Skip to content

  Chùa làng Xã Đàn, tên chữ là Kim Yên Tự, nằm trên đất thôn Xã Đàn, nay là ngõ Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Làng cổ này mang tên từ ngôi đàn Xã Tắc được lập từ thời Lý Thái Tông (1048) để tế Hậu Thổ và Thần Nông. Nay vẫn còn trong chùa một quả chuông đồng đúc từ thời Nguyễn, cao 1m, chu vi 1,6m, có ghi rõ “phường Xã Đàn, tổng Vĩnh An, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội”.

Trong chùa có thờ Bảo Hoa công chúa, tương truyền là chị của tể tướng Lý Thường Kiệt và đã cùng ngài phá Tống, bình Chiêm. Triều đại Tây Sơn có ghi công lao của bà bằng một sắc phong mang niên hiệu Cảnh Thịnh thứ tư (1796). Bà mất ở khu đền Cây Si và nhân dân đã lập bà làm thành hoàng làng. Sau khi đền bị phá, việc thờ tự được chuyển vào nhà Mẫu của chùa Xã Đàn. Mỗi năm vào ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch, dân Xã Đàn lại làm giỗ để tưởng niệm bà.

Sách Việt sử thông giám cương mục soạn dưới thời Nguyễn viết “Cùng với quá trình xây Thăng Long, vào năm 1048 dưới triều Lý Thái Tông, đàn Xã Tắc đã được dựng ở phía tây nam kinh thành mà hiện nay dấu tích vẫn còn thấy rõ ngay bên chùa Xã Đàn”. Ngày 9-1-1990 chùa được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Tấm bia đá cổ nhất trong chùa mang niên đại Quang Thiệu thứ 5 (1520) được khắc dưới đời vua Lê Chiêu Tông (1516 -1522), cho biết chùa được dựng từ xa xưa. Lại còn tấm bia năm Vĩnh Trị nguyên niên (1676) ghi việc sửa gác chuông và tấm bia năm Chính Hòa (1699) ghi việc sửa chùa. Tấm bia cuối cùng có niên đại Thành Thái 14 (1902). Hiện vật quý khác nằm ở cạnh giếng chùa là cột đá dài hơn 1m, một tạo tác văn hóa chỉ thấy xuất hiện vào thời Lý.

Ngoài cột đá cổ, dấu vết xưa nhất của chùa là các viên gạch vồ của thế kỷ 15-16. Các công trình kiến trúc chính gồm có: tam quan, chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách và vườn tháp mộ, đều mới được tôn tạo mở rộng trong một khuôn viên lớn. Tam quan cũ đã bị nhà dân bít kín, tam quan mới xây gồm 2 tầng 8 mái giả, quay hướng đông. Chùa chính có hình chuôi vồ, mặt quay hướng đông-nam, tiền đường rộng 5 gian. Năm bộ vì của thượng điện 4 gian có 3 dạng kết cấu khác nhau: vì ván mê, vì chồng rường giá chiêng, vì chồng rường con nhị.

Nhà Tổ có 6 pho tượng thờ các vị sư trụ trì đã mất, gồm 4 gian xây ghép vào phía tường mặt bắc của hậu cung. Nhà Mẫu cũng xây liền với hậu cung, trong thờ tượng Bảo Hoa công chúa ngồi trên ngai rồng. Treo cao là bức hoành phi đề 4 chữ Hán “Nữ trung hào kiệt”. Trong chùa còn nhiều pho tượng Phật giáo được tạo tác vào thế kỷ 18 và đầu TK 19.

Chùa làng Xã Đàn được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1990.

Theo ditichlichsu-vanhoahanoi.com

 

This Post Has 0 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *