Tối ngày 12 tháng 01 năm 2019, nhằm ngày mùng 07 tháng 12 năm Mậu Tuất, chùa Bằng – quận Hoàng Mai – Thành phố Hà Nội kết hợp cùng chùa Hoằng Pháp – Thành phố Hồ Chí Minh trang nghiêm, long trọng tổ chức Đêm hội hoa đăng kỷ niệm 2607 năm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo PL 2562 – DL 2018.
Cách đây gần 3000 năm, tại khu rừng Ưu-lâu-tần-loa, bên dòng sông Ni-liên-thiền ngoại ô thành Vương-xá, nước Ma-kiệt-đà, một con người với sức mạnh phi thường, đã tự thân tìm ra chân lý giác ngộ, chấm dứt hoàn toàn tiến trình sinh tử luân hồi, vĩnh tận mọi trói buộc đau khổ do tham lam, sân hận và vô minh chi phối. Đó chính là Đức Thế Tôn, Chính Đẳng giác, bậc thầy của trời người, Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai. Những lời dạy thánh thiện và cao quý đầu tiên của Ngài, mãi về sau vẫn là phương thuốc màu nhiệm trị lành mọi khổ đau của chúng sinh, đưa con người từ phàm phu lên địa vị giác ngộ.
Hằng năm, cứ vào ngày mùng 08 tháng 12 âm lịch, hàng vạn người con Phật trên khắp năm châu lại nô nức vân tập về các chùa, các tịnh thất hay các đạo tràng để đón mừng sự kiện Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo. Hòa chung với niềm vui đó, tối ngày 12/01/2019 (nhằm ngày 07/12/Mậu Tuất), chùa Bằng (Linh Tiên Tự) đã phối hợp cùng chùa Hoằng Pháp (TP. Hồ Chí Minh) trang nghiêm, trọng thể tổ chức Đêm hội hoa đăng kính mừng kỷ niệm 2607 năm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo PL 2562 – DL 2018.
Quang lâm chứng minh buổi lễ có: Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Đệ nhất Phó Pháp chủ, kiêm giám luật HĐCM GHPGVN, bậc tôn sư của Đạo tràng Pháp Hoa; Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp TW GHPGVN, Trưởng ban tổ chức chương trình; Hòa thượng Thích Quang Nhuận – Phó trưởng ban thường trực Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN; Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ – Ủy viên HĐTS, Phó Ban Hoằng pháp TW GHPGVN, trưởng Ban Hoằng pháp GHPGVN thành phố Hà Nội, cùng chư tôn đức Tăng Ni đến từ các chùa, các tự viện trong và ngoài địa bàn Hà Nội.
Về phía chính quyền có sự hiện diện của: Bà Bùi Huyền Mai – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc Hội thành phố Hà Nội; Bà Nguyễn Kiều Oanh – Phó chủ tịch UBND quận Hoàng Mai; Ông Nguyễn Thế Hùng – Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt; Ông Nguyễn Đình Tuất – Phó chủ tịch UB MTTQVN phường Hoàng Liệt, Bí thư chi bộ Khu dân cư Bằng A, các ông bà lãnh đạo đại diện cho các cơ quan, ban ngành đoàn thể quận Hoàng Mai, phường Hoàng Liệt, cùng với đó là sự tham dự của NSƯT Đỗ Kỷ; NSND Lan Hương và hàng nghìn Phật tử đạo tràng Pháp Hoa các tỉnh thành phía Bắc và nhân dân Phật tử thập phương cùng về tham dự buổi lễ.
Trước khi Đêm hội Hoa đăng chính thức bắt đầu, Đại đức Thích Tâm Hiếu – Chư tăng chùa Hoằng Pháp đã thành kính dâng bài xướng kệ thỉnh chuông cúng dường Tam Bảo nhân ngày lễ trọng đại này. Toàn thể đại chúng đã lắng đọng tâm tư, khép đôi mắt lại để cho tâm được thanh tịnh, lắng nghe âm thanh của tiếng chuông giữa đêm trường tĩnh mịch, trong một không gian đầy linh thiêng, huyền ảo.
Tiếp theo chương trình là lời Diễn văn khai mạc Đêm hội hoa đăng kính mừng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo đầy ý nghĩa của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Trưởng ban tổ chức. Hòa thượng nhấn mạnh: “Bồ Tát Tất Đạt Đa thành đạo – Đây là một sự kiện trọng đại nhất, kỳ vĩ nhất, khó được và khó thấy nhất đã trở thành hiện thực. Bóng tối đêm trường bấy lâu nay bao phủ con người đã bị xua tan, ánh sáng của vầng thái dương xuất hiện. Thông điệp cứu khổ độ đời đã được ban ra từ một con người nay đã thành Phật, do nỗ lực tự thân, và sự hy sinh đầy gian lao thử thách chiến đấu và chiến thắng từ nội tâm đến ngoại cảnh, trải qua nhiều ngày nhiều tháng, giữa rừng sâu núi tuyết trong đơn độc cô liêu: đêm quên ngủ, ngày quên ăn, với đại hùng tâm và đại bi tâm, với chí nguyện độ sinh cao cả…
Có thể nói rằng, hành trình từ lý tưởng, mục đích, lý thuyết cho đến phương pháp và hành động để đạt thành kết quả giác ngộ của đức Thế Tôn đều như thật lý, như thật trí. Sự thành tựu giác ngộ của Ngài đều phù hợp với mọi sự vật đúng như thật…Thông qua ánh sáng của những ngọn nến, Ban tổ chức mong muốn gửi đi thông điệp đoàn kết của Phật giáo đồ trên toàn thế giới, nguyện hết lòng dấn thân cho sự nghiệp trí tuệ, từ bi xây dựng Tịnh độ nhân gian, góp phần xoa dịu đau thương, ổn định xã hội, chấm dứt chiến tranh, thiết lập nền hòa bình bất bạo động ngay tự thân cá nhân mỗi con người. Đồng thời thông qua buổi lễ này, cùng cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, nước nhà hưng thịnh, chúng sinh an lạc, đạo pháp trường tồn. Nguyện cầu cho tất cả mọi người đều được thấm nhuần hồng ân Phật pháp.”
Sau khi chư tôn đức chứng minh cử hành nghi lễ dâng hương, bạch Phật là thời khắc mà toàn thể đạo tràng mong đợi nhất và cũng chính là thời khắc linh thiêng nhất trong đêm lễ, khi Hòa thượng tôn sư Thích Trí Quảng đón nhận ngọn lửa của tình thương và trí tuệ từ bàn Phật, nơi bài trí tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni với đèn hoa rực rỡ, rồi truyền sang cho chư tôn đức hiện tiền như một sự sẻ chia chính pháp rạng ngời, truyền trao mạng mạch Phật Pháp để mạng mạch Phật Pháp đó được lan tỏa khắp muôn nơi, để ai cũng được thấm nhuần chính pháp.
Tiếp đó, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm thảnh thơi bước từng bước chân an lạc, xuống gần hơn với đại chúng để truyền trao ánh sáng của tình thương và sự hiểu biết đó cho đại chúng. Ánh sáng đó lần lượt được truyền trao tới cho hàng Phật tử, rồi lan dần khắp khuôn viên chùa, càng làm cho buổi lễ trở nên linh thiêng, huyền ảo. Những ngọn nến đó còn chiếu rọi vào mỗi trái tim, mỗi tâm thức của chúng sinh đang u mê lầm lạc trong ngôi nhà lửa vô minh giả tạm, đưa chúng sinh trở về với bản tính chân như, về với Phật tính sẵn có trong mỗi con người. Khắp không gian thiền môn tràn ngập ánh sáng ấm áp xua tan đi cái lạnh đêm đông, nguồn ánh sáng đó như phá tan đi màn vô minh si ám, thắp lên ngọn đèn trí tuệ tỉnh thức trong tim mỗi người.
Dưới ánh nến lung linh, huyền ảo, cầm ngọn nến trên tay, hàng vạn con tim đang hòa chung một nhịp đập, đang dâng trào niềm cảm xúc, hướng tâm thành kính, dâng nén tâm hương cúng dàng đức Từ phụ Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật và đón nghe lời pháp nhũ đầy ý nghĩa của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Quảng – Đệ nhất Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN, Tôn sư đạo tràng Pháp Hoa:
“Trong thời Đức Phật còn tại thế thì mỗi đêm đều tổ chức lễ đốt đèn tâm, trong đó tất cả tăng đoàn và Phật tử đều thắp sáng ngọn đèn bên ngoài với mong muốn tâm mình cũng được sáng lên như Đức Phật. Từ đó, có một câu chuyện Đề Bà Đạt Đa dùng thần lực của mình để thổi tắt hết tất cả những ngọn đèn được đốt sáng, nhưng duy nhất có một ngọn đèn của một bà lão ăn mày là không bị tắt. Và Đức Phật đã xác minh cho đại chúng biết rằng ngọn đèn của bà ăn mày tuy nhỏ bé nhưng tâm của bà rất lớn, cho nên không có loài ác ma nào có thể dập tắt được tâm thành của bà đối với Đức Phật. Từ đó, chúng ta mới có truyền thống cứ đến đêm thành đạo của Đức Phật lại tổ chức thắp sáng ngọn đèn này, tiêu biểu cho tấm lòng của chúng ta, niềm tin của chúng ta đối với Đức Phật và niềm tin đó sẽ còn mãi trên thế gian này.
Ngài nói rằng: “Phải trải qua 3 A Tăng Kỳ Kiếp tu hành mới có thể quét sạch được hết tất cả những phiền não nhiễm ô và chỉ khi đó tâm của chúng ta mới trở nên thanh tịnh. Từ tâm thanh tịnh đó mới đi sâu được vào thiền quán, rồi sau đó ngọn đèn tâm của chúng ta mới bừng sáng lên được. Khi bừng sáng lên được thì chúng ta mới thấy được tất cả các pháp đều do duyên sanh. Cho nên thấy được, biết được tất cả mọi việc đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ xảy ra xung quanh chúng ta, điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã chứng được túc mạng minh, thiên nhãn minh và lậu tận minh. Nếu chúng ta không còn phạm phải một sai lầm nào trên trần gian nữa thì lúc đó được gọi là Phật. Dưới Phật là các bậc Bồ Tát và dưới Bồ Tát có các hàng Thanh Văn và Duyên Giác. Chúng ta cũng cần phải nhớ rằng nếu ngọn đèn tâm của chúng ta bừng sáng nhưng nhìn vào lòng người chưa được rõ, sự vật chưa được rõ thì chúng ta ít nhiều vẫn còn phạm phải sai lầm.
Hôm nay chúng ta tiếp nối con đường thắp sáng tâm mình để tránh đi những lỗi lầm trong cuộc sống, nâng cao trình độ, kiến thức của mình, nâng cao đạo đức của mình từng bước đi lên theo các bậc Hiền Thánh và cuối cùng chúng ta cũng nguyện sẽ được như đức Bổn Sư của chúng ta…”
Sau lời đạo từ của Hòa Thượng ân sư, toàn thể đại chúng đã đồng thanh “Y giáo phụng hành”. Với lời khai thị mộc mạc, giản dị và dễ hiểu của Trưởng lão Hòa thượng ban bố cho hàng Phật tử chính là kim chỉ nam cho những người con của đức Thế Tôn vững bước trên con đường tu tập đạt đến giải thoát, giác ngộ.
Sau đó là nghi thức xưng tán Phật và phần ý nghĩa ngày Đức Phật thành Đạo do Đại Đức Thích Tâm Hòa – Chư tăng chùa Hoằng Pháp tuyên đọc. “Sự kiện Phật thành đạo là một thiên tình ca bất tận về tình yêu con người và muôn loài: Đức Phật đã chiến đấu và chiến thắng, trước hết vì tình thương, một tình thương rộng lớn vô bờ bến với tất cả chúng sinh, tất cả các cõi. Vì tình thương tưởng hết thảy mà Ngài thành đạo, và Ngài thành đạo cũng vì tình thương tưởng đó…
… Ngày thành đạo của bậc Chánh Đẳng Giác lại về, nhắc nhở chúng ta, mỗi người đệ tử của Ngài phải phản quan lại mình, phải tinh tấn hơn nữa để có được an lạc, phải thăng hoa trong đời sống tu tập, phải biết dừng lại để soi chiếu nội tâm, tỉnh giác trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh để xây dựng cho mình một cảnh Niết Bàn ngay trong cuộc sống hiện tại”.
Trước khi kết thúc chương trình đêm hội hoa đăng, Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ – Ủy viên HĐTS TW GHPGVN, Trưởng Ban Hoằng Pháp GHPGVN thành phố Hà Nội, đại diện cho Ban tổ chức đã dâng lời cảm tạ lên chư tôn đức chứng minh, cùng toàn thể đạo tràng.
Đêm hội kết thúc trong sự lung linh tỏa sáng, mầu nhiệm diệu huyền của những ngọn nến tỏa chiếu từ tình thương và sự hiểu biết, hòa lẫn trong cung bậc thanh thoát, trầm bổng của tiếng niệm Phật, tiếng du dương, cùng với đó là những khúc mang âm hưởng Phật giáo, ca ngợi Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật trong ngày lễ kỷ niệm trọng đại này – Ngày mà một bậc vĩ nhân đã lên ngôi chính đẳng chính giác.
Hoàng Tuấn – Thành Trung – Diệu Tường – Diệu Bình
This Post Has 0 Comments