Skip to content

Ý NGHĨA PHẬT ĐẢN PHẬT LỊCH 2563 – DƯƠNG LỊCH 2019

                                                                                       HT. Thích Bảo Nghiêm

                                                                                                  Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự,
Trưởng Ban Hoằng pháp GHPGVN

    Mùa Phật đản lần thứ 2643, PL. 2563 – DL. 2019 là sự kiện tâm linh, văn hóa quốc tế, rất thiêng liêng đối với cộng đồng Phật giáo thế giới nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng, khi Liên Hợp Quốc và cộng đồng Phật giáo thế giới tin tưởng và ủng hộ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc lần 16 trên toàn cầu và lần thứ 03 tại Việt Nam. Đại lễ được tổ chức tại Di tích Chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam từ ngày 12 đến ngày 14/5/2019.

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019, dự kiến sẽ tiếp đón 1500 đại biểu quốc tế, gồm 487 phái đoàn đến từ 110 quốc gia – vùng lãnh thổ và hàng vạn Tăng, Ni Phật tử Việt Nam, góp phần khẳng định niềm tin của Liên Hợp Quốc về Phật giáo có khả năng mang lại hòa bình, tiến bộ, thịnh vượng và hạnh phúc cho nhân loại trên hành tinh này.

Đại lễ Vesak hàng năm nhắc nhở chúng ta về sự kiện hy hữu: “Thái tử Tất-đạt-đa (Siddhārtha) được Hoàng hậu Māyā sinh ra tại vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini), nay thuộc Nepal, “trong tư thế đứng, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước, tay chỉ trời, tay chỉ đất, tuyên bố dõng dạc: Ta là tối thượng trên cõi đời này, đây là kiếp sống cuối cùng của ta”. ​Từ góc độ giá trị thực tiễn, sự có mặt của Phật Thích-ca trên quả địa cầu này được kinh điển Phật giáo khẳng định là: “Có một không hai, bậc tối thượng trong ba cõi”.

Nói về sự siêu tuyệt của Đức Phật trên thế gian này, Kinh Trung Bộ dùng ẩn dụ: “Như bông sen hồng hay sen trắng sinh ra từ bùn, nước, lớn lên, vươn khỏi nước, không bị nước thấm. Đức Phật được sinh ra và lớn lên trong đời, đã chinh phục đời, không bị nghiệp đời làm cho thấm ướt”. Về mục đích và giá trị, sự có mặt của Đức Phật trên đời này được ghi nhận như sau: “Ta sinh ra đời vì hạnh phúc lớn cho các chúng sinh, vì lòng thương đời và vì phúc lạc lớn cho loài người”.

Các giá trị cốt lõi được Đức Phật đóng góp cho nhân loại là các chân lý mầu nhiệm và đạo đức thanh cao, có khả năng trị liệu, giúp mọi người vượt qua các nỗi khổ và niềm đau, như Đức Phật đã tuyên bố: “Xưa cũng như nay, này các đệ tử, ta chỉ nói lên hiện thực khổ đau và con đường kết thúc khổ đau”.

Để thực hiện sứ mệnh và sự nghiệp chấm dứt khổ đau cho nhân loại, bằng tấm gương của bản thân, Đức Phật kêu gọi các đệ tử của Ngài thể hiện trách nhiệm và cam kết cao quý: “Này các đệ tử, hãy đi nhiều hướng, truyền bá chân lý toàn thiện quãng đầu, toàn thiện quãng giữa, toàn thiện quãng sau, cả văn và nghĩa”.

Để soi sáng chân lý, suốt 45 năm từ lúc giác ngộ đến lúc từ giã cõi đời, vì lòng từ bi, mưu cầu hạnh phúc cho nhân sinh, Đức Phật đã khai sáng và thiết lập truyền thống triết lý mới, có giá trị khép lại khổ đau, mở ra an vui và hạnh phúc. Là bậc Đạo sư vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, “Đức Phật chỉ dẫn con đường giác ngộ, phương pháp điều phục, có khả năng kết thúc khổ đau và đưa đến chứng đắc Niết-bàn ngay trong hiện tại”.

Đức Phật là bậc đạo sư chỉ đường: “Những gì cần dạy, cần làm, Đức Phật đã làm với tâm từ bi lớn”. Trong thời Đức Phật, các thành phần xã hội tiếp nhận chân lý và đạo đức của Đức Phật gồm 8/16 vua, hàng trăm quan văn, quan võ, hàng nghìn đạo sĩ và hàng triệu tín đồ khác tôn giáo tại Ấn Độ tình nguyện trở thành đệ tử của Đức Phật. Nương vào chân lý Phật, suốt 26 thế kỷ qua, bằng con đường minh triết, xây dựng hòa bình, hòa hợp để cùng phát triển, từ ánh sáng Á Châu, hiện nay, đạo Phật đã có mặt tại 5 châu lục, gồm 175 quốc gia và khu vực, với khoảng 800.000.000 tín đồ.

Năm nay, tưởng niệm 3 sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật gồm: sự Đản sinh, sự Giác ngộ và nhập Niết-bàn vô dư, hơn 55.000 Tăng Ni và hàng chục triệu Phật tử cùng tất cả những người có niềm tin Phật pháp tại Việt Nam bày tỏ lòng tôn kính vô biên đối với những đóng góp to lớn của Đức Phật trong việc mang lại hạnh phúc, hòa bình cho nhân loại. Từ thế giới quan không có nguyên nhân đầu tiên; nhân sinh quan lấy con người làm trọng tâm; xã hội quan đề cao bình đẳng, công bằng, dân chủ; đạo đức quan nhấn mạnh bỏ ác, làm lành với động cơ cao quý, cho đến giải thoát quan hướng về mục đích cởi trói tâm khỏi khổ đau và ràng buộc, đạo Phật góp phần xây dựng thế giới Cực Lạc tại nhân gian.

Chủ đề của Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 là “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”, một mặt, thể hiện mối quan tâm của cộng đồng Phật giáo thế giới về các vấn nạn toàn cầu. Mặt khác, giới thiệu các giải pháp Phật giáo nhằm giải quyết các vấn nạn khổ đau của con người, vốn có gốc rễ từ sự tham lam, giận dữ, si mê và cố chấp. Nhân dịp này, Tăng Ni và cộng đồng Phật giáo Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung cùng chia sẻ trí tuệ tập thể và tiếng nói thống nhất về các vấn đề trọng yếu sau đây:

​          1. Sự lãnh đạo bằng chính niệm vì hòa bình bền vững;

​          2. Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững;

​          3. Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu;

​          4. Phật giáo và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

          5. Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững.

​            Dựa vào nguồn văn học thánh điển Pali, thánh điển A-hàm và thánh điển Đại thừa, chúng ta có cơ hội khám phá, chiêm nghiệm và chia sẻ các kỹ năng để giải quyết các vấn nạn của con người qua phương pháp tâm linh gồm bốn bước (Tứ thánh đế). Bước một, thừa nhận các khổ đau là hiện thực. Tránh thái độ phớt lờ, tránh thái độ đào tẩu, tránh thái độ cường điệu.​ Bước hai, truy tìm nguyên nhân khổ đau từ các động cơ gồm tâm tham ái, giận dữ, si mê và cố chấp. Bước ba, trải nghiệm hạnh phúc Niết-bàn bây giờ và tại đây, khi nỗi khổ, niềm đau và nguyên nhân gây tạo chúng đã kết thúc. Bước bốn, thực tập chính đạo gồm ba trụ cột. Trụ cột trí tuệ gồm tầm nhìn chân chính và tư duy chân chính. Trụ cột đạo đức gồm lời nói chân chính, hành động chân chính, nghề nghiệp chân chính và nỗ lực chân chính. Trụ cột thiền định gồm chính niệm hiện tiền và đại định nhất tâm. Phương pháp tâm linh được Đức Phật khám phá và truyền bá là giải pháp hữu hiệu, có khả năng khép lại các vấn nạn nhân sinh ở phạm vi quốc tế, châu lục, quốc gia, vùng lãnh thổ, cộng đồng, gia đình và cá nhân.

Để đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 được kỷ niệm một cách thiết thực, Tăng Ni và Phật tử hãy đề cao tinh thần nhập thế: “Phụng sự nhân sinh, ích đời lợi đạo; sáng soi đạo pháp, hộ quốc an dân”. Nghĩa là, chúng ta cùng noi gương Đức Phật, vì lòng thương tưởng đời, nỗ lực làm những gì tốt nhất có thể, nhằm góp phần xây dựng hòa bình, kết thúc chiến tranh, xóa tan thù hận, khép lại quá khứ, hòa hợp hiện tại, xây dựng tương lai bằng các phẩm chất trí tuệ, từ bi, tha thứ và vô ngã. Trên tinh thần này, cộng đồng Phật giáo Việt Nam tích cực tham gia bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, phát triển đất nước Việt Nam bền vững, môi trường sống ngày càng tốt đẹp hơn, để xứng đáng là người con Phật, kế thừa truyền thống “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam suốt 2000 lịch sử đồng hành cùng dân tộc.

Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

This Post Has 0 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *