Skip to content

Nằm cách trung tâm Hà Nội 20 km về phía Tây Nam, chùa Linh Thông tọa lạc trên núi Phượng Hoàng – thôn Ninh Sơn – Thị trấn Chúc Sơn – huyện Chương Mỹ – Thành phố Hà Nội. Chùa có tên chữ là Linh Thông tự, do được xây dựng trên đỉnh núi, nên nhân dân địa phương thường gọi là chùa Cao Ninh. Nơi đây hội tụ đầy đủ các yếu tố đắc địa theo thuật phong thủy. Bên trái chùa có Thanh Long là dòng sông Đáy hiền hòa thơ mộng dẫn khí lành, bên phải có Bạch Hổ là dãy núi So Sở quanh co uốn lượn truyền mạch tốt, phía trước có Minh Đường là núi Hỏa Tinh làm án, đằng sau có Hậu Chẩm là núi Tử Trầm làm chỗ dựa. Cho nên có thể gọi là “cảnh thắng Nam thiên danh tiêu Tây địa” vậy.

Nói đến lịch sử của chùa thì không thể biết chính xác chùa được xây dựng vào năm nào, bởi trải qua năm tháng chiến tranh loạn lạc, những hiện vật của chùa đã bị thất lạc hết. Tuy nhiên trong sách Thiền Uyển Tập Anh, mục nói về Thiền sư Ngộ Ấn – Đời thứ tám dòng thiền Vô Ngôn Thông có ghi: “Thiền sư Ngộ Ấn (1020 – 1088), người Tư Lý, hương Kim Bài, họ Đàm, tên Khí….Đến năm lên mười, Thiền sư theo học Nho, học vấn ngày một tăng tiến, giỏi cả chữ Hán và chữ Phạn. Năm mười chín tuổi xuất gia, sau khi thụ giới Cụ Túc, Ngài tinh cần nghiên cứu kinh điển, thông tỏ cả hai bộ kinh là Viên Giác là Pháp Hoa. Sau khi được Thiền sư Quảng Trí ở chùa Quán Đỉnh truyền tâm ấn, Thiền sư bèn đến núi Ninh Sơn – phủ Ứng Thiên kết am tranh làm chỗ ở, lấy hiệu là Ngộ Ấn…

Núi Ninh Sơn – phủ Ứng Thiên xưa nay chính là núi Phượng Hoàng – thôn Ninh Sơn – huyện Chương Mỹ – Thành phố Hà Nội. Qua đó có thể khẳng định rằng: Chùa được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XI, Thiền sư Ngộ Ấn – Đời thứ 8 dòng thiền Vô Ngôn Thông  là Tổ sư khai sáng.

Ban đầu chùa chỉ là một am tranh nhỏ, về sau do công đức tu hành và danh tiếng của Thiền sư nên chùa được xây dựng, mở mang để đáp ứng nhu cầu tham học Phật Pháp của Tăng Ni – Phật tử xa gần và trở thành trung tâm văn hóa tín ngưỡng của cả vùng.

Kiến trúc của chùa được xây dựng theo kiểu ” Nội công ngoại quốc”, với vật liệu chính là gỗ lim, tường xây bằng gạch Bát Tràng, mái lợp ngói mũi hài. Trung tâm là Đại Hùng Bảo Điện, xây hình chữ Công, theo lối thu hồi bít đốc. Trong chính điện, phía trước là tòa Tam Bảo, trên cùng là tượng tam thân Phật (Pháp thân, Báo thân và Ứng Hóa thân), lớp thứ hai là tượng Tây Phương Tam Thánh (Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Âm và Bồ Tát Thế Chí), lớp thứ ba là tượng Phật Thích Ca và hai vị Thị giả A Na – Ca Diếp, lớp thứ tư thờ tượng Quán Âm Thiên Thủ, lớp dưới cùng là tòa Cửu Long với hai bên là trời Đế Thiên – Đế Thích; hai bên Tiền đường, bên phải thờ đức Thánh Hiền, bên trái thờ Thập Bát Long Thần. Hậu cung thờ đức Thánh Văn Xương Đế Quân. Hai bên sườn có mười bức phù điêu Thập Điện Diêm Vương (đã bị mất cắp chín bức, nay còn lại một bức). Đằng sau chùa là nhờ thờ Tổ, thờ chư vị lịch đại Tổ sư của chùa. Bên trái là nhà tiếp khách, bên phải là điện thờ Mẫu.

Từ khi phát tích đến nay trải qua gần 1000 năm lịch sử, với biết bao biến cố thăng trầm cùng vận mệnh dân tộc, chùa đã qua nhiều lần trùng tu, nhưng qua những tấm bia đá còn sót lại, chỉ biết được hai lần trùng tu.

Đại trùng tu lần thứ nhất: Trải qua mấy trăm năm tồn tại, chùa bị xuống xấp nặng nề, nên đến năm thứ 23 – niên hiệu Cảnh Thịnh triều đại Hậu Lên (1763), trụ trì chùa lúc đó là Tăng phó Hải Hương đã cùng với nhân dân địa phương thỉnh Bản sư là Thiền sư Tính Tuệ – trụ trì chùa Ngũ Phúc về hưng công trùng tu. Tại lần trùng tu này chùa vẫn được giữ nguyên theo lối kiến trúc cũ.

Đại trùng tu lần thứ hai: Do Thiền sư Tâm Huy, vốn là người bản địa, hưng công trùng tu vào năm thứ 24 thời vua Tự Đức triều Nguyễn (1824). Tại lần trùng tu này chùa cũng vẫn giữ theo kiến trúc cũ. Đường dốc từ chân núi lên chùa được kè thành bậc bởi hàng trăm tấm đá tảng.

Đại trùng tu lần thứ ba: Trải qua những thời kỳ chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, chùa không có sư trụ trì, không được duy tu bảo quản nên bị xuống cấp nghiêm trọng. Hơn nữa, chính quyền và nhân dân địa phương đã lên phá dỡ các công trình của chùa về làm nhà kho, trại chăn nuôi của hợp tác xã, chỉ để lại ngôi Tam bảo và nhà thờ Tổ cũ nát.

Đến đầu năm 2006, chùa được hưng công trùng tu xây dựng lần thứ ba. Lần trùng tu này tổng thể của chùa được quy hoạch, xây dựng lại toàn bộ. Ngôi Đại Hùng Bảo Điện vẫn duy trì theo hình chữ Công, nhưng làm chồng diêm tám mái, có hiên chạy xung quanh chùa và vật liệu chính là bê tông cốt thép, mái lợp ngói mũi hài. Đồng thời với việc xây dựng Chính điện thì các công trình khác như đúc Đại hồng chung, nhà khách, điện thờ Mẫu, nhà thờ Tổ, lầu chuông, lầu trống và các công trình phục vụ sinh hoạt cũng  được tiến hành xây dựng, khôi phục lại.

Trải qua gần một ngàn năm lịch sử, với biết bao biến cố thăng trầm, nhưng ngày nay chùa Linh Thông vẫn sừng sững uy nghiêm giữa mây trời lồng lộng. Đóng góp phần không nhỏ cho nền văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc, khẳng định sức sống âm thầm dẻo dai, bền bỉ của đạo Phật trong lòng dân tộc.

 

This Post Has 0 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *