Chùa Phùng Khoang tên gọi theo địa danh của làng Phùng Khoang, tên chữ của chùa là Thanh Xuân tự, đây là một di tích cổ có từ trước năm 1623. Chùa nằm ngay sát cổng làng Phùng Khoang, trong khuôn viên rộng khoảng 5.880m2, thuộc xã Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Làng Phùng Khoang xưa kia là những cánh đồng trải dài thẳng cánh cò bay, đất màu mỡ, trù phú nên trong dân gian có câu ví “Tiền làng Mọc, thóc làng Khoang”. Ngày nay, làng Phùng Khoang đã đô thị hoá hết nhưng một số công trình kiến trúc đẹp như đình, chùa và nhà thờ cũ dường như không hề bị biến đổi, tất cả đều giữ được những nét cổ kính từ đời này qua đời khác. Nổi bật giữa khung cảnh làng quê bình yên, thơ mộng là di tích chùa Phùng Khoang với một kiến trúc rất độc đáo.
Chùa Phùng Khoang là một trong những công trình kiến trúc có quy mô to lớn và theo ý nghĩa của người xưa nó có tầm quan trọng ảnh hưởng tới sự tín ngưỡng, tôn giáo tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc. Trong đó, chùa Phùng Khoang là hợp thể của các đơn nguyên kiến trúc như: tam quan gác chuông, toà tam bảo, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu và tăng phòng.
Nhìn một cách tổng thể từ ngoài vào, chùa Phùng Khoang được xây dựng theo hướng Đông Nam, trước mặt chùa là một cái sân rộng và một hồ nước quanh năm trong xanh, dịu mát, có cầu dẫn ra toà thuỷ đình. Tiếp đến là tam quan gác chuông. Tam quan chùa được xây hai tầng đơn giản, tầng một là nơi để cho bà con nghỉ chân, sắp xếp lễ dâng lên chùa và là nơi tiếp khách. Trong gian bên phải cạnh chân cầu thang có tấm bia hậu Phật cao 0,9m, rộng 0,6m dựng năm Chính Hoà thứ 13 (1692) cho biết làng này xưa kia có tên là làng Phùng Quang, xã Nhân Mục Môn. Tầng hai là gác chuông, hiện nay trên gác chuông đang treo quả chuông đồng khá lớn, đúc năm Gia Long thứ 12 (1813).
Qua Tam quan gác chuông là một khoảng sân lát gạch đỏ dẫn đến bậc thềm của toà tam bảo năm gian, được xây dựng trên cơ sở nền tảng kiến trúc cổ, kết cấu kiểu chữ “đinh”. Hầu hết ở những vị trí chính, các thức gỗ, vì kèo của tòa tam bảo được bào trơn đóng bén, soi gờ chạy chỉ khá đơn giản.
Gian giữa toà tam bảo lắp cửa gỗ, chạm khắc hoa lá, hai gian bên lắp cửa bức bàn. Phần thượng điện ba gian, có hai bộ cửa võng chạm trổ hoa quả, chim chóc, phượng múa… khá đẹp. Nối liền hai nhà đại đình và hậu cung là nhà cầu với năm bức nghi môn, dưới là hoành phi ca ngợi cảnh chùa, đạo Phật. Hệ thống hoành phi, câu đối rất lớn với 29 câu đối, 23 hoành phi gỗ, 4 cuốn thư sơn son thiếp vàng, 24 pho tượng Phật, Tổ, Mẫu và 1 tượng công chúa Ngọc Nga. Tất cả đều tạo tác theo phong cách nghệ thuật khá tiêu biểu của thế kỉ XIX.
Trang trí kiến trúc chùa Phùng Khoang không dừng lại ở việc sử dụng các họa tiết thực vật, mây hay các con thú trong nhóm tứ linh, mà môtip trang trí được các nghệ nhân chế tác tinh tế, khéo léo trở thành nét nhìn mới mẻ về các họa tiết truyền thống. Bên cạnh những họa tiết trang trí chữ Hán mang tính truyền thống được sử dụng hầu hết ở các cột, nghệ nhân còn sử dụng nhiều họa tiết chạm khắc hiện đại như hình lưỡng long chầu phượng, quý – mai, lan cúc, trúc hoặc hoa sen… đều là biểu trưng cho tinh thần tịnh độ của Phật pháp. Trong cùng một không gian tâm linh trầm mặc, việc sử dụng phức hợp các hình thức trang trí truyền thống và hiện đại đã giúp cho kiến trúc chùa trở nên hài hòa, gần gũi hơn với người dân khi vãn cảnh, đồng thời nó còn thể hiện sự giao thoa giữa trang trí kiến trúc truyền thống và trang trí kiến trúc hiện đại.
Nhà Tổ được xậy dựng ở bên cạnh tòa tam bảo, bên trong thờ ba vị sư tổ của chùa. Nhà Hậu, nhà Mẫu được xây muộn hơn. Xung quanh và phía sau là các cây xanh. Chùa gần đây lại được trùng tu và làm thêm một thuỷ đình trên hồ bán nguyệt với pho tượng Quan thế âm Bồ Tát đứng bên trong.
Chùa Phùng Khoang hiện giữ được 6 tấm bia đá và 3 chuông đồng lớn niên hiệu Gia Long 12 (1813), Tự Đức 31 (1878), Tự Đức 34 (1881). Ở toà tam bảo còn tấm bia “Trùng tu Thanh Xuân tự bi ký” dựng năm Tự Đức thứ 31 (1878) và một tấm bia trùng tu nữa dựng năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) do Phó bảng Đỗ Huy Điền, người làng Tây Mỗ viết văn bia.
Với giá trị về lịch sử và kiến trúc cổ, chùa Phùng Khoang đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hóa ngày 2/10/1991.
Theo ditichlichsu-vanhoahanoi.com
This Post Has 0 Comments