Chùa Bằng – Hoàng Mai
Chùa Bằng còn có tên là chùa Linh Tiên. Trong lịch sử, đây từng là một ngôi chùa lớn của vùng đất thủ đô. Chùa tọa lạc thôn Bằng A, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Thời Lê, chùa thuộc xã Bằng Liệt, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam. Chùa ra đời khi nào chưa tra khảo được. Theo Tu Tạo Linh Tiên Tự Bi thì vào năm Hoằng Định 18 (1617), trụ trì chùa là Nguyễn Văn Tông, tự Huệ Nguyên đứng ra vận động hai làng Linh Đường và Bằng Liệt trùng tu chùa và cầu Bến Đại, vì thế có thể chùa đã xây dựng trước năm 1617.
Rất may sau những lần phá rồi trùng tu lại, tại chùa Bằng hiện nay, ngay ở nhà tiền đường của ngôi chùa mới xây dựng cách đây gần nửa thế kỉ, còn giữ lại tấm bia cổ có niên đại giữa thế kỉ XVII. Bia có tên là Linh Tiên tự bi (bia chùa Linh Tiên) được khắc ngày 13/02 năm Thịnh Đức thứ 2 (1654), còn nội dung bài minh thì cho phép người Tiên Du (Bắc Ninh), tự Bảo Ngọc soạn. Có thể nói Linh Tiên tự bi là một trong những bia đá cổ nhất còn lại ở xã Hoàng Liệt.
Qua nội dung bài minh Linh Tiên tự bi, chúng ta biết được từ ngày được xây dựng, chùa Bằng là chùa của xã Bằng Liệt (nay là hai thôn Bằng A và Bằng B thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội). Và ngày từ ngày đầu, chùa Bằng có tên chữ là Linh Tiên tự (cùng tên với chùa Tứ Kì).
Nội dung bài minh nói về việc một vị công thần đại phu tên là Ngô Vĩnh Chú, tự là Chôn Sinh cùng vợ là Lưu Thị Lý, hiệu là Diệu Ninh đã hưng công xây dựng tiền đường, thiên hương, thượng điện chùa Linh Tiên. Ngoài ra, ông bà Ngô Vĩnh Chú còn cúng cho chùa một mẫu ruộng. Vì có nhiều công đức cho chùa, bà Lưu Thị Lý được bia Linh Tiên tự bi ngợi ca như Phật Bà. Về việc này trong bài minh có dòng: “Giá có Đường Tăng lại đi cầu Phật cũng phải khen bà họ Lưu là Phật ở đây”.
Như vậy có thể khẳng định là chùa Bằng hay chùa Linh Tiên được xây dựng vào giữa thế kỉ XVIII và ngay từ đầu đã có tên là chùa Linh Tiên và là chùa của cả xã Bằng Liệt xưa. Từ thời điểm này, ngôi chùa Linh Tiên của xã Bằng Liệt bắt đầu toả ánh linh quang của Phật ra khắp vùng. Không phải ngẫu nhiên mà đến tận đầu thế kỉ XIX, bài minh trên chuông chùa (Linh Tiên tự chung) do vị Đốc học Trấn Nam Định tên là Nguyễn Đăng Sổ soạn tháng Chín năm Minh Mạng thứ 6 (1825) ca ngợi: “Chùa Linh Tiên của xã Bằng Liệt, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, đạo Sơn Nam là nơi danh lam phúc đức nổi tiếng trong rừng thiền một phương từ lâu”.
Đúng là từ lâu, chùa Linh Tiên của xã Bằng Liệt đã có tiếng trong vùng, đặc biệt là trong việc quảng bá đạo Phật. Chỉ sau khi ra đời được 50 năm, chùa Linh Tiên đã góp công xây dựng nên ngôi chùa Quang Ân (Quang Ân tự), nay là chùa Nội của làng Quang (nay thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) ở bên kia sông Tô Lịch. Theo các tài liệu bia kí của chùa thì chùa Quang Ân được xây dựng năm Chính Hoà thứ 15 (1694), đời vua Lê Huy Tông. Nhưng lúc đó, chùa chỉ được làm bằng thanh tre, nứa lá. Mười năm sau, vào năm Chính Hoà thứ 25 (1704) đời vua Lê Huy Tông, vị sư tổ Như Liên trụ trì chùa Linh Quang (một tên mới của chùa Linh Tiên) đã xây dựng cho chùa Quang Ân toà thượng điện và một cột đá thiên hương.
Chùa Linh Tiên của xã Bằng Liệt xây dựng trên một khu đất cao phía Tây Nam rìa làng Bằng A, ngay bên dòng sông Tô Lịch. Từ xưa tới giờ, ngay cổng chùa có một cái cầu mà nhân dân trong vùng gọi là Cầu Quang hay Cầu Quang Bình. Cầu nối giữa hai làng Quang Liệt và Bằng Liệt. Đây quả là một vị trí đẹp, đúng như câu đối của ngôi miếu bên cạnh chùa ngợi ca:
Cấn mạch chuyển lai, Tốn sơn triều tụ chung tú khí
Tô Giang hoàn nhiễu, vượng sinh thuỳ hợp diễn văn can
Tạm dịch:
Mạch từ hướng Cấn chuyển lại, núi từ hướng Tốn chầu về, chung đúc khí tốt.
Sông Tô Lịch quấn quanh vượng khí sinh ra hợp với dòng nước sóng toả khắp nơi
Chắc hẳn chùa Linh Tiên xưa rất lớn. Những người lớn tuổi của làng Bằng A và Bằng B còn nhớ chùa xưa có cái giếng tròn phía trước, đã bị lấp mất khi sông Tô Lịch được mở rộng vào những năm 70 của thế kỉ XX. Chùa có cổng tam quan hai tầng nhìn ra sông Tô Lịch, hiện cũng đã bị phá huỷ, chỉ còn lại dấu tích là nền móng bằng đá. Phía sau tam quan là tầng tầng lớp lớp toà ngang dãy dọc của chùa. Tiếc thay, trong thời gian kháng chiến chống Pháp, để góp phần vào công cuộc trường kì kháng chiến của dân tộc, nhiều đình và chùa của xã Bằng Liệt đã bị phá huỷ trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến. Thế rồi, chỉ sau một thời gian ngắn, vào những năm 50, toà Tam Bảo được nhân dân xã Bằng Liệt xây dựng lại khang trang, to đẹp hơn. Gần đây, nhân dân hai làng Bằng A và Bằng B đã xây lại cổng chùa trên nền cổng tam quan xưa, tu bổ lại những kiến trúc đổ nát, làm thêm tượng, đào ao… Dần dần, ngôi chùa Linh Tiên càng trở nên đẹp hơn để xứng với danh tiếng xưa của mình.
Mặc dù các kiến trúc xưa đã không còn, không ít những hiện vật quý hiếm (trong đó có chuông đồng lớn của chùa) đã bị thất lạc, nhưng một vài tấm bia cổ, chiếc chuông chùa hiện còn và cảnh quan đẹp đẽ của chùa đã khiến cho chùa Linh Tiên hiện nay không hổ thẹn với lời khen xưa: “là nơi danh lam phúc đức nổi tiếng trong rừng thiền”.
This Post Has 0 Comments