Skip to content

   Chùa Quỳnh Lôi là một di tích có bề dày lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của ngàn năm Thăng Long Hà Nội. Chùa có quy mô kiến trúc bề thế, cảnh quan thiên nhiên đẹp hữu tình; Hệ thống hiện vật đa dạng phong phú, có giá trị văn hóa lâu đời và là di tích quan trọng, một danh lam cổ tích của Thủ đô Hà Nội.

Chùa Quỳnh Lôi có tên tự là Long Khánh Tự (tức chùa Long Khánh). Thời Trần, Quỳnh Lôi thuộc lộ Sơn Nam. Đầu thời Lê thuộc xã Quỳnh Lôi, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, Trấn Sơn Nam Thượng. Sau đó, chùa Quỳnh Lôi thuộc trại Quỳnh Lôi, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ PhụngThiên rồi phủ Hoài Đức – Hà  Nội… Sau ngày giải phóng Thủ đô, Quỳnh Lôi được gọi là tiểu khu Quỳnh Lôi và từ năm 1981 đến nay gọi là phường Quỳnh Lôi.

Quỳnh Lôi xưa là một làng cổ ở ven kinh thành Thăng Long, có diện tích khá rộng với nhiều dòng họ sinh sống. Nằm trong vùng các phường, trại cổ, trên đoạn đường Thiên Lý cũ từ ngã tư Trung Hiền đến Ô Cầu Dền là một tổng thể các di tích lịch sử vô cùng quý giá: Đình Đại, Đình Đông, chùa Liên Phái, chùa Mai Hương, Nghè Bồ, đình chùa Tương Mai… Đình và chùa làng Quỳnh nằm trong vùng đó và ngôi chùa làng Quỳnh đã tồn tại gần ngàn năm lịch sử. Ca dao Hà Nội xưa có câu:

Mười lăm thôn trại rộng dài

Quỳnh Lôi – Trung Tự – Bạch Mai – Cầu Dền

Chùa Quỳnh Lôi được khởi dựng từ rất sớm. Văn bia trùng tu vào năm Giáp Thìn (1664), thời Lê, vẫn còn rõ nét: “xã Quỳnh Lôi – huyện Thanh Trì có chùa Long Khánh ở phía Nam thành Thăng Long, đường cái quan ngàn dặm phía trước, cánh đồng vạn khoảnh đằng sau, đôi bên tả hữu dân cư đông đúc, từ xưa đến nay đẹp như cảnh tiên, đúng là một ngôi chùa nổi tiếng trong vùng…”. Chùa Quỳnh Lôi nay thuộc địa phận phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Từ ngoài vào, chùa là một khuôn viên khép kín trong hệ thống kiến trúc: Tam quan (đồng thời là gác chuông), sân, chùa chính (Tiền đường và Thượng điện), hai bên là nhà thờ Mẫu, thờ Tổ, vườn tháp, khu phụ cùng vườn cây rộng lớn. Tam quan chùa Quỳnh Lôi được trùng tu ở thời Nguyễn. Đây là một Tam quan đẹp và bề thế, ngôi chùa nổi lên bởi Tam quan này. Tam quan đồng thời là gác chuông với 2 tầng 8 mái, 8 góc đao cong, các trang trí là những lá hóa vân, lá hóa rồng.

Chùa chính dựng theo hướng Tây Nam gồm Tiền đường và Hậu cung tạo thành kiến trúc hình chữ Đinh. Tiền đường là nếp nhà 5 gian dọc, kết cấu chồng rường. Vào trong Tiền đường có bệ thờ các tượng Đức Ông, Thánh Hiền cùng 2 tượng Hộ Pháp cỡ lớn. Tượng Khuyến Thiện, Trừng Ác ngồi trên mãnh sư, dũng mãnh trong trang phục võ tướng, mình mặc áo giáp trụ… Đây là 2 pho tượng lớn duy nhất còn lại trong chùa sau lần thực dân Pháp đốt chùa năm 1909. Tượng có niên đại tạo tác thế kỷ XVIII (Các tượng nhỏ của chùa khi thực dân Pháp tới đốt phá đã được chuyển vào tháp 7 tầng để ở mé phải chùa). Hậu cung là một cốn lớn kín toàn gian. Cốn chính Hậu cung tạc mặt hổ phù lớn, hai bên là 2 rồng vần vũ mang ước vọng cầu nguồn nước của cư dân nông nghiệp.

Trong Hậu cung, trên các bệ xây là hệ thống các tượng Phật. Tượng ở chùa này có khá đầy đủ và được bài trí theo nguyên tắc một ngôi chùa Việt cổ. Trên Phật điện, đáng lưu ý nhất là các bộ tượng: Tam Thế, A Di Đà Tam tôn. Ba vị Tam Thế tọa lạc ở vị trí cao, trang trọng nhất của Phật điện. Tượng ngồi kiết già hàng ma lộ bàn chân phải trên đài sen, tay kết ấn thiền định. Bộ A Di Đà Tam tôn với A Di Đà được tạc lớn nhất trên Tam bảo. Tượng ngồi trên đài sen cao chừng 2m. Hai bên tượng là Quan Thế Âm bồ tát và Đại Thế Chí bồ tát. Cũng ở hậu cung, đáng lưu tâm còn có tượng Hậu. Đây là pho tượng tạo dáng ông bà Trịnh Tạc, con của Ngạn quận công Trịnh Đỗ, người có công lớn trong trùng tu ngôi chùa vào năm 1606 mà trong văn bia, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đã từng ghi lời ca ngợi:

Đẹp thay cảnh Quỳnh Lôi!

Chùa mang tên Long Khánh

Cảnh là cảnh chùa chiền

Trời là trời Đâu suất

Thờ Phật sửa ngôi chùa

Họ Trịnh dòng tôn thất

Nền nếp nguy nga thay!

Khu chùa thanh tịnh thật

Đàn xuân hoa dâng đầy

Cửa thiền trái cúng đặt

Tòa tam bảo sáng ngời

Muôn năm cầu chúc Thánh

Chùa Nhà vua sống lâu

Cơ đồ mãi vững chắc

Dựng tấm bia công đức

Sánh ngang với đất trời.

Một trong những đồ thờ tiêu biểu nhất là chiếc nhang án tại nhà Mẫu. Nhang án có kích thước 154x78x96cm được chạm nổi, chạm lộng, chạm thủng những hoa lá, hổ phù, lá hóa rồng, những cánh hoa sen, lá đề, vân mây, lá hóa phượng. Đây là 1 nhang án đẹp, mang dáng nghệ thuật ở thời Lê. Trong chùa, hệ thống hoành phi, câu đối còn rất nhiều. Đây là nguồn sử liệu quý đối với các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa dân tộc.

Không chỉ là di tích lịch sử văn hoá, chùa Quỳnh Lôi còn là cơ sở hoạt động bí mật của các chiến sĩ biệt động nội thành, là một trong những cơ cở hoạt động của xứ ủy Bắc Kỳ (1944-1945). Dưới chân bệ thờ là nơi cất giấu tài liệu. Vườn chùa có hầm bí mật nuôi giấu cán bộ du kích thời kỳ kháng chiến giai đoạn 1946-1947. Cũng tại đây, các đồng chí Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Trân, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Trọng Vĩnh… đã được sư cụ trụ trì và sư ông bảo vệ, che chở trong thời gian các đồng chí hội họp và hoạt động bí mật dưới các hình thức như những con nhang đệ tử quần chùng áo the mang hương vào lễ Phật để hội họp. Cách mạng tháng 8/1945, rồi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ tháng 12/1946, chùa Quỳnh Lôi cũng là nơi để đông đảo thanh niên đến hội họp và luyện tập quân sự để chuẩn bị cho kháng chiến…

Chùa được công nhận di tích lịch sử – văn hóa năm 1995 và được UBND TP Hà Nội công nhận là di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến vào năm 2014.

Theo ditichlichsu-vanhoahanoi.com

This Post Has 0 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *