Chùa có tên chữ là Linh Tiên tự (chùa Linh Tiên) được xây dựng trong quy hoạch chung về kiến trúc truyền thống của làng Hội Xá, nay là phường Phúc Lợi – quận Long Biên . Ngày nay, các tư liệu ghi chép về niên đại ra đời của chùa tuy không còn song qua hệ thống văn bia có niên đại từ thời Lê (1773) đến Nguyễn hiện còn được lưu giữ tại chùa và những pho tượng tròn tại Tòa Tam bảo, có thể coi chùa Linh Tiên là kiến trúc cổ có niên đại khoảng thế kỷ XVIII. Chùa được quy hoạch trên một khu đất rộng, thoáng mát, quay hướng Tây, các công trình kiến trúc của chùa gồm: Tiền đường, Thượng điện, Nhà Mẫu và khu vườn tháp mộ của các nhà sư trụ trì ở chùa đã viên tịch.
Tiền đường gồm 5 gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, tay ngai, mái lợp ngói ta, mặt bằng 6 hàng chân cột, các chân cột đặt trên các chân tảng bằng đá tạo kiểu trên tròn dưới vuông, các bộ vì đỡ mái làm kiểu “thượng rường hạ kẻ”, mái “phân thượng ngũ hạ tứ”.
Thượng điện: gồm 3 gian chạy dọc, nối với Tiền đường tạo thành kiến trúc chữ đinh. Tường hậu xây kiểu bít đốc, mái lợp ngói mũi hài cổ, các thức vì làm kiểu “chồng rường”. Nhà Mẫu: gồm 3 gian xây gạch, vì kèo làm kiểu “kèo cầu quá giang, cột trốn” gian giữa xây bệ cao làm nơi tọa lạc của Tam tòa Thánh mẫu, dưới 2 pho tượng ngồi trong ngai, gian bên xây bệ thờ các vị sư Tổ của chùa. Khu tháp mộ: được xây dựng ở phía bên ngoài tường bao, là khu mộ tháp của các vị sư tổ ở chùa đã viên tịch, gồm 4 ngọn tháp xây bằng gạch cổ, tháp xây 3 tầng, các mặt cắt ngang hình vuông không trang trí.
Trang trí trên kiến trúc chùa tập trung vào các bức cốn nách phía ngoài với các đề tài khá quen thuộc như: Lão mai, Hổ phù bằng nghệ thuật chạm nổi, chạm thủng, nghệ nhân xưa đã họa lại những bức tranh cảnh vật thiên nhiên và gửi gắm trong đó những ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Cách bài trí tượng thờ trong Phật điện cũng giống như nhiều chùa miền Bắc. Tại tòa Tiền đường, gian bên phải, nơi tọa lạc của vị hộ pháp Trừng Ác, tượng ngồi trên lưng Sư tử, kề bên hộ pháp là bộ tượng Thánh hiền, 2 bên là tượng Diệm nhiên và Đại sỹ. Gian bên trái phía ngoài là tượng Hộ pháp Khuyến thiện ngồi trên lưng Sư tử, bên cạnh là bộ tượng Đức ông, tả hữu, 2 vị Quan hầu ở tư thế đứng.
Tại Tòa Thượng điện bài trí 5 lớp tượng. Lớp trên cùng là bộ tượng Tam thế thường trục diệu pháp thân, đặc trưng cho sự tồn tại của nhà Phật trên trục thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai. Lớp thứ hai là tượng Di Đà Tam tôn. Lớp thứ ba là tượng Di Đà tiếp dẫn. Lớp thứ tư là tượng vua cha Ngọc Hoàng. Lớp thứ năm là tượng Thích Ca sơ sinh đứng trong tòa Cửu Long. Hai bên tường hồi tòa Thượng điện là các pho tượng trong Thập điện Diêm vương và tượng hậu Phật.
Chùa Linh Tiên còn lưu giữ một bộ sưu tập di vật quý. Đầu tiên phải kể đến 12 tấm bia đá, trong đó, có 3 tấm bia có niên đại triều Lê, 1 tấm bia niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 34 (1773), 1 bia niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 46 (1785), nội dung bia ghi việc gửi giỗ. Những tấm bia còn lại thuộc triều Nguyễn, gồm: 1 bia niên hiệu Minh Mạng thứ 20 (1839), 1 bia niên hiệu Thiệu Trị thứ 4 (1844), 2 bia niên hiệu Tự Đức thứ 22 (1869), 1 bia niên hiệu Đồng Khánh năm Ất Dậu (1885), 1 bia niên hiệu Duy Tân (1916), 3 bia niên hiệu Bảo Đại (1921, 1932, 1935).
Trong chùa còn có 30 pho tượng lớn nhỏ, trong đó, tượng Phật có 19 pho, 2 pho tượng Hậu, 9 pho tượng Mẫu (tượng cô, tượng cậu). Trong số 30 pho tượng này, có 8 pho tượng mang giá trị nghệ thuật điêu khắc của thế kỷ XVIII. Đặc biệt là 3 pho Tam thế Thường trụ diệu pháp thân ngự trên tòa sen.
Tượng Tam thế chùa Hội Xá mang phong cách và dáng dấp khá đặc biệt so với những bộ tượng Tam thế khác. Các tượng được đặt ở vị trí cao nhất trong tòa Phật điện. Tượng ngồi trên trên tòa sen, tóc hình ốc, u giữa đầu nổi cao, cân đối, hàng lông mày cong, miệng kín, môi dầy, mặt hình trái xoan, cổ tượng ngắn có ngấn, ngực chạm nổi hình chữ Vạn, dưới chữ Bạn thể hiện nịt ngực. Tượng khoác áo cà sa hở bên vai phải, 2 tay đặt trước bụng, 2 đầu ngón tay cái chụm vào nhau. Tượng ở tư thế bán kiết già, để lộ 4 ngón, thân tượng cao 0,78 m, nếu tính cả bệ cao 1,30m, rộng 0,94m. Ba tượng đều ngồi trên tòa sen 5 lớp cánh, các cánh sen trang trí hình hoa cúc mãn khai và đao mác hình văn xoắn.
Tượng bên trái tương tự như tượng ngồi giữa, tay trái đặt trên gối trái, 3 ngón giữa quyết với đầu ngón cái, ngón út để thẳng, tay phải đặt trên đùi phải, áo cà sa khoác để hở vai phải, giữa ngực đeo một chuỗi dây anh lạc, ngực nở, bụng thon, cánh tay phải to mập và dài, khuỷu và cổ tay thể hiện 5 vòng tròn. Tượng bên phải tương tự như tượng bên trái, tay trái để lộ 3 ngón, ngón cái, ngón út và ngón đeo nhẫn chụm vào nhau, ngón trỏ và ngón giữa giơ lên, tay phải đeo vòng.
Ba pho tượng Tam thế chùa Hội Xá để hiện rõ nét đặc trưng của nghệ thuật tạc tượng khoảng đầu thế kỷ XVII, phong cách thể hiện tượng mình dài, thân tròn, tay mập, dài, đeo vòng, hình dáng khuôn mặt cho thấy những pho tượng này mang ảnh hưởng phong cách tạc tượng từ phương Nam và từ các thế kỷ trước. Có thể xếp nhóm tượng này vào số những pho tượng gỗ đẹp và có giá trị nhất trong kho tàng điêu khắc cổ Việt Nam.
Cũng như mọi ngôi chùa khác trong vùng, chùa Linh Tiên đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong làng. Trước hết, chùa Linh Tiên đã đem lại sự an lạc về tinh thần và góp phần tạo nên truyền thống văn hóa tốt đẹp cho cộng đồng làng xã. Một trong những hoạt động tiêu biểu của chùa là lễ hội. Lễ hội hàng năm của cụm di tích đình, chùa diễn ra từ ngày 9 đến ngày 15/2 âm lịch. Hình thức tổ chức: Sáng mùng 8 làm lễ mộc dục, chiều mùng 9 làm lễ nước nước, mùng 10 rước cỗ chay oản quả, tiếp tục các ngày sau là tế lễ, tổ chức các trò chơi truyền thống như: đánh cờ, diễn lại trò chơi câu cá, biểu diễn văn nghệ, ca hát.
Có thể nói, chùa Hội Xá với những hiện vật phong phú, đặc biệt là bộ tượng Tam thế Phật thật sự là một di sản văn hóa quý giá của Thủ đô Hà Nội và cả nước.
This Post Has 0 Comments