Nếu người có tham dục, sân khuể, si không trừ, các điều lành mất dần giống như trăng cuối tháng. Nếu người không tham dục, sân khuể, si cũng hết, các điều lành tăng trưởng giống như trăng ngày rằm”. (Đại chính Q 2 – Tr 582).
- Thuyết giới nghiệm Phật Pháp tồn vong.
Trong kinh Nguyệt Đăng Tam Muội có nói: “Không có vật gì có thể Định đến được, ắt phải do tịnh giới phát khởi”. Lại nữa “Người thế tục ở tại gia còn biết khéo giữ gìn năm giới, huống chi người xuất gia mà lại xả bỏ hết thảy giới cấm ư? Giới không đầy đủ tức là xả bỏ Phật Pháp, hủy báng chính pháp sẽ lấy địa ngục A Tỳ làm nhà vậy”.
Trong Nghiệp Sớ dẫn lời Luật Thiện Kiến rằng: “Thành tựu pháp thuyết giới, chính pháp không hoại diệt, bởi do Tăng chúng thanh tịnh không khuyết phạm, có phạm cầu sám hối, gọi chung là Tịnh trụ. Do Giới thanh tịnh, Định Tuệ mới có được, đem chính nhân này kéo dài mãi không dứt, cho nên cửu trụ Phật pháp được hoằng truyền”.
Hành Sự Sao chép: “Trong luật Thập Tụng có nói: “Phật pháp trụ được bao lâu? Phật đáp rằng: Tùy theo Tỷ khiêu thanh tịnh duy trì pháp thuyết giới không đoạn hoại, gọi là Phật pháp trụ thế. Cho đến ba đời chư Phật cũng vậy”.
Nghiệp Sớ nói: “Cho nên Phải đúng thời thuyết giới mà chẳng khai cho không thuyết. Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni nửa tháng không Bố tát thuyết giới phạm tội Ba Dật Đề. Như trên đã nói chỉ cần dùng pháp thuyết giới có thể nghiệm được sự tồn vong của Phật pháp. Nay trong khắp thiên hạ, người thực hành pháp này, trăm người không lấy một hai người, ví dù có làm chỉ là hình thức và trái pháp, thì thấy được Phật pháp trụ thế còn được bao nhiêu năm nữa?”. (Tục tạng Q64 – Tr 472)
Nam Hải Ký Quy Nội Pháp truyện có ghi: “Khi muốn thụ giới thì hết sức cần cầu, chẳng quản mệt nhọc, nay được giới rồi chẳng buồn học tập, chẳng chịu giữ gìn, chẳng tụng giới kinh, chẳng xem Luật điển, hư chiếm pháp vị, lạm nhập ngôi Tăng, hại mình hại người, những hạng người này, thành tội diệt pháp”.
Trong kinh Phạm Võng có nói: “Nếu thụ giới Bồ Tát mà không tụng giới này nửa tháng một lần, thì chẳng phải Bồ Tát, chẳng phải đệ tử của Phật”.
Trong kinh Mạ Ý có nói: “Người xuất gia cạo bỏ râu tóc, mặc áo hoại sắc, hành pháp khất thực, nhẫn chịu sự đói khát, bỏ nhà lìa tài sản, mắt chẳng tà nhìn, giữ gìn sáu căn lìa xa nhân duyên ác, vì muốn thoát khổ. Ác có cha mẹ, Si là Ác phụ, Ái là Ác mẫu. Thiện cũng có cha mẹ: 37 phẩm trợ đạo là Cha lành, sáu Ba la mật là Mẹ lành. Lại có cha mẹ: Phật là Từ Phụ, Pháp là Từ Mẫu, theo lời Phật dạy, y cứ vào Pháp để tu hành, đó là con hiếu thảo của Phật Pháp. Cho đến người xuất gia không trì giới, không hành đạo ở trong chùa Phật, chằng bằng tự gieo mình vào vạc đồng sôi, vạc đồng chỉ thiêu đốt một thân này, nhưng chẳng vì thế mà đọa địa ngục. Còn người xuất gia không trì giới, không hành đạo, ở chùa của Phật thì tự thiêu đốt mình trong địa ngục không biết bao nhiêu kiếp”. (Đại chinh Q 17 – Tr 530)
- Tăng Ni nên như pháp tu hành.
- Lý do chế giới: Trong Sự Sao có chép: “Xét thấy Giáo chẳng cô khởi, hoặc do duyên Tam tính, hoặc do thế gian cơ hiềm mà chế định”.
Tư Trì Ký giải thích rằng: 1. Nhờ vào thiện duyên mà lập chế, như tọa thiền, tụng kinh, giảng đạo, khai ngộ phải lấy Chính mệnh, giữ giới làm nền tảng, chế phục phiền não, đó gọi là Thiện pháp. Mong cầu danh lợi, tà mệnh nuôi thân, bên ngoài tuy là thiện, ngược lại trong lòng tham dục hoại tâm, chướng đạo, không gì hơn thế. Vì thế Như Lai lập giáo đề phòng; 2. Do duyên bất thiện mà lập chế, như 10 điều ác..vv. vốn là bất thiện hay mở cửa Tam đồ, tăng trưởng phiền não chướng đạo, do vậy Như Lai nhân tội lỗi sai lầm chế giới để ngăn ngừa đề phòng; 3. Do duyên vô ký mà lập chế, như cỏ cây đất đá, thể tuy vô ký nhưng nếu hủy hoại thì ngoài bị thế tục cơ hiềm, trong tăng trưởng loạn tâm, vì thế lập chế ngăn ngừa, nếu làm phạm tội đọa”. (Đại chính Q 40 – Tr 167 c)
- Vì lợi thuyết pháp phạm tội đọa: Trong Sự Sao dẫn kinh Ngũ Bách Vấn rằng: “Nếu dùng tâm mong cầu vì người đọc tụng kinh, thuyết pháp, nhận được tài vật phạm tội xả đọa, không có tâm tham cầu thì không phạm”.
Tư Trì Ký giải thích rằng: Vì danh dự lợi dưỡng mà thuyết pháp, tức tà mạng (do tâm tham cầu lợi, lấy đó để nuôi mạng nên gọi là tà mạng). Không có tâm tham cầu thì không phạm, tâm tham khó nhận ra, chớ có tự lừa dối mình”. (Đại chính Q 40 – Tr 404c).
Hành Sự Sao có ghi: Nếu đến nhà Đàn việt, Thí chủ thỉnh cầu tụng kinh, nên theo đó mà làm, nếu gia chủ chẳng làm lễ thỉnh cầu, thì chẳng nên làm, nếu làm cũng là tà mạng.
Tư Trì giải thích rằng: “Đọc tụng kinh ắt phải đợi người cầu thỉnh. Ngày nay ở nhà thế tục hoặc có khánh thành, hoặc vì việc tang, Tăng tục cùng đến, gượng làm việc phúng tụng không có tâm ý làm lợi ích cho người, chỉ mong cầu trai cúng, trọng ăn, trọng lợi dưỡng mà hủy hoại giáo pháp, bị thế tục cơ hiềm, người trí phải nên tự răn”. (Đại chính Q40 – Tr 401)
- Làm thầy thế nào cho đúng: Hành Sự Sao dẫn kinh Niết Bàn rằng: “Nếu Tỷ khiêu vì lợi dưỡng mà thuyết pháp, nếu có đệ tử liền bắt chước theo thầy, những người như thế liền tự hủy hoại đồ chúng. Chúng có 3 loại: 1. Phá giới tạp tăng. Tuy trì cấm giới, nhưng vì lợi dưỡng nên cùng với người phá giới đứng ngồi qua lại, cùng nhau làm việc; 2. Ngu si Tăng. Tuy ở chốn thanh vắng, các căn chẳng thông lợi, thiểu dục khất thực, đến ngày Bố tát thuyết giới, tự tứ, bắt các đệ tử thanh tịnh sám hối. Thấy các đệ tử phi pháp phạm nhiều tội lỗi lại chẳng hay dạy bảo như pháp sám hối, mà liền cùng họ Bố tát, thuyết giới, tự tứ, tuy tự mình giữ giới thanh tịnh, cũng gọi là Tạp Tăng; 3. Thanh tịnh Tăng. Chẳng nhiễm lợi dưỡng, khéo biết giới tướng. Thế nào là biết Trọng: Như bốn (tám) giới trọng, người xuất gia không được phạm, nếu vi phạm chẳng phải là Sa môn Thích tử. Thế nào là biết Khinh, như ba lần can gián liền thôi..vv. Không phải luật không chứng: Nếu có người tán thán khuyên nên thụ dụng vật bất tịnh thì chẳng nên ở chung với họ. Đúng luật nên chứng, nghĩa là nếu học giới luật, chẳng nên thân cận kẻ phá giới, thấy người thuận theo giới luật thì tâm sinh hoan hỷ. Khéo hay giải thuyết gọi là Luật sư”. (Đại chính Q40 – Tr 138c).
Tư Trì Ký giải thích rằng: “Trước hết răn tham lợi, đồ chúng bắt chước thầy, theo những thứ mà thầy ham thích. Ngày nay những kẻ lạm nhập thiền môn tham lợi đa cầu, túm tụm nhau làm điều phi pháp, kẻ hậu sinh bắt chước làm Phật pháp bị thương tổn, hủy hoại, tự hại mình, hại người. tiếp đó là nói về ba hạng Tăng: 1. Hạng thứ nhất tuy có trì giới, do tâm tham lợi mà ở chung với kẻ phá giới nên gọi là Tạp Tăng; 2. Hạng thứ hai, đã thiểu dục nên không tham lợi, nhưng vì độn căn nên không biết cách răn dạy đệ tử, nên gọi là Ngu si Tăng; 3. Hạng thứ ba không nhiễm lợi dưỡng, am tường giới luật làm gương cho mình cho người, nên gọi là Thanh tịnh Tăng. Đối với ba hạng người trên, ngày nay há chẳng có Ngu, Tạp hay sao? Tăng chỉ ưa che giấu tội lỗi, làm việc phi pháp thì Phật pháp biết dựa vào đâu?”. (Đại chính Q40 – Tr404b)
- Làm thầy cho người thế tục: “Làm thầy cho người xuất gia không dễ, làm thầy cho người tại gia lại càng khó hơn”.
Hành Sự Sao dẫn Tỳ Ni Mẫu luận rằng: Nếu vì người tại gia làm thầy, dạy bảo họ làm việc phúc, cần phải có 5 việc: 1. Chẳng được ngủ nghỉ ở nhà Đàn việt; 2. chẳng được tham cầu danh dự lợi dưỡng; 3. Vì họ phân biệt giải thuyết các pháp bố thí, trì giới, Bát quan trai ..vv.; 4. Chẳng được cùng học đùa giỡn; 5. Chẳng được trói buộc tâm thường tưởng nhớ mong được gặp mặt”. (Đại chính Q40 – Tr136c)
- Những việc đệ tử tại gia không nên làm: Hành Sự Sao dẫn Luận Tát Bà Đa rằng: Chẳng được lấy hoa hương anh lạc các đồ trang sức, đắp lên thân Phật, được tán dưới đất để cúng dàng, đối với Tăng cũng vậy”.
Tư Trì Ký giải thích rằng: Theo Đa Luận “chỉ được tán dưới đất, không được tán lên thân Phật”. Kinh Tăng Nhất A Hàm có nói: “Các Tỷ khiêu lấy hương hoa tán trên thi thể của Ngài Mục Kiền Liên”. Tư Trì Ký giải thích rằng: “Dùng hương hoa tán trên thân thể khi còn sống thì Phật không cho phép, còn chết rồi thì được”. Trong luật Tăng Kỳ có nói: “Nếu vì Luật sư, Pháp sư trải tòa Sư tử, rải hoa lên trên, nếu chẳng phất đi chẳng được ngồi”. (Đại chính Q40 -Tr413).
- Như pháp tu hành: Chính giới, Chính kiến, Chính mệnh là Đại cương lĩnh lớn của Phật pháp, là yếu hạnh của Tăng chúng. Ba thứ này đều gọi là chân chính vì đều xa lìa tà vạy, lệch lạc. Chính giới là nền tảng để nhập đạo, không có các lỗi không thụ giới, hoặc khuyết duyên thu giới không đắc giới, hoặc thụ giới sau đó hủy phá. Chính kiến là trí tuệ diệt trừ phiền não, không có lỗi tà kiến, chấp trước, thiên kiến, dị kiến. Chính mệnh là duyên Thành đạo, không có các lỗi tham cầu trái pháp, bán pháp, tà tâm mong cầu lợi dưỡng để nuôi mạng. Đây đủ ba loại yếu hạnh này là nội hàm đức hạnh của Tăng Ni. Đầy đủ cả ba mới gọi là Thanh tịnh Tăng, có khả năng hoằng dương chính pháp, Phật pháp được cửu trụ công do những vị này vậy. Nếu chẳng như vậy chẳng thể làm cho Phật pháp trụ thế. Những ai có hạnh nguyện hoằng dương Phật pháp, phải nên tu tập Chính giới, Chính kiến, Chính mệnh, thì ở chung ba nghiệp đều hòa hợp, mới gọi là lục hòa kính, hay khiến cho Tăng bảo tương tục bất đoạn.
- Thứ lớp tu học: Trong Tứ Giáo Nghi Tập Chú có ghi: “Nói đến thứ tự phát khởi giáo pháp thì A Hàm đứng đầu; Bước đầu tu hành, giới luật là trước hết”.
Hành Sự Sao dẫn luật Thiện Kiến rằng: “Nếu Bản sư còn phải nương theo thầy mà học Luật tạng, cho đến rộng nghe các bộ chú giải. Phải dành riêng 05 năm đầu học tập, chẳng phải chỉ nghe qua một lần rồi thôi, mà phải đọc tụng cho thông lợi, đó gọi là Luật sư cung kính với Luật”.
Phật Tạng kinh nói rằng: “Năm hạ đầu nương vào người để thụ học Luật tạng, năm hạ kế tiếp nên học đầy đủ về các pháp: Vô ngã, Nhân, Pháp”.
Trong luật Thiện Kiến: “Thế nào gọi là học Luật? Nghĩa là đọc, tụng, giải nghĩa giới luật”. (Đại chính Q40 – Tr415).
- Trì phạm ích tổn: Hành Sự Sao dẫn lời kinh Địa Trì rằng: “Ba mươi hai tướng tốt không do nguyên nhân nào khác, đều do trì giới mà có được. Nếu không trì giới đến thân người hạ tiện còn chẳng thể có được, huống gì lại được phúc báo tướng của bậc Đại nhân ư?” (Đại chính Q40 – Tr 5b).
Tư Trì Ký giải thích rằng: “Trí Giả nói: Ba mươi hai, nhân tuy khác nhau, nhưng luận về nhân chân chính thì không ngoài tinh tiến trì giới. Tinh tiến mà không có giới, ngày đến thân trời, người còn không có được huống chi là các thân tướng khác ư? Nên biết đối với Nhân có chia Thông, Biệt. Nếu nói về Biệt nhân thì như đã nói trên mỗi mỗi sai biệt; nếu nói về Thông nhân thì đều do trì giới. Nay từ Thông nhân mà nêu tỏ giới đức nên nói “Không do nguyên nhân nào khác”. Từ đó sau ra do không trì giới, ắt đọa tam đồ, nên ngay các thân người hạ tiện còn chẳng thể có được”. (Đại chính Q40 – Tr183)
- Hạnh thiểu dục tri túc: Hành Sự Sao có ghi: “Xét thấy phúc sinh từ Tịnh điền, Đạo khởi từ Thiểu dục. Những gia đình làm việc phúc thì rất trân trọng và không sẻn tiếc, chỉ mong cho thật nhiều, còn người nhận vật cúng thí phải nên thiểu dục tri túc, tiết chế. Cúng nhiều không biết chán là phép của người làm phúc, biết hổ thẹn, biết đủ, nhận có giới hạn là phép tắc của người tu hành chân chính. Trong Luật có quy định: “Đàn việt tuy cúng dàng không biết chán (không có giới hạn) mà người nhận phải biết tri túc”. (Đại chính Q40 -Tr127)
Tư Trì Ký giải thích rằng: “Phúc là nghiệp lành ắt phải từ cảnh duyên tốt đẹp mà sinh ra, cho nên gọi đó là Tịnh điền. Phúc điền có ba loại: Tam Bảo là Kính điền; Cha mẹ là Ân điền; Người nghèo, bệnh tật, hoạn nạn là Bi điền. Phúc điền là cách gọi chung, nay đối với sự cúng dàng riêng chỉ cho Tăng Bảo. Đạo thể thanh tịnh, thiểu dục thuận Đạo, vì là gốc của đạo nên nói “Đạo khởi từ thiểu dục”. Tức là từ Tứ Thánh chủng (Pháp Tứ y của người xuất gia) và 12 hạnh Đầu đà..vv.”. (Đại chính Q40 -Tr388).
- Người thụ thí đúng pháp, trái pháp: Hành Sự Sao dẫn lời Tỳ Ni Mẫu luận rằng: “Nhận của người tín thí, thụ dụng không như pháp, trong tâm phóng dật, phế tu đạo nghiệp, đọa nhập tam đồ chịu cực trọng khổ. Nếu chẳng phải thụ khổ báo (đời sau), thì ngay đời này ăn của tín thí, ăn rồi liền vỡ ruột, áo liền rời khỏi thân. Nếu biết người đó không có đức nghiệp mà vẫn cúng thí, thì người cúng, người nhận cúng, cả hai vì sự cúng dàng mà bị đọa”. (Đại chính Q 40 – Tr 127).
Tư Trì Ký giải thích rằng: “Trước nêu thụ thí, sau luận năng thí. Kết nghiệp là do không như pháp hoặc tham lam không biết chán, hoặc sử dụng bừa bãi trái pháp, phóng dật, không tu, mà chiêu cảm quả báo đời này hoặc đời sau. Ngày nay làm việc ác nhận sự cúng dàng mà chưa thấy hiện tướng quả báo là do có Sinh báo, mà kết nghiệp ở đời sau. Hoặc hiện đời này ác tật triền thân, hoặc bệnh về nội tạng (ăn rồi liền vỡ ruột), hoặc vi phạm hình luật, phá giới hoàn tục nên gọi “áo liền rời khỏi thân”. Nếu người thụ thí đã không tu đức – hạnh – nghiệp, biết thế rồi mà vẫn cúng thí là tạo duyên cho họ phá đạo nên nói cả hai đều đọa”. (Đại chính Q40 -Tr 388c).
Tỳ Bà Sa Luận có nói: “Phật tử tại gia tu ngũ giới, thập thiện và tứ bất hoại tín là yếu hạnh căn bản, khi vào chùa viện phải nên giữ đúng uy nghi, cung kính lễ bái, cúng dàng các Tỷ khiêu. Đó là Bồ tát tại gia cung kính Tăng Bảo, mong cho Tam Bảo trụ thế, bởi Phật pháp nhờ vào Tăng mà hoằng hóa. Tại gia thụ Tam quy ngũ giới, Bồ tát giới đều do người xuất gia truyền thụ và tiếp dẫn vào Phật pháp, nhưng không ít người tin Phật, tin Pháp mà lại không tin Tăng, sao thành pháp cung kính Tam Bảo được?”.
- Thời mạt pháp đệ tử Phật hủy hoại giới pháp: Tư Trì Ký có chép: “Nói đến học xứ là chỉ cho chỗ mà người tu hành y cứ, nương tựa vào đó để thành tựu đạo quả”. (Đại chính Q40 – Tr 273)
Kinh Đại Tập – Quyển 40 – phẩm Hộ Trì có nói: “Thế nào gọi là thời Mạt pháp? Nghĩa là không có người đọc tụng giới luật, chẳng nương vào Ba la đề mộc xoa để tu đạo. Nếu không tọa thiền, thì chẳng thể được Tam ma đề, cho đến không có được bốn đạo quả Thanh văn, cho đến chẳng có được Niết bàn tịch tĩnh, đó gọi là mạt pháp”.
Tư Trì Ký có nói: “Ngày nay các vị Giảng sư phần nhiều tham chuộng cầu xin, xiểm nịnh xu thời, xảo ngôn lừa gạt thế tục, hoặc biếu tặng hậu hĩnh cho người tại gia há chẳng phải Ô Tha Gia sao? Hoặc chạy theo kẻ quyền thế nịnh nọt cầu cạnh, há chẳng phải khuất thân làm nhục cho sự thanh cao của Phật pháp hay sao? Hoặc không hiểu biết, trá hiện tri thức, trí giả, chẳng thân gượng làm thân, miệng nói nhiều phương, tâm mưu trăm kế, sáng tối lao tâm, cả đời nhọc xác. Lời nói hư bại, không ngoài việc danh lợi, tuy nói rằng vì đại chúng nhưng thực ra chỉ vì mình, không biết họ cạo tóc mặc áo nâu để mưu đồ việc gì vậy? Ai hay hoặc nghiệp mỗi ngày mỗi tăng thêm, bôn tẩu Đông Tây chỉ thêm nhọc xác, có thể nói sống hư chết uổng, xót thương thay chẳng biết chẳng hay, mong rằng xem kỹ lời này, tự phản tỉnh lại trung ngôn nghịch nhĩ, hãy suy nghĩ cho kỹ, than ôi!”. (Đại chính Q40 – Tr 282).
- Văn làm thầy răn dạy đệ tử.
Bậc cổ đức răn dạy đệ tử như sau:
“Ngươi đã xuất gia, gọi là Sa môn
Uế tạp không nhiễm, chỉ đạo là tôn
Chí cầu thanh tịnh, như ngọc như băng
Nên tu giới hạnh, để giúp tinh thần
Chúng sinh cộng nhờ, độ cho cha mẹ
Vì sao phóng dật, theo tục nổi chìm
Phóng túng bốn đại, rông rỡ sáu căn
Đạo đức mỏng dần, nghiệp đời thêm nặng
Xuất gia như thế, khác gì thế tục
Nay có lời răn, mau mà tỉnh ngộ”.
(Đại Tạng Q48 – Tr 1051)
- Biết đủ, chẳng nên tích chứa.
Trong kinh Phật Sở Hành Tán, phẩm thứ 36 Đại Bát Niết Bàn có nói:
“Những vật dụng thuận đời
Phải nên tri túc nhận
Nhận rồi không tích chứa
Lược thuyết giới như thế
Là gốc của mọi giới
Là căn bản giải thoát
Nương vào đó pháp sinh
Hết thảy các chính định
Nhất thiết chân thật tuệ
Nhờ đó được cứu kính
Vì thế nên chấp trì
Chớ để cho đoạn hoại
Giới tịnh không đoạn mất
Liền có các thiện pháp
Nếu không chẳng có thiện
Nhờ giới mà kiến lập
Đã trụ thanh tịnh giới
Khéo nhiếp các căn lành
Giống như trâu thuần thục
Không phá hoại lúa mạ
Như ngựa chưa huấn luyện
Phóng túng nơi sáu căn
Hiện tại gặp tai ương
Tương lai đọa ác đạo
Ví như ngựa bất thuần
Khiến người rơi hố hiểm
Vì thế người có trí
Chẳng phóng túng các căn”.
(Đại chính Q4 – Tr48)
- Thân cận Bạch y có năm lỗi.
Người xuất gia thân cận qua lại với người thế tục có năm lỗi:
- Thường thấy nữ sắc
- Đã thấy rồi liền muốn thân cận
- Dần dần chuyển thành thân mật
- Do thân mật mà phát sinh dục ý
- Vì có dục ý mà phạm tội Ba dật đề, Tăng tàn cho đến Ba la di.
- Tăng Ni không được ở chung.
Trong kinh Phật Thuyết Tứ Bối Đệ Tử có chép: “Phật dạy rằng: Nếu có người nữ cạo tóc xuất gia học đạo, vì từ ái dục, nên tinh chuyên tu tập, ở chốn yên tĩnh chẳng được cùng với người nam xuất gia ở chung chùa viện. Nếu là bậc thầy, muốn đến cầu học chẳng được đến một mình, thường đến sớm về sớm, chẳng được ở lại đến tối mới về, chẳng được ra khỏi chùa mà ngủ ở bên ngoài, chỉ được dạy bảo người nữ chẳng nên dạy bảo người nam, y phục mặc dùng chẳng được dùng gấm lụa thêu hoa, màu sắc sặc sỡ, chẳng được luôn miệng cười nói, chẳng được tham đắm tiền của, bảo vật, giới hạnh thanh tịnh gọi là đạo nhân xuất gia. Nếu luôn miệng cười đùa, chưa nói đã cười, trong tâm không yên, ý hành uế trược, ác khẩu mắng nhiếc, luôn miệng chẳng biết tiết chế, chẳng thể ở được nơi thanh vắng, kiêu mạn tự đại chẳng tự thúc liễm, tuy rằng xuất gia chỉ là tiện nhân, chẳng xứng đệ tử xuất gia của Phật”. (Đại chính Q17 – Tr 105c)
Trong kinh Đại Ái Đạo có nói: “Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni chẳng được cùng nhau ở chung, nếu cùng ở chung là không thanh tịnh, bị dục trói buộc không tránh khỏi tội lỗi. Nên kiên cường tự chế ngự, sớm đoạn dục tình, điềm nhiên tự giữ gìn”. (Đại chính Q24 – Tr 946).
Trong kinh Đại Ái Đạo có nói: “Tỷ khiêu ni nếu thụ thực phải như pháp mà ăn, có ba việc:
- Chẳng được cùng với Tỷ khiêu ngồi chung ăn cùng mâm
- Chẳng được ngồi chung ăn chung với Ưu Bà Tắc
- Chẳng được đem thức ăn mớm, bón cho trẻ trai.
Đó là Tỷ khiêu ni như pháp thụ thực”. (Đại chính Q 24 – Tr 950)
Trong kinh Ha Dục có nói: “Nữ sắc là gông cùm của thế gian, phàm phu luyến trước chẳng thể thoát ra. Nữ sắc là tai họa của thế gian, phàm phu nhân đó đến chết cũng không tránh được. Nữ sắc là sự suy bại của thế gian, phàm phu gặp phải không tai họa nào chẳng đến. Hành giả đã từ thân cắt ái xa lìa nữ sắc, cớ sao còn nghĩ đến nó, đó là ra khỏi địa ngục lại còn muốn vào”.
Tỷ khiêu được súc dưỡng nam tịnh nhân, Sa di. Chẳng được súc dưỡng nữ tịnh nhân, Sa di ni, Thức xoa, Tỷ khiêu ni.
- Tăng Ni tụ họp bàn làm việc phi pháp.
Trong kinh Đức Phật có dạy: “Vào đời mạt pháp, các vị Tỷ khiêu hoặc ở nơi làng xóm, hoặc ở nơi hoang vắng cùng Tỷ khiêu ni tụ tập nói chuyện, các Tỷ khiêu và Tỷ khiêu ni ấy đa phần sinh nhiễm tâm, sinh nhiễm tâm rồi cùng làm việc ô uế, do hành trái pháp, thoát thất Bồ đề tâm và cõi lành, đọa đại nguy hiểm đến nơi ác đạo”.
Trong kinh Tăng Hộ có chép: “Bấy giờ Thế Tôn lại bảo Tăng Hộ rằng: Do nhân duyên ấy, nay ta bảo ông, ở trong địa ngục có rất nhiều người xuất gia, mà ít người tại gia. Vì sao vậy? Bởi người xuất gia phần nhiều hay phạm giới, không thuận theo Tỳ Ni, cùng nhau làm việc phi pháp, tiêu dùng vật của Thường trụ.
Kệ rằng:
Nếu đạo nhân chân tu
Nên tuân theo Phật chế
Nam nữ ở riêng chùa
Thường ở nơi vắng lặng
Nương Minh sư thiện hữu
Tịnh hạnh dễ thành tựu
Nếu ở chùa cùng Ni
Các căn giới khó giữ
Với Nữ ngồi cùng tòa
Ăn uống ngồi chung mâm
Nói năng cùng cười đùa
Hẹn nhau đi chung đường
Với Ni ngủ chung nhà
Trong phòng cùng nằm ngồi
Cùng Ni ngồi chỗ khuất
Vào ngồi chỗ đất trống
Giới khinh thường vi phạm
Giới trọng chẳng dễ trì
Phạm một Ba dật đề
Không sám đọa địa ngục
Nên ở chùa một chúng
Hoặc ở nơi núi rừng
Giới tịnh Định Tuệ sinh
Khiến Phật pháp cửu trụ
Tỷ khiêu biết pháp luật
Đảm trách giáo thụ Ni
Mời một vị làm bạn
Cùng đến chùa Ni chúng
Nếu tự đến không bạn
Bạch y sinh nghi ngờ
Chê bai tiếng đồn khắp
Mình người đều tổn hại”.
(Đại chính Q17 – tr571)
- Tỷ khiêu không được độ Ni chúng
Sa di ni giới văn kinh chép: “Đức Phật dạy: Quán chiếu nhân gian trên đến 28 tầng trời, dưới đến 18 tầng địa ngục đều là khổ không vui, cho nên kết giới để răn dạy hậu sinh. Phật bảo các đệ tử rằng: Học đạo rất khó, từ bỏ gia đình, đoạn tuyệt lục tình, thụ Phật trọng giới, buông bỏ ái dục, người làm được như thế rất ít. Vậy nên các ông cẩn thận chớ có độ Sa di ni, người nữ tính tình khó giữ, vừa vui chốc lát lại khởi ác tâm, giống như bọt nước chợt khởi chợt diệt, không có thường định, quan sát thân căn, xét nghiệm tính hạnh thấy được căn cơ, có thể đắc đạo, gấp nên độ cho. Tự mình nếu chẳng phải Bồ tát, A la hán chẳng thể độ cho nữ chúng”. (Đại chính Q24 – Tr939).
Thân ở chốn phồn hoa
Chúng xuất gia chẳng nên
Các căn giới khó giữ
Gặp duyên dễ trước mê
Phóng túng thân và khẩu ý
Ý địa chẳng nghĩ sạch
Ba nghiệp tịnh đạo thành
Bất tịnh đọa địa ngục.
- Phạm tội nên sám hối.
Kệ rằng
Thương thay kẻ hủy giới
Sinh báo ác đạo khổ
Nếu chẳng thể giữ giới
Sắp phạm xả giới ra
Phật đại từ phương tiện
Cho xả giới bảy lần
Lại được thụ Cụ túc
Cũng chứng được giải thoát
Nếu đã phạm trọng giới
Thành ý phát lộ hối
Tăng vì tác pháp sám
Tội diệt giới thanh tịnh
Hủy trọng giấu chẳng sám
Là Sa môn ô đạo
Phạm trọng giới thụ thí
Mắc tội càng nghiêm trọng
Mong các vị Tăng Ni
Trì giới hộ giới thể
Giới tịnh Định Tuệ sinh
Phật pháp được cửu trụ./.
(Còn nữa)
This Post Has 0 Comments