Chùa Nghi Tàm – Tây Hồ
Chùa Nghi Tàm tên chữ là Kim Liên tự, có từ thế kỷ 17, được dựng trên dải đất của làng Nghi Tàm, bên bờ hồ Tây, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ. Du khách có thể theo đường vành đai phía bắc Hà Nội (dọc đê sông Hồng), đến Nghi Tàm thì rẽ xuống ngõ 1 phố Âu Cơ là đến chùa.
Tương truyền nơi dựng chùa là nền cũ của cung Từ Hoa có từ đời Lý. Nguyên công chúa Từ Hoa, con gái vua Lý Thần Tông (thế kỷ 12) đã đem cung nữ tới khu vực này trồng dâu, nuôi tằm, mở ra trại Tàm Tang. Trại này sau đổi tên là phường Nghi Tàm.
Theo tấm bia hiện còn trong chùa do Bùi Huy Cận soạn năm 1868 thì chùa vốn có tên là Đại Bi, do vợ chồng ông Nguyễn Thế Hựu là người phường này xuất tiền xây dựng vào năm 1631. Bảy năm sau, nhân dân góp công để mở rộng thêm khu chùa. Đến năm 1771, chúa Trịnh Sâm sai bọn Huy Đĩnh dỡ chùa Bảo Lâm ở phía tây kinh thành về tu bổ lại chùa này và đổi tên chùa là Kim Liên.
Tam quan chùa Kim Liên là một công trình kiến trúc hết sức độc đáo, trông như bông sen đang độ nở trên mặt nước Tây Hồ bốn mùa sóng phủ. Các chi tiết trên gỗ đều được chạm nổi, chạm lộng hình rồng, hình hoa lá tinh xảo, uyển chuyển. Đầu đao mái uốn cong, gắn hình tứ linh bằng gốm nung. Ba chữ sơn son “Kim Liên Tự” nghĩa là “Chùa sen vàng” nằm ở chính giữa cửa chùa.
Từ Tam quan vào chùa, du khách phải đi qua một cái sân rộng. Tại sân này hiện còn lưu giữ tấm bia đá cỡ 0,8×1,2m, có nhiều hình chạm nổi rất đẹp. Theo các nhà nghiên cứu, đây là một trong những tấm bia cổ còn lại ở Hà Nội, được dựng vào năm Thái Hoà thứ nhất, đời vua Lê Nhân Tông năm 1443.
Diện mạo chùa như hiện nay là do lần trùng tu vào năm 1792 với bố cục theo kiểu chữ “tam”, gồm ba nếp nhà chạy song song nhau. Ba nếp nhà đều có hai tầng mái theo kiểu chồng diêm, ngói vảy, đầu đao bằng gỗ mềm mại, chạm khắc tinh xảo. Nhìn từ phía hông chùa, hai tầng mái toả ra bốn phía với 24 lá mái cao vút vươn lên không trung tạo ra 24 đầu đao, phô diễn sự tài tình trong kiến trúc của người xưa.
Chùa Kim Liên hiện còn nhiều tượng đẹp như: bộ tượng Tam Thế, bộ tượng A-di-đà, Quan Thế Âm… chứa đựng giá trị nghệ thuật cao. Kiến trúc có rất nhiều điểm giống chùa Tây Phương (Hà Tây).
Trong chùa còn có một pho tượng quý khiến giới sử học hết sức quan tâm đó là pho tượng có hình dạng như một người trung niên, râu ba chòm, mình mặc áo cà sa, tay cầm hốt, đầu lại đội mũ miện. Có thuyết bảo đó là tượng chúa Trịnh Giang hoặc chúa Trịnh Sâm. Nhưng cũng có người cho rằng đó là tượng của một vị hòa thượng coi giữ chùa nguyên là nội thị trong phủ chúa Trịnh. Ngoài pho tượng này (có cách đây hơn hai trăm năm), ở gian giữa chùa có bức hoành phi “Hoằng Ẩn” (có nghĩa là: Đạo lý sâu sắc và rộng rãi) làm vào năm 1870. Còn hoành phi “Liên hoa hải hội” (có nghĩa là: Cảnh sum vầy vui đẹp ở nước Phật) thì mới được làm năm 1930.
This Post Has 0 Comments