Skip to content

  Chùa Hương Hải, còn có tên là Diên Phúc tự, thuộc xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Chùa được đặt tên là Hương Hải, có nghĩa là nước biển thơm bao quanh núi Tu Di trong Kinh Hoa Nghiêm, cũng trùng theo tên của vị Thiền Sư nổi tiếng thời Hậu Lê là thiền sư Hương Hải Minh Châu. Chùa nằm trên một diện tích rộng lớn, có vị trí địa lý khá đẹp, phong cảnh thiên nhiên tươi mát của bờ sông Đuống. Theo Đồng Khánh địa dư chí lược, một bản địa dư cổ cuối cùng của triều Nguyễn thì đất xã Lệ Chi xưa thuộc tổng Cổ Biện, huyện Gia Lâm, phủ Thuận Thành, Bắc Ninh. Xã nằm ngay sát một vùng sông Thiên Đức cũ. Nhưng căn cứ vào cột hương đá còn lại trước sân chùa, dòng chữ trên đá đã phai mờ nhưng kiểu dáng và hình thức trụ đá thời Hậu Lê có thể khẳng định chùa được khởi dựng sớm.

Chùa Hương Hải có kết cấu hình chữ đinh. Các công trình kiến trúc của chùa được quy hoạch tập trung trong một khoảng không gian rộng, mái chùa ẩn hiện dưới tán đa cổ thụ hàng mấy trăm năm tạo cho cảnh quan của chùa thêm sự thâm nghiêm huyền bí. Chùa nhìn về hướng Nam gồm các công trình kiến trúc như nhà Mẫu, nhà thờ Tổ, nhà Tiền đường, Thượng điện. Từ ngoài vào là khu vực vườn chùa bao quanh, qua một sân gạch hẹp dẫn vào khu nhà thờ Tổ và nhà thờ Mẫu. Nhà thờ Tổ và nhà thờ Mẫu là một dãy nhà 5 gian. Nhà xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, loại ngói mỏng mũi nhọn. Các bộ đỡ mái được thống nhất theo kiểu “kèo cầu quá giang, cột trốn”, nền nhà lát gạch, phía trước để cửa ra vào, phía sau để trống thông với nhà Thượng điện. Nội thất chia làm 5 gian, sát tường hồi bên phải xây bệ gạch làm nơi thờ tự, bệ giữa thờ mẫu. Bên trái thờ tượng Tổ đã viên tịch, bên phải đặt các bát hương thờ các vong hồn của những người đã mất gửi vào chùa. Các gian ngoài để trống tạo không gian thoáng rộng cho sinh hoạt cộng đồng. Trang trí trên kiến trúc nhà thờ tổ, nhà thờ mẫu đơn giản, chủ yếu là bào trơn đóng bén.

Tiền đường là một nếp nhà xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói mũi hài cổ. Bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, giữa nóc gắn một biển hình chữ nhật, ghi ba chữ hán cổ “Hương Hải Tự” nghĩa là chùa Hương Hải, hai đầu đốc đắp hình trụ không trang trí. Nội thất chia làm 5 gian, mặt bằng 4 hàng chân, các cột gỗ tròn làm kiểu thượng thu hạ thách đặt trên các hàng chân tảng bằng đá hình trụ tròn miệng loe. Các vì giữa đỡ mái nhà làm kiểu thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ bẩy hiên. Hai vì đầu hồi kiểu “kèo cầu quá giang” gác trực tiếp lên tường bổ trụ, mái phân “thượng tam, hạ ngũ”. Trang trí trên kiến trúc nhà tiền đường tập trung chủ yếu trên hai bức cốn nách gian giữa, mặt trong trang trí chạm nổi, chạm lộng các đề tài tứ linh quần hội, mặt ngoài trang trí hoa văn hình học.

Thượng điện là một nếp nhà 3 gian chạy dọc về phía sau tạo thành hình chữ đinh, hồi phía trước nối với gian giữa nhà tiền đường. Trang trí đơn giản chủ yếu là bào trơn, đóng bén, kẻ soi. Cách bài trí tượng thờ tại tòa tam bảo. Nhìn chung việc bài trí vẫn tuân thủ chặt chẽ theo nguyên tắc nghiêm ngặt của giáo lý nhà Phật.

Từ ngoài vào sát tường hồi nhà tiền Đường, bên phải đặt tượng ĐứcThánh Hiền, hai bên là Diệu Nhiên và Đại Sỹ. Bên trái đặt ban thờ Đức Ông, hai bên là hai ông Tả, Hữu. Dọc hai bên sát tường hồi thượng điện là bộ tượng Thập Điện Diêm Vương. Sát tường hậu thượng điện bên trái là tượng Quan Âm tọa sơn, bên phải là tượng hậu.

Tam bảo phật được xây bệ cao dần từ ngoài vào làm nơi tọa lạc cho các pho tượng phật và bồ tát. Lớp trên cùng là bộ tượng Tam thế thường trụ diệu pháp thân, đặc trưng cho sự tồn tại của nhà phật trên trục thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai. Lớp thứ hai là tượng A Di Đà tam tôn. Lớp thứ ba: Ngồi giữa tượng vua cha Ngọc Hoàng, hai bên là Phạm Thiên, Đế Thích. Lớp thứ tư là tượng Thích Ca sơ sinh đứng trong tòa Cửu Long.

Trải qua thời gian dài tồn tại chùa Hương Hải còn bảo lưu được một số di vật đa dạng về số lượng và chủng loại gồm 8 bức hoành phi sơn son thiếp vàng, 3 câu đối sơn son, 30 pho tượng tròn, 1 pho tượng tổ, 3 pho tượng mẫu, 20 pho tượng phật, 1 quả chuông đồng đúc năm Thiệu Tự nguyên niên(1841), 1 cây hương đá, 8 bát hương sứ gốm da lươn, 5 bát hương xứ men trắng vẽ lam ngoài ra còn nhiều đồ thờ tự khác. Trên quả chuông đồng tại chùa còn ghi rõ: “Thuận An phủ,  Gia  Lâm huyện, Lệ Chi xã, viên chức hương lão đồng thôn thượng hạ hiệp cùng bản  tự bần tăng 

Thiết nghĩ, đạo tàng ở pháp khí phát ra ở thanh âm, tỏ sự dẫn dụ ở chỗ có đại hồng chung, tiếng vang vang, để vọng cơ huyền vô hình vô tướng mà  hiển được đạo chính giác. Chùa bản hương ta tên là Hương Hải, đồ pháp  bảo  đã đủ đầy, há đâu để chày kình buông bỏ nơi đỗ, tiếng bồ lao im mãi, để cho  Phạm  âm  bị vẳng lặng mà không trù liệu gây dựng lên. Có phải là ý trời  thấu được mà hoàn tất cho được đại nhân  duyên, nên cùng  hội  thập  phương  công  đức cúng thí. Ngày tốt tháng 3 nhuận năm Tân  Sửu (1841), gom được đồng tốt, tập hợp thợ khéo, luyện đúc thành quả phúc tròn đầy, tiếng vàng hội tụ để ngân vang, dựng cành báu treo lên. Đánh cho tiếng vang, người nghe được thì giải hết cả phiền não, tiêu hết nghiệp bến mê. Cái đạo giác thế của đức Phật khì diệu như thế, không phải là trong thanh âm có tiếng Tam muội nên như thế sao!. Đấy là tiếng chuông có thể giải thoát cho lòng người, lập định tuệ tri kiến nên phát thành tiếng đấy ư!. Lời đức Phật nói tốt thay, những điều ta nghe được như vậy, lại theo lời ấy mà soạn bài minh rằng  :

                        Chí đạo nói gì đâu,

                        Không lời mà không lặng.

                        Chí  giáo  nói gì đâu,

                        Là  không  lại là sắc.

                        Chuông  kia là pháp  khí,

                        Định  tuệ giải  lòng mê.

                        Pháp khí  là âm thanh,

                        Mở muôn vạn hành   thức.

                        Suy  cho rộng đạo mầu,

                        Công đức thật vô lượng.

                        Đến tất cả mọi vật,

                        Muôn nghìn ức nhân thiên.

Ngày tốt tháng 3 nhuận năm Thiệu  Trị  thứ 1 (1841).

Chùa Hương Hải hiện còn lưu giữ một hệ thống tượng tròn, trong đó có nhiều pho tượng được tạo tác vào thời lê, đầu thời Nguyễn như tượng A Di Đà Tam thế, cây hương đá… Những di vật văn hóa hiện còn trong chùa cùng với diện mạo kiến trúc là một minh chứng về nguồn gốc lịch sử, sự biến động thay đổi của ngôi chùa trong lịch sử dân tộc.

Trong thời kỳ kháng chiến, trên địa bàn huyện Gia Lâm không ít những di tích lịch sử đình chùa từng là nơi lưu trú, nuôi dưỡng cán bộ Việt Minh. Chùa Hương Hải cùng với đình  thôn Chi Đông đã trở thành một địa chỉ đỏ, là nơi liên lạc của cách mạng. Cây đa cổ thụ hiện còn đã chứng kiến nhiều phen truy càn của Thực dân Pháp, đã rủ cành rậm rạp che dấu cho cán bộ của ta thoát khỏi sự săn đuổi của kẻ thù. Nhiều người đã hi sinh anh dũng, nhưng tinh thần cách mạng của các đồng chí, mãi mãi như cành đa gò Mái Dậm muôn đời tỏa bóng, tô thắm truyền thống cách mạng của nhân dân Chi Đông.

Cùng với đình Chi Đông, chùa Hương Hải đã được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1996.

Theo ditichlichsu-vanhoahanoi.com

This Post Has 0 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *