TÌM HIỂU CHỮ TÂM TRONG KINH TẠNG A HÀM
Đại đức Thích Đạo Phong
Theo quan điểm của Phật giáo, hết thảy thiện hay ác, khổ đau hay an vui ở trên thế gian này đều do tâm niệm của con người mà ra. Nếu người nào có tâm niệm thiện thì sẽ khiến cho mình, cho người cũng như cộng đồng xã hội đều được lợi ích an vui còn tâm ác thì ngược lại. Nói đến Tâm là một vấn đề rộng lớn và phức tạp, trong khuôn khổ bài biết này chỉ xin khái quát về chữ Tâm trong kinh tạng A Hàm qua một số phương diện:
- Tâm dục thiện.
Tâm dục thiện là tâm ước nguyện, mong muốn được làm những điều lành, những điều tốt đẹp. Đây là những tâm lành trong cõi dục giới. Đặc tính của nó là thường tạo những kết quả an vui. Vì thế khi người nào muốn chuyển hoá thân tâm thì nhất định phải từ cơ sở việc lành mà phát triển. Đây là tiêu chuẩn mực thước của hết thảy mọi người trên thế gian.
Hơn nữa theo quan điểm phật giáo thì tâm làm chủ trong mọi hành vi của con người. nếu tâm niệm thiện thì tạo nghiệp thiện và ngược lại. Do vậy việc tu hành cốt là điều phục nơi tâm. Ở trong kinh Trung A Hàm và Trường A Hàm thì Đức Phật đề cập đến tâm ước nguyện tức là ham muốn những điều thiện để làm động lực thúc đẩy tu hành. Chúng sinh đã trôi lăn trong sinh tử luân hồi bao nhiêu kiếp, chân tâm vì bị vô minh che lấp nên đã làm bao nhiêu nghiệp ác, khi lúc mới khởi tâm tu hành luôn phải tinh tiến dứt trừ ác nghiệp và đặc biệt là phải nỗ lực làm điều thiện. Tuy tâm có ước nguyện, có mong muốn làm điều thiện thì cũng là vọng tâm, nhưng đây chính là động lực ban đầu thúc đẩy chúng ta tiến tu đạo nghiệp. Trong kinh Đức Phật dạy: “Tu hành vô dục đạo quả nan thành”.
Cho nên chư Phật, chư Bồ tát, chư Thánh Hiền Tăng cũng như lịch Đại Tổ sư, hoặc bất cứ ai khi phát khởi tâm tu hành cũng đều lấy đây để tiến tu đạo nghiệp cho tới viên thành Phật quả. Nói về tâm ước nguyện, tâm dục thiện trong kinh A Hàm, Đức Phật dạy như sau:
“Này Phù Di, nếu có Sa môn, Phạm chí có chính kiến; người ấy có ước nguyện tu hành Phạm hạnh một cách chân chính, thì chắc sẽ chứng quả. Nếu người không có ước nguyện hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện chẳng phải không có ước nguyện, tu hành Phạm hạnh một cách chân chính thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chính, nghĩa là đúng đường lối”.
Như vậy, tâm ước nguyện hay tâm dục thiện chính là động lực để thúc đẩy
chúng ta tu hành. Tuy nhiên ở đây Đức Phật cũng nói rõ tâm ước nguyện, tìm cầu tu hành Phạm hạnh một cách chân chính. Nếu như người nào cũng có tâm ước nguyện, tìm cầu tu hành theo tà kiến thì không thể chứng được quả vị, Ngài dạy như sau: “… Nếu có Sa môn, Phạm chí có tà kiến, định tà kiến; người ấy có ước nguyện, tu hành Phạm hạnh một cách tà vạy, thì chắc chắn không thể chứng quả”.
- Tâm vô nguyện.
Tâm vô nguyện là tâm không còn ham muốn để đạt Niết-bàn. Niết-bàn chính là mục đích hướng đến cuối cùng trên con đường tu hành của mọi trường phái Phật giáo. Trong Trung A Hàm và Trường A Hàm thì Đức Phật đề cập đến tâm dục thiện, tức tâm mong muốn làm điều thiện để làm động lực tu hành ban đầu. Nhưng để đạt đến mục đích cuối cùng là Niết bàn, thì tâm phải ở trạng thái định tĩnh, tức không còn cầu mong gì cả, vì dù cho là cầu mong gì thì cũng là vọng tâm. Cho nên tiến tới kinh Tăng Nhất A Hàm, Đức Phật có dạy: “Tam giới tâm tận, tức thị Niết bàn”.
Điều này có nghĩa là khi nào dứt sạch tâm trong ba cõi, lúc đó chúng ta mới thấy được Niết bàn. Ba cõi, còn gọi là tam giới, đó là: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Khi tâm tham nổi lên, chúng ta sống trong Dục giới, tức là cảnh giới đắm nhiễm tham dục, cảm thấy đau khổ triền miên vì lòng tham của con người không đáy, không bao giờ thỏa mãn được. Con người sống trong dục giới lúc nào cũng cảm thấy khao khát, thiếu thốn, được bao nhiêu cũng không thấy đủ, cho nên luôn luôn chạy đôn chạy đáo, tìm kiếm ngũ dục: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ. Khi tâm sân nổi lên, ngay lúc đó, chúng ta sống trong sắc giới, tức là cảnh giới chấp chặt sắc tướng, lòng như thiêu đốt, sắc mặt tái xanh, vì sự tức giận, vì sự bất mãn. Dù tâm tham không còn, tâm sân cũng tai hại vô cùng. Lại nữa “Tâm khẩu nhất như“. Tâm nghĩ sao, miệng nói vậy. Miệng thường nói tốt, tâm nên nghĩ tốt. Như vậy, cuộc sống mới được an lạc. Ngược lại, tâm nghĩ một đường, miệng nói một nẻo, miệng nói như vậy, tâm không như vậy, cho nên tục ngữ có câu: “Miệng thì nói tiếng nam mô, trong bụng thì chứa cả một bồ dao găm”. Ở trên đời này, đố ai lấy thước để đo lòng người. Trong sách có câu: “Tri nhân tri diện bất tri tâm” nghĩa là: biết người biết mặt chẳng biết lòng. Cho nên chư Tổ có dạy: Phản quan tự kỷ, nghĩa là: hãy quay lại, quán sát tâm chính mình, để giữ tâm khẩu nhất như.
Tóm lại, để thành tựu được Niết bàn, đi đến giải thoát rốt ráo thì tâm phải phẳng lặng, không còn vọng tưởng. Nghĩa là không còn mong cầu gì cả hay nói cách khác là đạt đến tâm vô nguyện, nếu còn một chút mong cầu thì không thể thành tựu được Niết bàn. Như trong kinh Đức Phật dạy:
“ Đức Thế Tôn bảo các Tỷ khiêu: Có ba thứ Tam muội. Những gì là ba ? Đó là Không tam muội, Vô tướng tam muội và Vô nguyện tam muội.
Thế nào là Không tam muội ? Nghĩa là quán tất cả các pháp đều không thật có. Thế nào là Vô tướng tam muội ? Nghĩa là đối với tất cả pháp, không có tưởng niệm không có thể thấy được. Thế nào là Vô nguyện tam muội ? Nghĩa là đối với tất cả pháp không có nguyện ước, không có mong cầu.
Này các Tỷ khiêu, nếu ai không thành tựu ba thứ Tam muội này thời mãi mãi bị sinh tử luân hồi, không thể giác ngộ được. Vậy các Tỷ khiêu phải tìm phương tiện tu hành, để chứng cho được ba thứ Tam muội trên”.
- Trạng thái của tâm
Khi nói đến trạng thái của tâm, trong Phật Pháp thường nói đến hai trạng thái đó là nhiễm và tịnh, gọi đủ là tâm nhiễm ô và tâm thanh tịnh:
– Tâm nhiễm ô: Là trạng thái tâm luôn bị sáu căn tiếp xúc với lục trần làm cho tâm bị ô nhiễm, khiến cho hành vi cử chỉ, ngôn ngữ lời nối đều bị ô nhiễm nên tạo ra vô lượng vô biên lỗi lầm.
– Tâm thanh tịnh: Là trạng thái tâm vẳng lặng không vọng động, tức là chân tâm tự tính luôn sáng suốt, nên mọi hành động cử chỉ, ngôn ngữ lời nói đều thanh tịnh khiến cho đời sống hàng ngày thân tâm tự tại an vui giải thoát.
Đây là hai trạng thái của tâm, nếu với tâm nhiễm sẽ đưa chúng ta đến sinh tử luân hồi, với tâm tịnh thì sẽ đưa chúng ta đến Niết bàn an lạc. Sinh tử hay Niết bàn đều chỉ do một niệm của tâm. Trong kinh Đức Phật dạy: “Này Tỷ khiêu, tâm dẫn thế gian đi, tâm nhiễm trước, tâm khởi tự tại. Này Tỷ khiêu, chính nó dẫn thế gian đi, chính nó nhiễm trước và cũng chính nó khởi tự tại”.
Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật cũng dạy rõ về hai trạng thái nhiễm tịnh của tâm cũng như kết quả của hành động theo hai trạng thái ấy như sau:
Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe, chân vật kéo
Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh
Nói lên hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng chẳng rời hình.
Qua những lời dạy trên của Đức Phật đã cho chúng ta một cách nhìn đúng đắng về trạng thái của tâm. Tâm được biểu hiện theo hai chiều hướng nhiễm và tịnh khác nhau, qua đó chúng ta biết được việc then chốt của tu học Phật Pháp chính là phải thay đổi tâm niệm, thay đổi hành vi cử chỉ, ngôn ngữ của mình. Nếu ai nấy có thể chuyển đổi được thì chính là công phu chân thật ắt sẽ có ngày quay về với chân tâm bản tính thanh tịnh của mỗi chúng ta.
- Phương pháp chuyển hóa tâm
Các tôn giáo lớn chủ chốt trên thế giới, nhất là đạo Phật, là phương tiện hay phương pháp tôi luyện tinh thần, để vượt qua khó khăn nhất là về mặt tinh thần. Cụ thể là những tác động tiêu cực lên cảm xúc của chúng ta tạo ra bất ổn tinh thần, bất hạnh, sợ hãi, chán chường. Những trạng thái tinh thần như vậy sinh ra đủ loại hành động tiêu cực, rồi các hành động này lại tạo thêm nhiều vấn đề, nhiều phiền não khác. Pháp (Dharma), có nghĩa là phương cách vượt qua những vấn đề trường kỳ, nên nó còn mang nghĩa rộng là bảo vệ, hay giải cứu người nào đó khỏi chuyện không mong muốn.
Toàn bộ giáo lý Phật giáo do Đức Phật thuyết giảng đều nhằm mục đích “chuyển mê khai ngộ” cho chúng sinh. Vì mê ngộ là gốc của khổ vui. Mê thì khổ, ngộ thì vui. Mê thì thành chúng sinh luân hồi sinh tử, ngộ thì thành Phật giải thoát Niết Bàn. Nhưng mê là Tâm mà ngộ cũng là Tâm. Chuyển mê khai ngộ tức là chuyển đổi Tâm mê lầm thành Tâm giác ngộ. Như vậy đạo Phật chính là đạo nói về Tâm, tuỳ theo trình độ căn cơ của chúng sinh mà mỗi kinh nói về Tâm mỗi khác. Khi thì nói về Tâm tính, khi thì nói về Tâm tướng, khi thì nói về Tâm dụng. Thậm chí có khi đề cập vấn đề thế giới sắc trần, sự vật biến chuyển..vv. tất cả đều là để hiểu rõ trạng thái của tâm trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nhằm thực hành chuyển mê khai ngộ. Vì thế mà Phật Pháp là hệ thống của sự chuyển hóa hay tôi luyện tinh thần, để đạt được nội tâm tĩnh tại.
Sự chuyển hóa tinh thần chỉ đạt được bằng cách sử dụng chính tinh thần chứ không thể có được bằng cách nào khác. Hầu hết, trạng thái tinh thần nào làm ta không hạnh phúc đều không phù hợp với thực tại. Tất cả quan niệm sai lạc cùng cảm giác đau khổ đều có căn nguyên từ việc lĩnh hội không đúng thực tại, hay nói cách khác chúng đều xuất phát từ sự thiếu hiểu biết nền tảng, mà ta có thể đưa ra một ví dụ, chẳng hạn sự chấp ngã nghĩa là bám chặt vào quan niệm có bản ngã tồn tại. Phương thuốc chữa lành sự thiếu hiểu biết ấy là tạo dựng phương pháp nhìn vào thực tại như đúng bản chất của nó. Khi nhận ra trạng thái tinh thần gây khổ não là do không nắm bắt đúng thực tại, người ta phải dùng biện pháp nào đó sửa lại cái thiếu hiểu biết trên. Nói gọn là quan niệm sai sẽ bị quan niệm đúng đẩy lùi.
Chúng ta hãy tìm hiểu phương pháp chuyển hóa tâm trong hệ thống giáo lý Phật giáo. Trong hệ thống giáo lý Phật giáo thì con đường chuyển hóa tâm không ngoài việc tu tập Giới – Định – Tuệ. Tuy nhiên, tùy theo mỗi bộ phái, mỗi đối tượng ở trong những điều kiện, hoàn cảnh, thời gian khác nhau mà có phương pháp thực hành khác nhau.
Trước hết chúng ta tìm hiểu phương pháp chuyển hóa tâm trong kinh A Hàm. Trong kinh A Hàm phương pháp chuyển hóa tâm tiêu biểu nhất, thường được Đức Phật đề cập đến là pháp môn quán Tứ Niệm Xứ, Đức Phật dạy: “ Có một con đường tịnh hoá chúng sinh, vượt qua lo sợ, diệt trừ khổ não, chấm dứt kêu khóc, chứng đắc Chính pháp; đó là Bốn Niệm xứ … Đó là niệm xứ quán thân như thân, quán giác như giác, quán tâm như tâm, và quán pháp như pháp”.
Đây là bốn nội dung lớn về các đề tài quán niệm mà Đức Phật thường nhắc nhở các đệ tử thực hành tu tập và Ngài dạy cách tu Bốn Niệm xứ như sau: “ sống quán niệm nội thân trên thân, tinh cần phương tiện, chính trí, chính niệm, điều phục lo buồn của thế gian; sống quán ngoại thân, nội ngoại thân … Cũng thế, sống quán niệm thọ, tâm, pháp, nội pháp, ngoại pháp, nội ngoại pháp, tinh cần phương tiện, chính trí, chính niệm, điều phục sự lo buồn của thế gian”.
Bốn Niệm xứ không chỉ đơn thuần là định học mà còn bao gồm cả tuệ học, tức Thiền định và Trí tuệ song tu. Định Tuệ phối hợp một cách nhuần nhuyễn giúp hành giả có khả năng đoạn tận tham ưu, phiền não, nếu mỗi người vận dụng và thực hành đúng theo những phương pháp này thì có thể sẽ thẳng đến giải thoát ngay trong hiện tại. Đức Phật xác nhận hiệu quả của Tứ Niệm xứ như sau: “.. Nếu Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni nào lập tâm chính trú nơi Bốn Niệm xứ thì trong vòng bảy tháng sẽ nhất định chứng được một trong hai quả: hoặc chứng Cứu kính trí ngay trong hiện tại, hoặc chứng A Na Hàm nếu còn hữu dư..”.
Thứ hai, chúng ta tìm hiểu bốn phương pháp tiêu biểu phổ biến thường đề cập đến trong kinh luận Đại thừa. Đó là thực hành Tín – Giải – Hành – Chứng.
– Tín: Tức là tin vào vào khả năng của chúng ta có thể đạt được những quả vị mà chư Hiền Thánh đã đạt, tin rằng chính bản thân chúng ta vốn có sẵn Phật tính. Do đó phát khởi Tín Tâm khi thực hành một pháp môn tu tập nào đó. Nếu như chúng ta gặp khó khăn, với Tín Tâm kiên cố thì mọi khó khăn đều tan biến, nhất là đối với giáo lý cao siêu của Phật giáo nếu chúng ta không đủ Tín Tâm thì chúng ta sẽ không thể nghiên cứu và tu tập đến đích.
– Giải: Sau khi phát khởi Tín Tâm, chúng ta phải tìm hiểu vấn đề như: chúng ta phải tìm hiểu tại sao giáo lý Phật giáo có thể chuyển mê khai ngộ cho chúng sinh, có thể đưa chúng sinh thoát khỏi luân hồi sinh tử . Khi chúng ta hiểu rõ được mỗi pháp thì chắc chắn chúng ta không bao giờ thay đổi chiều hướng.
– Hành: Khi đã tin hiểu thì việc tiếp theo đó là nỗ lực tu hành theo con đường tu tập của Giới – Định – Tuệ mà Đức Phật đã chỉ dạy
– Chứng: Với sự tin hiểu và thực hành tinh tiến thì dĩ nhiên chúng ta sẽ đạt đến mục đích. Khi đã đạt được mục đích rồi thì phải phát nguyện hướng dẫn người khác tu tập để có được lợi lạc như mình.
Thứ ba, chúng ta tìm hiểu phương pháp chuyển hóa tâm của Duy thức tông. Duy thức tông thực hành việc chuyển hóa tâm qua năm bước như sau :
– Truy hư tồn thực: Chúng ta xả bỏ những hư vọng giả dối, những pháp tưởng tượng, tương thuộc. Chúng ta chấp nhận sự hiện hữu và tính không tương đối , tiến thêm bước nữa là chỉ chấp nhận sự hiện hữu.
– Xả lạm lưu thuần: Lạm là chỉ cho Tướng phần ; Thuần là chỉ cho Kiến phần, Chứng phần và Chứng tự chứng phần.
Chúng ta an trụ trong sự thanh tịnh của nội Tâm, thừa nhận sự hiện hữu tương đối của Tâm và hiện tượng. Tiến thêm bước nữa là xả bỏ hiện tượng và giữ lại Tâm.
– Nhiếp mạt quy bản: Xả bỏ hay giảm thiểu vọng tâm, quay về với chân tâm bản lai diện mục của mình.
– Ẩn liệt hiển thắng : Liệt là chỉ cho Tâm sở, sự yếu kém của Tâm sở ; Thắng chỉ cho Tâm vương, sự thù thắng mầu nhiệm của Tâm vương.
Với sự chấp nhận của Tâm sở và Tâm vương, chúng ta che dấu Tâm sở và hiển bày Tâm vương.
– Khiển tướng chứng tính: Loại bỏ sự phân biệt và xác nhận sự vô phân biệt, chấp nhận hiện tượng và thật thể một cách tương đối. Mục đích phương pháp quán này là để tu tập chuyển bát thức thành tứ trí.
Tóm lại, qua một số phân tích về Tâm của Phật giáo là để nhận thức rõ chân tâm, vọng tâm để có những phương pháp tu tập nhằm đạt được Chân Tâm. Phương pháp tu tập của mỗi bộ Kinh- Luật- Luận hay Tông phái đều khác nhau nhưng không ngoài mục đích đạt được Chân Tâm thường trú, thể tính tịnh minh hay Bản lai diện mục của chính mình.
- Kết luận
Qua các phần trình bày ở chương hai, chúng ta nhận thức được các mức độ chuyển biến của tâm có sự khác nhau. Bởi tuỳ theo sự mê hay ngộ hoặc nhiễm hay tịnh của tâm, mà chuyển biến có khác nhau như tâm dục thiện thì nhất định phải y cứ nơi việc thiện lành mà phát triển, tâm vô nguyện thì chẳng có ước nguyện mong muốn gì cả chẳn có tu chẳng có chứng gì cả.
Đồng thời để hiểu được tâm và chuyển hóa được tâm thì nhất định hành giả phải nhận thức rõ ràng, quán xét chính tâm niệm của mình thì mới mong thành tựu trong tu học. Tùy theo điều kiện của mỗi người, trong những thời gian, hoàn cảnh khác nhau mà lựa chọn những phương pháp ta tập cho thích hợp. Nhưng dù cho là chọn phương pháp nào đi nữa thì cũng không ngoài con đường tu tập của Giới – Định – Tuệ. Phương pháp chuyển hóa tâm của Phật giáo là phương pháp khám phá và diễn giải tổng quát về bản chất của thực tại khách quan.
Trong quá trình khám phá như vậy, cần nhấn mạnh rằng ta phải có thái độ khách quan, không thiên vị. Cũng như trong quá trình khám phá và nghiên cứu khoa học ta phải khách quan, không cho phép mình đánh giá thiên lệch công trình của người khác theo niềm tin và sở thích của mình. Nghiên cứu của ta cần được xác định bằng những tìm tòi thực nghiệm. Trong đạo Phật cũng tương tự vậy: ta phải khách quan, cần xác định được mức độ định kiến của bản thân và nhận diện được chúng gây cản trở ra sao. Tìm ra được chân tính của thực tại bằng cách vượt ra khỏi định kiến, tiến hành nghiên cứu với mục tiêu về thực tại như thế, cả hai đều quan trọng. Vậy từ góc độ này thì khoa học và đạo Phật khá giống nhau.
Mặt khác, nếu ta xét tới một giả thuyết chỉ đơn thuần là một phỏng đoán hoặc là một sự bịa đặt từ trí tưởng tượng của ta mà không có cơ sở thực tế, nếu ta còn quen thuộc với chúng nhiều chừng nào thì ta càng không thể giữ lấy chúng mãi được. Đây cũng là cách thức ta tham gia vào việc chuyển hóa tâm.
Sau khi ta tham gia nghiên cứu một cách liên tục và cẩn trọng một mặt nào đấy của thực tại theo phương pháp của đạo Phật, sau cùng ta sẽ đạt đến một tri thức cụ thể nào đó. Một phát kiến cụ thể đã được thực hiện. Trong truyền thống đạo Phật, người ta hay nói về tuệ giác và phương tiện thiện xảo, trong đó tính năng của tinh thần liên quan trực tiếp tới việc truy tầm tri thức được gọi là “tuệ giác”. Những tính năng khác của tinh thần, chẳng hạn như sức mạnh tinh thần và các quá trình tinh thần đa dạng khác, vốn hỗ trợ cho việc truy tầm tuệ giác được gọi là “phương tiện thiện xảo”.
This Post Has 0 Comments