Nằm về phía Nam của kinh thành Thăng Long xưa, gần với khu vực Ô Cầu Dền, có một ngôi chùa gọi tên nôm theo địa danh là chùa Thanh Nhàn, còn tên chữ là “Linh Sơn Tự” hay còn gọi là chùa Linh Sơn Thanh Nhàn. Hiện, chùa nằm tại ngõ 331 đường Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chùa được xếp hạng kiến trúc nghệ thuật ngày 25/8/2003 và gắn biển di tích lịch sử cách mạng ngày 5/8/2005.
Theo tấm bia trụ tại chùa – có niên hiệu Vĩnh Thịnh năm Tân Sửu (1721), chùa được xây dựng từ thời nhà Lê tọa lạc trên một gò đất, dân làng gọi là Núi, được nhà sư Sa Môn Chính Minh – trụ trì chùa Linh Sơn Thanh Nhàn thời đó viết lại như sau: “Nay ở xứ Ông Mạc, làng Thanh Nhàn ở Kinh đô, có một khu đất với một ngọn núi đất sừng sững. Núi ấy có mạch dẫn từ hồ Tây, chảy thông ra sông Tô Lịch, bên phải có Bạch Hổ, bên trái là Thanh Long, phía trước là chim tước, sau là chim vũ, thu hết tầm mắt lại…quả là khu tĩnh thổ bậc nhất vậy”.
Chùa Thanh Nhàn có qui mô lớn. Tam quan cấu trúc được thể hiện theo kiểu cột trụ, có một cổng chính. Khu kiến trúc thờ chính, từ tam quan qua một sân rộng lát gạch là tới chùa chính. Chùa chính tọa lạc trên vị trí cao nhất so với các công trình kiến trúc phụ trợ và quay hướng Nam nhìn ra khoảng sân và ao sen của chùa. Chùa kết cấu hình chữ “đinh” (chuôi vồ), kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Bờ nóc và bờ dải đắp nhô cao, trên có trang trí thành dải các hình hoa thị, chính giữa bờ nóc đắp bức đại tự “Linh Sơn Tự”. Bái đường năm gian, bộ khung mái làm bằng chất liệu gỗ lim với bộ vì kèo, được kết cấu giống nhau theo kiểu “vì kèo giá chiêng”, hoành mái được phân theo lối “thượng tứ hạ ngũ”.
Nhà hậu cung được làm bốn gian kết nối với nhà tiền đường để tạo thành hình chuôi vồ, bộ khung mái cũng được làm bằng gỗ lim có bốn bộ vì kèo, kết cấu kiểu giá chiêng. Hệ thống cột được bố trí theo kiểu hai hàng chân, có sáu cột gỗ lim, kích thước cao 4,5m, chu vi 0,9m, tạo cho phần không gian hậu cung trở nên thoáng, rộng. Phần trang trí trong kiến trúc chùa chính nhẹ nhàng, các chủ đề và họa tiết chủ yếu mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn như: Thân trúc mai, hoa văn triện, được tập trung trên các phần cốn mê. Các họa tiết vân xoắn, hoa lá, được thể hiện trên các đầu xà, cốn chồng rường, chủ yếu là chạm nổi, nét chạm chắc khỏe, phóng khoáng.
Bên cạnh giá trị kiến trúc, chùa Thanh Nhàn còn bảo lưu được khối lượng di vật phong phú cả về số lượng và giá trị lịch sử nghệ thuật. Điển hình là các tấm bia đá cổ (9 tấm bia), bia sớm nhất có niên hiệu Vĩnh Thịnh năm Tân Sửu kiểu dáng như cây hương đá, vuông bốn cạnh, kích thước cao 1,6m, mỗi cạnh rộng 0,25m. Bia có niên đại muộn nhất được dựng vào 20 tháng Giêng năm Bảo Đại thứ 11 (1936). Những tư liệu bia đá cổ này không chỉ giúp cho việc xác định về sự tồn tại của ngôi chùa, nhận diện rõ hơn về địa hình phía Đông Nam của kinh đô Thăng Long xưa, mà còn giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm về cuộc sống xã hội, sự phân hóa giai tầng, chế độ ruộng đất, sinh hoạt tôn giáo… của các triều đại quân chủ qua các thời…
Hệ thống tượng Phật, tượng Mẫu, tượng Tổ gồm 61 pho lớn, nhỏ (trong đó có hai pho tượng đương đúc bằng đồng). Những pho tượng này được tạo tác rất công phu, chau chuốt. Đó là những tác phẩm điển hình của dòng nghệ thuật truyền thống và đương thời. Hai quả chuông đồng, một quả lớn có chiều cao 1,55m, đường kính miệng 0,65m được đúc vào năm Tự Đức nguyên niên (1848). Các hiện vật khác hoành phi, câu đối… là sản phẩm của thời Nguyễn, trên mỗi hiện vật đều mang một phong cách trang trí riêng biệt, có giá trị nghệ thuật nhất định. Các sưu tập hiện vật này là những tài sản quí giá của di tích, đồng thời góp phần bổ sung và làm giàu thêm kho di sản văn hóa của Thủ đô và của cả nước.
Chùa Linh Sơn Thanh Nhàn cũng giống như nhiều ngôi chùa cổ ở Việt Nam, bên cạnh việc thờ Phật, trong chùa còn có nhà điện mẫu. Tuy nhiên, điện mẫu ở chùa Linh Sơn Thanh Nhàn thờ chính không phải là Tam toà thánh Mẫu, mà là Bà chúa Liễu Hạnh – một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đặc biệt, chùa Linh Sơn Thanh Nhàn không chỉ là trung tâm thực hiện nhu cầu tín ngưỡng của người dân mà còn là cơ sở nuôi giấu cán bộ hoạt động nằm vùng; nơi in ấn tài liệu của Đảng (theo Lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân phường Thanh Nhàn năm 1930-1995).
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, chùa Linh Sơn Thanh Nhàn ngày nay không chỉ được biết đến như di tích lịch sử cách mạng mà còn là nơi sinh hoạt tôn giáo được đông đảo nhân dân tìm tới. Đặc biệt nơi đây còn là địa chỉ để những Phật tử có tấm lòng hảo tâm đóng góp, chia sẻ với nhiều hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Chùa Linh Sơn Thanh Nhàn đã cụ thể hóa sự đóng góp đó bằng những việc làm từ thiện hết sức thiết thực và đậm tính nhân văn như: nấu cơm, cháo từ thiện cho các bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn ở hai bệnh viện K; tổ chức những chương trình phát quà kết hợp với khám chữa bệnh cho đồng bào vùng sâu vùng xa; chương trình mổ mắt cho người nghèo; phát xe lăn cho người tàn tật…
Theo ditichlichsu-vanhoahanoi.com
This Post Has 0 Comments