Skip to content

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM VÀ PHẬT GIÁO THỦ ĐÔ HÀ NỘI

30 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

                                                                                                HT. Thích Thiện Nhơn

                                                                                                               Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN

Bằng tinh thần đoàn kết hòa hợp của người con Phật trong hơn 2000 năm hiện diện trên đất nước Việt Nam thân yêu, hòa mình, đồng hành cùng dân tộc trong sứ mệnh hộ quốc an dân, tốt đời đẹp đạo, vô ngã, vị tha, bình đẳng, giác ngộ của Đạo Phật, tháng 5 năm 1951, tại chùa Từ Đàm lịch sử, Chư Tôn Giáo phẩm, Cư sĩ Phật tử ba miền đất nước quy tụ về Cố đô Huế, tham dự Đại hội thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Quý Hòa thượng Thích Tuệ Tạng, Hòa thượng Thích Mật Ứng, Hòa thượng Thích Giác Nhiên, Hòa thượng Thích Đạt Thanh đã được Đại hội cung thỉnh làm Chứng minh Đạo sự. Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội chủ Tổng hội. Đến tháng 9 năm 1952, tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội, trái tim của Tổ quốc Việt Nam, lại là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam Đại hội thành lập Giáo hội Tăng già Toàn quốc Việt Nam. Đại hội quy tụ Chư Tôn Giáo phẩm Tăng Ni ba miền đất nước tham dự Đại hội. Đại hội suy tôn Hòa thượng Thích Tuệ Tạng lên ngôi vị Thượng thủ GHTGTQVN, Hòa thượng Thích Trí Hải làm Trị sự Trưởng. Kể từ đó, Phật giáo Việt Nam có hai tổ chức hoạt động trong phạm vi cả nước. Giáo hội Tăng già Toàn quốc Việt Nam đặt trụ sở tại Chùa Quán Sứ – Hà Nội. Trụ sở Tổng hội Phật giáo Việt Nam đầu tiên đặt tại Chùa Từ Đàm – cố đô Huế, từ năm 1956 – 1958 đặt tại chùa Ấn Quang, từ năm 1958 – 1962 đặt tại chùa Xá Lợi – Sài gòn và hai tổ chức đã hoàn thành trách nhiệm lịch sử khi Hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam được thành lập năm 1958 tại Hà Nội và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời năm 1964 tại Sài gòn.

Sau khi đất nước bị phân chia năm 1954, các tổ chức Giáo hội cũng bị phân tán và hoạt động theo từng thể chế, nhưng trong tâm tư Tăng Ni, Phật tử Việt Nam lúc nào cũng mong muốn có ngày đoàn tụ, hợp nhất với nhau trong ngôi nhà chung, dưới tên gọi chung là Phật giáo Việt Nam.

Qua bao ước vọng đã trở thành sự thật. Ngày 30/4/1975 lịch sử, nước nhà thống nhất, dĩ nhiên Phật giáo Việt Nam cũng tái thống nhất theo xu thế mới, thời đại mới, đáp ứng nguyện vọng thống nhất Phật giáo Việt Nam từ 2000 năm nay của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.

Thế thì, cũng tại ngôi Chùa lịch sử – Chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội lại một lần nữa đứng ra đảm nhận vai trò lịch sử của mình, là nơi diễn ra Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam mang tính trọn vẹn và đầy đủ nhất từ ngày 04 – 07/11/1981. Đại hội quy tụ 165 đại biểu đại diện cho các tổ chức Phật giáo đang sinh hoạt tại Việt Nam: Hội thống nhất Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, Giáo hội Thiên Thai Giáo Quán, Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước, Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước Tây Nam bộ, Hội Phật học Nam Việt. Đại hội thông qua Hiến chương, chương trình hoạt động của GHPGVN. Suy tôn Hội đồng Chứng minh, do Hòa thượng Thích Đức Nhuận làm Pháp chủ. Suy cử Hội đồng Trị sự do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự – nhiệm kỳ 1, đầu tiên của GHPGVN. Trong lời Diễn văn khai mạc Đại hội, Hòa thượng Trí Thủ – Trưởng ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên trong 2000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, một Đại hội diễn ra tại ngôi chùa lịch sử, Thủ đô Hà Nội. Đại hội quy tụ đầy đủ các Hệ phái Phật giáo Nam tông, Bắc tông, Phật giáo Khmer, Phật giáo Khất sĩ, Phật giáo Người Hoa, đầy đủ các giới Tăng, Ni, Cư sĩ, già trẻ tại Hội trường trang nghiêm rực rỡ, với quyết tâm sắt đá xây dựng thành công ngôi nhà GHPGVN…”.

Qua 30 năm thành lập, phát triển, đồng hành cùng dân tộc, GHPGVN đã thành lập được 58 đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo; có 46.495 Tăng Ni; 14.788 cơ sở Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường sinh hoạt trong lòng Giáo hội. Có 04 Học viện Phật giáo Việt Nam, đã đào tạo 4.826 Tăng Ni tốt nghiệp Cử nhân Phật học, đang đào tạo 1.684 Tăng Ni; 08 Lớp Cao đẳng Phật học, có 1.056 Tăng Ni tốt nghiệp, đang đào tạo 690 Tăng Ni; 31 Trường Trung cấp Phật học, đã đào tạo 7.315 Tăng Ni, đang đào tạo 2.611 Tăng Ni sinh và gần 50 Lớp Sơ cấp Phật học, có gần 2000 Tăng Ni sinh theo học. Có hàng trăm đạo tràng,các lớp giáo lý của Cư sĩ Phật tử sinh hoạt; Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Tạp chí Nghiên cứu Phật học Khuông Việt, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, Tập văn Phật giáo, Tạp chí Phật giáo Nguyên thủy, Tập văn Nội san Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, Báo Giác ngộ v.v… đã in ấn, phát hành đều đặn, đã xuất bản hàng ngàn bản trong 30 năm qua.

Các đoàn khách Quốc tế cũng đã đến thăm hữu nghị Giáo hội, tiếp và tham dự hàng chục Hội nghị, Hội thảo trong nước và nước ngoài, đồng thời là thành viên sáng lập các tổ chức Quốc tế như Hội Phật tử Châu Á vì hòa bình, Hội đệ tử Như Lai Tối thượng, Hội Phật giáo Tăng già Truyền bá Chính pháp, Ủy ban Tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc, Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Phật giáo thế giới, Hội Nữ Phật giáo Thế giới v.v… Công tác từ thiện xã hội đạt 2.020 tỷ đồng, trao tặng hàng ngàn ngôi nhà tình thương, tình nghĩa; đắp hàng trăm km đường nhựa, đường bê tông, hơn 200 cây cầu được bắt qua sông ngòi, kinh rạch trong cả nước; tham gia Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong nhiều khóa như Quý Hòa thượng Thích Thế Long, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Kim Cương Tử, Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Hòa thượng Thích Hiển Pháp, Hòa thượng Dương Nhơn, Hòa thượng Danh Nhưỡng, Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Hòa thượng Thạch Huônl, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, TT. Thích Thanh Quyết…

Với Phật giáo Thủ đô Hà Nội, đã đồng hành và phát triển trong sự phát triển chung của GHPGVN, có những điểm thuận lợi, ưu thế như: Nơi đặt trụ sở Trung ương GHPGVN, có Học viện Phật giáo Việt Nam, có Bảo tàng Phật giáo Việt Nam, có Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, có Lớp Cao đẳng, Trung cấp Phật học đã đào tạo hàng trăm Tăng Ni có trình độ Đại học, Cao đẳng và Trung đẳng Phật học, hàng chục Tăng Ni sinh du học nước ngoài thành tài đạt đức trở về Thủ đô phục vụ GHPGVN và Thành hội Phật giáo cùng với nhiều hoạt động Phật sự khác, Đại hội Phật giáo toàn quốc tại Cung văn hóa Thủ đô Hà Nội qua 5 nhiệm kỳ, góp phần thành công cho Đại hội. Đặc biệt, đồng bộ kết hợp tổ chức thành công các Lễ hội Phật giáo như Đại lễ Phật hoàng Trần Nhân Tông, Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc, Quốc sư Khuông Việt, 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Lễ kỷ niệm các vị Pháp chủ GHPGVN, HT. Thích Trí Hải, HT. Kim Cương Tử v.v…

Kể từ ngày thành lập Thành hội Phật giáo (1984), Quý Hòa thượng Thích Nguyên Sinh, Hòa thượng Thích Tâm Tịch, Hòa thượng Kim Cương Tử, Hòa thượng Thích Thanh Chỉnh, Hòa thượng Thích Thanh Bích, Hòa thượng Thích Thanh Thành, Hòa thượng Thích Mật Trọng, hiện nay do Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm đảm trách với 29 quận huyện thị đã không ngừng phát triển về nhiều mặt qua các hoạt động chuyên môn như Tăng sự, Giáo dục, Hoằng pháp, Văn hóa, Nghi lễ, Từ thiện xã hội, Kinh tế Tài chính, Phật giáo Quốc tế v.v… Với một tiềm năng không nhỏ, có hơn 1500 Tự viện, gần 2000 Tăng Ni và hơn 2 triệu tín đồ Phật tử, là một lực lượng đáng kể trong sự xây dựng và phát triển chung trong cả nước.

Mặt khác, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, đầu mối giao lưu văn hóa và cộng đồng Phật giáo thế giới trong thời kỳ hội nhập, nên vấn đề đoàn kết,  hoạt động đồng bộ, hợp tác, phân nhiệm giữa Trung ương Giáo hội và Thành phố, Sơn môn Pháp phái, các đạo tràng sinh hoạt là điều quan trọng cho sự phát triển bền vững.

Muốn phát triển bền vững, điều căn bản là nhân sự, cần đủ ba lực lượng nhân sự: Lớp người trưởng thượng lãnh đạo tiêu biểu, lớp trung chuyển kế thừa và lực lượng dự bị thông qua công tác Tăng sự và Giáo dục Tăng Ni, đào tạo Tăng tài cho Phật giáo Việt Nam, cho Phật giáo Thủ đô.

Trong công tác Hoằng pháp, với gần 2000 cơ sở Tự viện, là ưu điểm để mở đạo tràng tập trung và truyền thống, đơn lẽ, theo từng đơn vị cơ sở, cung cấp giảng sư Hoằng pháp, thuyết giảng cho lớp giáo lý, các đạo tràng, các khóa tu thường xuyên v.v…. qua một đầu mối quản lý chung.

Đặc thù Phật giáo phía Bắc nói chung, Thủ đô nói riêng, vấn đề thành lập Gia đình Phật tử là rất khó. Do đó, Ban Thanh thiếu niên Phật tử thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử phải tích cực làm việc, dấn thân, tổ chức các câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử Thủ đô, câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử các quận, huyện và câu lạc bộ các Tự viện với một nội dung, chương trình sinh hoạt tu học cụ thể. Phân ban Cư sĩ Phật tử, phụ trách các đạo tràng, các khóa tu, các lớp giáo lý, tạo nhiều điều kiện cho Phật tử Thủ đô sinh hoạt rầm rộ, khí thế và đa dạng phong phú trong chiều kích hoạt động và nội dung tu học đáp ứng mọi nhu cầu khát vọng về Phật pháp của mọi lớp người, thế hệ trẻ già đều lợi lạc, giữ được tiềm năng Phật giáo trong hiện tại và mai sau.

Vấn đề văn hóa rất cần thiết và phát huy. Hiện nay Thủ đô Hà Nội đã có 202 cơ sở được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia, Ban Văn hóa cần có kế hoạch bảo quản tốt. Vì đó là di sản của tiền nhân, của liệt vị tiền bối Tổ sư đã dày công xây dựng. Song song với công tác bảo tồn văn hóa, cần phải có Nôi san Phật giáo Thủ đô – Nội san Vạn Hạnh tôn danhVạn Hạnh Quốc Sư bậc Thầy của Vua Lý Thái Tổ, là người thiết kế bản đồ, định hướng dời đô từ Hoa Lư – Ninh Bình về thành Đại La, thành lập Thủ đô, Thăng Long Hà Nội của Vua Lý Thái Tổ (1010). Nhất là đặt các tên đường như Trung ương Giáo hội đã đề cập là đường Hòa thượng Đức Nhuận – Pháp chủ (Tăng thống) đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của Thủ đô Hà Nội ngày nay.

Với tầm nhìn ra thế giới, Thành hội Phật giáo Tp. Hà Nội cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp đón các đoàn khách quốc tế thăm Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vì Thủ đô Hà Nội là cửa ngỏ của Việt Nam. Do đó, vấn đề ngoại giao cần phải được phát huy nhịp nhàng, đồng bộ giữa Trung ương và Thủ đô, làm cho xứng tầm với ý nghĩa Thủ đô là trái tim của Tổ quốc, là Thủ đô vì hòa bình, hội nhập và phát triển chung cho cả nước và khu vực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội mãi mãi tỏa sáng, vươn cao và phát triển bền vững trong những thế kỷ tiếp theo của nhân loại.

Tóm lại, một chặng đường 30 năm không phải là dài so với chặng đường lịch sử 2000 năm của Phật giáo Việt Nam đồng hành và chan hòa trong lòng dân tộc. Song dấu ấn lịch sử của sự thống nhất Phật giáo theo từng thời đại, thì có giá trị đặc biệt khác nhau, ưu việt khác nhau, nhưng sự ưu việt trong công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam năm 1981 là đặc biệt vì GHPGVN được thành lập trong hoàn cảnh nước nhà đã thống nhất, sự đa dạng và phát triển của các tổ chức Phật giáo Việt Nam trong những thập niên 50 của thế kỷ trước đã đoàn kết hòa hợp, trở thành một tổ chức duy nhất đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, song các truyền thống đúng Chánh pháp đều được duy trì và phát triển trong ổn định và chan hòa trong lòng dân tộc, thực hiện hữu hiệu phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”.

 

 

This Post Has 0 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *