Skip to content

DẪN NHẬP

Khởi nguồn từ Ấn Độ, Phật giáo như một dòng suối thanh lương bất tận, dần dần lan toả sang các quốc gia láng giềng lân cận. Khi du nhập vào mỗi một quốc gia nào, thì Phật giáo đều tuỳ theo điều kiện, tập tục, văn hoá tín ngưỡng của các quốc gia đó mà có những hình thái, cách thức khác nhau để tồn tại và phát triển. Đồng thời tạo ra những sắc thái riêng của từng quốc gia mà Phật giáo du nhập.

Sở dĩ như thế là bởi vì Phật giáo là một thực thể văn hoá, tôn giáo sống động mang một tinh thần khoan dung, cởi mở “ Tuỳ duyên bất biến, bất biến tuỳ duyên”.

Đặc biệt là khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc, một quốc gia có truyền thống văn hoá lâu đời và là một trong những nền văn minh lớn của nhân loại. Đây chính là giao điểm của hai nền văn minh: Văn minh sông Hằng và văn minh sông Dương Tử.

Tại đây, hai nền văn minh đã giao thoa, bổ sung cho nhau và nhờ tinh thần khoan dung, cởi mở mà Phật giáo đã sớm có ảnh hưởng sâu sắc trong nếp sống tư tưởng, tình cảm của quảng đại quần chúng nhân dân Trung Quốc. Nhất là đối với tầng lớp vua chúa, quý tộc, những người luôn luôn coi Nho giáo là hệ tư tưởng chính thống. Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Phật giáo Trung Quốc luôn được các bậc vua chúa nhiệt tâm bảo hộ, nên đã nhanh chóng phát triển và đạt được những thành tựu rực rỡ.

Trên phương diện tổng quát, quá trình du nhập và phát triển của Phật giáo Trung Quốc có quan hệ mật thiết với lịch sử phát triển của Phật giáo các nước trong khu vực ( các nước chịu ảnh hưởng của văn hoá Hán ). Đặc biệt là Phật giáo Việt Nam. Do vậy tìm hiểu về lịch sử Phật giáo Trung Quốc sẽ giúp chúng ta có cái nhìn chính xác, khách quan hơn trong việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo nước nhà.

Tuy nhiên, trong điều kiện thời gian không cho phép, với khả năng của mình còn có hạn nên trong khuôn khổ của bài Tiểu luận này, con chỉ xin trình bày một cách khái quát những điểm nổi bật của Phật giáo Trung Quốc như sau:

NỘI DUNG

1.Quá trình du nhập của Phật giáo Trung quốc

1.1. Con đường du nhập của Phật giáo Trung Quốc.

            Trải qua thời gian khoảng một trăm năm sau khi Đức Phật nhập diệt thì Phật giáo tại ấn Độ phân chia thành hai hệ tư tưởng và được truyền bá theo hai hướng khác nhau. Hệ tư tưởng sử dụng ngôn ngữ PàLi và được truyền bá xuống phía Nam, gọi là Nam phương Phật giáo. Hệ tư tưởng sử dụng ngôn ngữ Sanskrit và được truyền bá lên phía Bắc, gọi là Bắc phương Phật giáo.

Theo con đường Bắc tiến của Bắc phương Phật giáo tại ấn Độ, thì ban đầu là truyền sang các nước như Đại Nhục Chi, An Tức ở phía Bắc ấn, rồi dần dần lan truyền tới các nước Tây Vực và truyền sang Trung Quốc.

Về mặt địa lý, Phật giáo theo chân các vị Phạn Tăng ấn Độ du nhập vào Trung Quốc theo hai ngả đường: Đường bộ và đường thuỷ.

– Đường bộ: Giai đoạn đầu, Phật giáo được du nhập vào Trung Quốc bằng đường bộ vì có sự mua bán, giao thông qua lại, đặc biệt là theo con đường tơ lụa. Đây là con đường giao thông huyết mạch để nối kết hai nền văn minh ấn – Trung.

– Đường thuỷ: Giai đoạn đầu thì con đường du nhập của Phật giáo từ ấn Độ vào Trung Quốc đi theo đường bộ và do các Phạn Tăng ấn Độ truyền vào. Nhưng sang giai đoạn sau, Phật giáo lại được du nhập vào Trung Quốc bằng đường thuỷ, mà chủ yếu là từ các hải cảng thuộc tỉnh Quảng Đông. Bởi đi theo đường thuỷ vừa nhanh và thuận lợi, lại ít gian nan nguy hiểm hơn đi bằng đường bộ. Hơn nữa,  ở giai đoạn này thì không chỉ có các Phạn Tăng mang Phật giáo truyền vào, mà một phần là do chính các vị Tăng người Trung Quốc trực tiếp sang ấn Độ để cầu pháp.

1.2. Niên đại du nhập của Phật giáo Trung Quốc.

Về niên đại du nhập của Phật giáo Trung Quốc thì có nhiều thuyết khác nhau, nhưng chủ yếu có bảy thuyết sau:

  1. Thuyết Tây phương Thánh giả của Khổng Tử: Tây phương Thánh giả tức là chỉ cho Đức Phật. Thiên Trọng Ni trong sách Liệt Tử có chép: “ Khâu nghe phương Tây có bậc thánh giả, không trị mà không loạn, không nói mà tự tin, không giáo hoá mà tự làm”. Theo thuyết này thì Khổng Tử đã biết đến Phật giáo.
  1. Thuyết Thích Lợi Phòng đem Phật giáo truyền vào: Đời vua Tần Thuỷ Hoàng năm thứ IV ( năm 243 trước Tây lịch ), có vị Sa môn tên là Thích Lợi Phòng đem kinh Phật từ Tây Vực truyền vào Trung Quốc. Vua Tần Thuỷ Hoàng cho việc đó là quái gở, liền bắt đem bỏ ngục, nhưng đến nửa đêm vua thấy có người thân vàng cao một trượng sáu thước tới phá ngục cứu ra. Vì thế vua rất sợ hãi và dập đầu kính lễ.
  2. Thuyết Trương Khiên đã nghe thấy Phật giáo: Sách Nguỵ Thư chép: “ Đời Võ Đế nhà Tiền Hán, có tướng Trương Khiên phụng mệnh vua đi sứ sang Tây Vực về tâu rằng: “ ở ấn Độ có đạo Phù Đồ”. ( Phật giáo )
  3. Thuyết lễ bái hình người vàng: Năm 121 trước Tây lịch, đời vua Võ Đế nhà Tiền Hán năm thứ II, vua sai tướng Hoắc Khứ Bệnh đánh rợ Hung Nô, bắt được hình người bằng vàng đem về dâng vua. Nhà vua bèn đem thờ trong cung Cam Tuyền để sớm tối đốt hương lễ bái.
  4. Thuyết Lưu Hướng nói đến Phật điển: Đời vua Thành Đế ( sau đời vua Võ Đế nhà Tiền Hán 34 năm ), vua sai Lưu Hướng chỉnh đốn lại sách vở của triều đình. Lưu Hướng đã thấy bộ “ Phật Tổ thống kỷ”. Có một đoạn văn dẫn chứng của Lưu Hướng trong cuốn Liệt Truyện rằng: “ Tôi kiểm điểm thư tàng sưu tầm đại sử để soạn liệt tiên đồ. Kể từ vua Hoàng Đế trở xuống cho tới nay có hơn 700 người được đạo tiên, sau khi xét định thực hư, được 146 người. Trong số đó có hơn 70 người đã thấy kinh Phật”.
  5. Thuyết khẩu truyền Phật giáo của Y Tồn: Niên hiệu Nguyên Thọ năm đầu ( thế kỷ thứ II Tr CN ) đời vua Ai Đế nhà Tiền Hán có Y Tồn, sứ giả nước Đại Nhục Chi tới đem Phật giáo truyền miệng cho Trần Cảnh Hiên.
  6. Thuyết niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ X: Niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ X ( năm 67 Tây lịch ), đời vua Minh Đế nhà Hậu Hán, có một đêm vua nằm mộng thấy người vàng, có hào quang rực rỡ từ phương Tây tới. Vì vậy, nhà vua đoán biết có Phật giáo ở phương Tây, vua liền sai tướng Thái Hâm, Vương Tuân, Trần Cảnh.. ( 18 người ) sang Tây Vực để thỉnh tượng Phật. Họ vâng lệnh vua đi nửa đường thì gặp hai bậc Phạn Tăng là Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan chở kinh tượng bằng ngựa trắng đi về phía Đông. Họ liền mời hai Ngài đến Trung Quốc. Vua Minh Đế liền sắc dựng chùa Bạch Mã để thờ Phật và làm nơi dịch kinh điển cho hai Ngài.

Tóm lại, trong bảy thuyết trên, thì chỉ có thuyết thứ sáu và thuyết thứ bảy là đáng tin cậy nhất. Như vậy có thể khẳng định rằng: Phật giáo du nhập vào Trung Quốc vào khoảng những năm đầu của kỷ nguyên Tây lịch.

2. Phong trào nhập Trúc cầu Pháp.

Như trên đã nói, Phật giáo du nhập vào Trung Quốc ở thời kỳ đầu là do các vị Phạn Tăng người ấn Độ, hoặc Tây Vực truyền vào. Nhưng sang đến giai đoạn sau thì không chỉ có các Phạn Tăng làm công tác truyền giáo, mà một phần do chính các vị Tăng người Trung Quốc sang ấn Độ du học mang về. Đây chính là phong trào “ Nhập Trúc cầu Pháp” của Phật giáo Trung Quốc.

Theo bước chân của Ngài Chu Sĩ Hành đời Tam Quốc sang Tây Vực cầu đạo, phong trào du học ở các thời kỳ sau phát triển khá mạnh. Tiêu biểu cho phong trào “ Nhập Trúc cầu Pháp” của Phật giáo Trung Quốc phải kể đến Ngài Pháp Hiển đời Đông Tấn và Ngài Huyền Trang đời Đường.

2.1.Ngài Pháp Hiển.

Ngài Pháp Hiển là người Bình Dương, tỉnh Sơn Tây. Sau khi xuất gia đã có chí nguyện “ Nhập Trúc cầu Pháp”. Ngài xuất phát từ Tràng An vào niên hiệu Vĩnh Long năm thứ III, cùng đi với Ngài có các bạn đồng học là Tuệ Cảnh, Đạo Chỉn, Tuệ ứng.

Ngài và các bạn đồng hành phải đi xuyên qua bãi sa mạc mênh mông, trèo đèo lội suối rất vất vả, những người bạn đồng hành hoặc là chết trên đường đi, hoặc không chịu được vất vả nên đã quay về nước. Duy chỉ có một mình Ngài tới được Thiên Trúc và đi du lịch trải qua hơn 30 nước thuộc ấn Độ thời đó, tới nước Sư Tử ( Tích Lan ) và trở về Thanh Châu, nhằm niên hiệu Nghĩa Hy thứ X.

Quá trình  “ Nhập Trúc cầu Pháp” của Ngài trước sau mất tới 15 năm trời. Khi trở về Trung Quốc, Ngài đã đem những nguyên văn Phạn bản đã thỉnh được về Kiến Khang, cùng với Ngài Giác Hiền dịch ra bộ “ Đại Bát Nê Hoàn Kinh” và bộ “ Ma Ha Tăng Kỳ Luật”. Đặc biệt là trong chuyến đi đó Ngài đã soạn được cuốn “ Phật Quốc Ký” ( Pháp Hiển truyện ) có giá trị không kém gì bộ “ Tây Vực Ký” của Ngài Huyền Trang đời Đường. Đây là hai bộ sách có  giá trị rất lớn trong việc nghiên cứu trạng thái Phật giáo ở Tây Vực và ấn Độ thời kỳ đó.

2.2.Ngài Huyền Trang.

Ngài Huyền Trang ( 600 – 664 ), người Lạc Dương, tỉnh Hà Nam. Xuất gia năm 13 tuổi ở chùa Tịnh Độ. Sau khi xuất gia, Ngài chu du khắp các châu huyện, nghiên cứu về Niết Bàn, Tỳ Đàm và Nhiếp Luận, nhưng vì muốn nghiên cứu giáo nghĩa mới của Phật giáo nên Ngài đã quyết chí “ Nhập Trúc cầu pháp”. Ngài xuất phát từ Tràng An vào năm Trinh Quán thứ 3 ( 629 ), đời nhà Đường, noi theo đường phía Bắc dải núi Thiên Sơn, trải qua bao nhiêu gian nan nguy hiểm mới tới được ấn độ. Khi tới chùa Na Lan Đà là một đạo tràng căn bản của giáo học Đại thừa Phật giáo, Ngài đã xin nhập môn Ngài Giới Hiền để nghiên cứu về giáo nghĩa của Du già, Duy thức. Sau đó Ngài lại tuần du khắp các nước ấn độ và sưu tầm được rất nhiều các kinh luận của Phật giáo Đại thừa cũng như Tiểu thừa bằng nguyên văn Phạm bản.

Trải qua 17 năm trời “ Nhập trúc cầu pháp”, đến năm Trinh Quán thứ 19 ( 645) Ngài trở về đến Tràng An. Vua Đường Thái Tôn liền đón Ngài về chùa Hoằng Phúc, sau lại thiết lập viện phiên dịch ở chùa Từ Ân để phiên dịch kinh điển do Ngài đã thỉnh về. Về sau vua lại thỉnh Ngài ở chùa Tây Minh và cung Ngọc Hoa, cũng là nơi để Ngài phiên dịch kinh điển. Đến năm đầu niên hiệu Lâm Đức ( 664) đời vua Đường Cao Tông, Ngài tịch ở cung Ngọc Hoa thọ 63 tuổi, vua Cao Tông bãi triều 3 ngày để làm lễ Quốc tang.

3. Sự nghiệp phiên dịch – xuất bản Đại Tạng kinh.

3.1.Sự nghiệp phiên dịch.

Thời kỳ đầu khi chưa có người bản xứ xuất gia, sự nghiệp phiên dịch kinh điển ở Trung Quốc chủ yếu là do các vị Tăng sĩ từ Tây Vực tới, về sau thì có cả những Tăng sĩ Trung Quốc tham gia vào công việc này.

Trong lịch sử phiên dịch kinh điển của Phật giáo Trung quốc, ta phải kể đến ngài Cưu Ma La Thập ở thời Đông Tấn và ngài Huyền Trang đời Đường. Đó là hai bậc Thánh Tăng dịch kinh bất hủ của lịch sử Phật giáo nói chung và Phật giáo Trung Quốc nói riêng.

* Ngài Cưu Ma La Thập ( 344 – 413 ): Người nước Khâu Tư, lên 7 tuổi đi xuất gia. Ngài theo mẹ qua nước Kế Tân và chu du khắp các nước Tây Vực để tham học Phật giáo. Lúc đầu Ngài theo học Phật giáo Tiểu thừa, sau theo Đại thừa. Khi mới 11 tuổi, đối luận cùng với các ngoại đạo, Ngài không thua kém một ai, nên đời gọi Ngài là Thần đồng. Tới 20 tuổi Ngài trở về Khâu Tư thụ Đại giới. Thanh danh của Ngài vang dội đến Trung quốc, vua Phù Kiên nhà Tiền Tần nghe biết liền sai tướng Lã Quang đem quân tiến đánh Khâu Tư để đón Ngài về Trung quốc. Lã Quang vâng lệnh vua đem quân đánh Khâu Tư và đón được Ngài, nhưng khi về tới nửa đường nghe tin nhà Tiền Tần đã mất, nhà Hậu Tần lên thay, Lã Quang bèn đưa Ngài về Cô Tàng ( tỉnh Cam Túc ), và tự lập một nước riêng gọi là Hậu Lương, đóng đô ở Cô Tàng ( 386 ).

Ngài La Thập ở Cô Tàng một thời gian là 15 năm, sau vua Diêu Hưng nhà Hậu Tần sai tướng là Diêu Thạc Đức đem quân đánh Hậu Lương rước Ngài về Tràng An, giữa niên hiệu Hoằng Thuỷ năm thứ 3 ( 401 ). Sau khi tới Tràng An, vua Diêu Hưng rất trọng đãi Ngài và tôn là Quốc sư, ban cho Ngài Các Tây Minh và vườn Tiêu Dao để làm hội tràng phiên dịch kinh điển. Ngài ở Tràng An trong khoảng 12 năm trời, chuyên về công việc phiên dịch, tới niên hiệu Hoằng Thuỷ thứ 13 ( 413 ) thì mất, thọ 70 tuổi.

Sự nghiệp phiên dịch của Ngài La Thập, theo “ Xuất Tam tạng ký” thì Ngài dịch được tất cả 32 bộ, hơn 300 quyển; theo “ Lịch Đại Tam bảo kỷ” thì có 97 bộ, 425 quyển; theo “ Khai nguyên thích giáo lục” có 74 bộ, 384 quyển. Kinh điển Ngài phiên dịch chủ yếu là kinh điển Đại thừa, trong đó có những bộ chính như Ma Ha Bát Nhã ba la mật kinh ( 27 quyển ), Tiểu phẩm Bát Nhã ba la mật kinh ( 10 quyển ), Kim Cương Bát Nhã ba la mật kinh ( 1 quyển ), Nhân vương hộ quốc Bát nhã ba la mật kinh ( 2 quyển ) … Đại Trí độ luận ( 100 quyển ), Trung luận ( 4 quyển ) …vv..

Vị Thánh Tăng phiên dịch kinh điển bất hủ thứ hai là Ngài Huyền Trang đời Đường. Trong lịch sử phiên dịch kinh điển Trung Quốc thì những kinh được dịch kể từ Ngài Huyền Trang về sau gọi là Tân dịch, còn những kinh điển được dịch thuật trước thời Ngài gọi là Cựu dịch.

3.2.Sự nghiệp xuất bản Đại Tạng Kinh.

Trong các thời đại trước, Phật giáo Trung Quốc nổi tiếng ở việc phiên dịch kinh điển..vv. thì sang đến đời nhà Tống, sự nghiệp huy hoàng nhất của Phật giáo Trung Quốc là sự nghiệp khắc ván ấn hành “ Đại Tạng kinh”. Tổng cộng trong đời nhà Tống đã có 5 lần khắc ván ấn hành Đại Tạng kinh.

Thục bản: Lần thứ nhất ở năm Khai Bảo thứ 4 ( 971) đời vua Thái Tổ, vua sắc Trương Tòng Tín khai bản khắc Đại Tạng kinh ở Thành Đô đất Thục, tới năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 8 ( 983) đời vua Thái Tôn, trong vòng khoảng 12 năm trời thì hoàn thành. Bộ này gồm có hơn 5000 quyển, thường gọi là Thục bản và là bộ Đại Tạng kinh đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Trung quốc.

Đông Thiền tự bản: Lần thứ hai vào niên hiệu Nguyên Phong thứ 3 ( 1080) đời vua Thần Tôn, có Ngài Tuệ Không Đại sư trụ trì chùa Đông Thiền ở Phúc Châu cũng bắt đầu khắc ván in Đại Tạng kinh và đệ tử của Ngài cũng kế thừa sự nghiệp đó. Tới năm Sùng Ninh thứ 3 (1104) đời vua Huy Tôn, trong khoảng 24 năm thì hoàn thành. Từ đó đến năm Chính Hoà thứ 2 (1112) lại truy ra thêm những bộ “ Tân chương sớ” của Thiên Thai tông, nên bộ này gồm có hơn 6000 quyển, gọi là Đông Thiền tự bản.

Khai Nguyên tự bản: Lần thứ 3 niên hiệu Chính Hoà thứ 2 (1112) đời vua Huy Tôn lại có Ngài Bản Ngộ và Bản Minh bắt đầu san khắc Đại Tạng kinh ở chùa Khai Nguyên, Phúc Châu tới năm Thiệu Hưng thứ 16 ( 1146) đời vua Cao Tôn nhà Nam Tống thì hoàn thành, tổng số có hơn 6000 quyển. Bộ này gọi là Khai Nguyên tự bản.

Tư Khê bản: Lần thứ 4 niên hiệu Thiệu Hưng thứ 2 ( 1132) đời vua Cao Tôn nhà Nam Tống, có Ngài Tịnh Phạm, Hoài Thâm cũng bắt đầu khắc Đại Tạng kinh ở viện Viên Giác Thiền tại Tư Khê – Hồ Châu. Tổng số có 6000 quyển, gọi là Tư Khê bản. Về sau viện Viên Giác Thiền lại đổi tên là chùa Tư Phúc Thiền, và bộ Đại Tạng đó lại được khắc thêm, nên lại có tên là Tư Phúc Thiền tự bản.

Tích Sa bản: Lần thứ 5 niên hiệu Thiệu Định thứ 4 ( 1231) đời vua Lý Tôn nhà Nam Tống, có sư ni là Hoằng Đạo ở chùa Diên Khánh tại Tích Sa cũng phát nguyện khắc Đại Tạng kinh, tới năm Chí Đại thứ 3 ( 1310) đời vua Võ Tôn nhà Nguyên thì hoàn thành. Bộ này gồm có 6326 quyển. Nhưng bộ này tới cuối đời Nguyên bị thiêu huỷ vì chiến loạn, nên không biết được toàn bộ diện mạo của bộ đó, và gọi là Tích Sa bản.  Ngoài ra, từ cuối đời Nam Tống về sau lại có hai bộ Đại Tạng kinh là Phả Ninh tự bản và  Hoằng Pháp tự bản ra đời.

4. Sự hình thành các tông phái phật giáo Trung Quốc.

Phật giáo tuy xuất phát từ ấn Độ, nhưng khi du nhập vào Trung Quốc đã được các bậc danh Tăng thạc đức, nghiên cứu và thành lập một tư tưởng sáng tạo riêng của Phật giáo Trung quốc. Trải qua quãng thời gian mấy trăm năm từ khi du nhập tới đời nhà Đường, Phật giáo Trung Quốc đã có nhiều tông phái được hình thành, hoàn thiện về giáo nghĩa như:

– Tịnh Độ tông: Tịnh độ tông ra đời từ thời đại Nam Bắc triều, nhưng đến đời Đường có Ngài Đạo Xước và Thiện Đạo là hai danh tăng hoàn thành về giáo nghĩa, làm cho Tịnh độ tông rất hưng thịnh. Tịnh Độ tông có ba lưu phái khác nhau là: Đạo Xước, Thiện Đạo lưu kế thừa giáo nghĩa của Ngài Đàm Loan; Từ Mẫn lưu của Ngài Từ Mẫn trực tiếp kế thừa Tịnh Độ tông ở ấn độ và Tuệ Viễn lưu xuất phát từ Lư Sơn của Ngài Tuệ Viễn.

– Luật Tông: Giáo học của Phật giáo được cấu thành bởi ba môn học là Giới – Định và Tuệ học. Phật giáo Trung quốc vì nghiên cứu về Tuệ học nên Tam luận Tông, Thiên Thai tông, Hoa Nghiêm tông được thành lập; vì tu tập về Định học nên có Thiền tông ra đời, và nương vào Giới học để tu trì nên có Luật tông xuất hiện. Về Luật học ở Trung Quốc y vào bộ Tứ Phận luật làm chính và đã có từ trước thời Đường, nhưng đến thời Đường Luật tông mới hoàn toàn thành lập và chia làm ba phái là: Nam Sơn tông, Tướng Bộ tông và Đông Tháp tông. Trong ba phái này thì chỉ có Nam Sơn Luật tông của Ngài Đạo Tuyên là thịnh vượng và được truyền bá sâu rộng hơn cả.

Thiền Tông: Thiền tông được thành lập bởi Ngài Bồ Đề Đạt Ma người ấn độ tới Trung quốc vào thời nhà Lương, nhưng phải đến đời Đường mới hoàn thành về giáo nghĩa. Thời này Thiền tông có hai Ngài là Lục tổ Huệ Năng và Thần Tú là những nhân vật trọng yếu truyền bá thiền học và hoàn thành giáo nghĩa của Thiền tông.

– Pháp Tướng tông: Tông này phán quyết về tính, tướng của chư pháp, nên gọi là Pháp Tướng tông, và chủ trương các pháp đều do Thức phát sinh nên cũng gọi là Duy Thức tông. Tông này y vào nhiều bộ kinh luận, nhưng lấy Giải Thâm mật kinh và Du Già sư địa luận do ngài Huyền Trang dịch làm giáo nghĩa căn bản và coi ngài Huyền Trang làm Sơ tổ.

– Câu Xá tông: Tông này y cứ vào bộ Câu Xá luận làm Thánh điển căn bản, nên gọi là Câu Xá tông. Đồng thời đem vạn pháp trong vũ trụ chia thành Hữu vi pháp và Vô vi pháp, trong Hữu vi và Vô vi lại chia thành 5 vị, 75 pháp và cũng coi ngài Huyền Trang là Sơ tổ.

– Hoa Nghiêm tông: Phát khởi của tông Hoa Nghiêm bắt đầu từ thời Ngài Giác Hiền đời Đông Tấn. Sau khi Ngài dịch bộ Hoa Nghiêm ( 60 quyển) thì đã có rất nhiều người nghiên cứu, nhưng cũng phải tới đời Đường mới hoàn toàn thành lập bởi Ngài Hiền Thủ ( Pháp Tạng) ở vùng Giang Bắc. Tông này y cứ vào kinh Hoa Nghiêm để tu tập và chủ trương về lý “ Nhất tâm chân như, Pháp giới duyên khởi” mà thành lập, nên gọi là Hoa Nghiêm tông.

– Mật tông: Hay còn gọi là Mật giáo được thành lập ở đời Đường do ba Đại học giả là Thiện Vô Uý, Kim Cương Trí và Bất Không từ ấn độ truyền tới và thành lập một tông riêng là Mật giáo. Tông này y cứ vào giáo lý bí mật của kinh Đại Nhật và kinh Kim Cương Đính, nên gọi là Mật tông hay Chân Ngôn tông.

– Thiên Thai tông phục hưng và  Võ Tôn phế Phật.

Trí Giả đại sư đời Tuỳ lập ra Thiên Thai tông, rồi truyền cho đệ tử là Chương An đại sư. Tông này rất thịnh đạt ở đời Tuỳ, nhưng sang thời Đường vì không có nhân tài xuất hiện nên sự phát triển cũng kém. Mãi đến khoảng đời vua Đường Huyền Tôn mới có đệ tử của Ngài Huyền Lãng là Kinh Khê Trạm Nhiên ( Diệu Lạc đại sư ) xuất hiện, nên ánh sáng huy hoàng của Thiên Thai tông lại được tái hiện. Tuy vậy, tông này cũng không được thịnh đạt bằng trước vì gặp phải nạn Võ Tôn phế Phật.

5. Bốn pháp nạn của Phật giáo Trung quốc

Như chúng ta đã biết, cuộc đời vốn luôn ở trạng thái biến dịch vô thường, không có một cái gì thoát khỏi định luật chung đó được. Phật giáo Trung Quốc đã có những thời kỳ phát triển đến cực thịnh, nhưng cũng có nhiều lúc phải suy vong. Các nhà viết sử của Phật giáo Trung Quốc khi nói đến những thời kỳ suy vong của Phật giáo thường tóm tắt trong một câu: “ Tam Võ nhất Tôn chi ách”.

Pháp nạn thứ nhất. Đời vua Thái Võ Đế nhà Hậu Nguỵ ( 439 – 450 ); Gần ba thập niên đầu dưới thời Nam Bắc Triều ( 420 – 588 ), Phật giáo vẫn được thịnh hành. Nhưng đến niên hiệu Thái Bình Chân Quân thứ 7 ( 446 ) thì Phật giáo bắt đầu trải qua một cuộc suy vi, bởi vua Thái Võ Đế nhà Hậu Nguỵ.

Năm đó, nhân lúc ở Thiểm Tây có loạn Cái Ngộ, vua thân chinh đi dẹp loạn, tình cờ vào một ngôi chùa ở Tràng An thấy trong chùa có vũ khí. Vua nghi ngờ nhà chùa thông đồng với Cái Ngộ để làm loạn, lại thêm lời dèm pha của Thôi Hạo và Khâu Khiêm Chi, nên vua liền hạ chỉ phế bỏ Phật giáo. Vô số kinh điển bị thiêu huỷ, toàn bộ chùa tháp bị đập phá, hoặc trưng dụng để làm  nơi công sự, có nơi làm chỗ ở cho công hầu khanh tướng. Hàng Tăng lữ bị buộc phải hoàn tục, có một số lẩn trốn vào rừng hoặc sang nước khác để tu hành. Lịch sử Phật giáo Trung Quốc gọi đây là pháp nạn thứ nhất trong “ tam Võ nhất Chu pháp nạn”.

Pháp nạn thứ hai: Đời vua Võ Đế nhà Bắc Chu ( 574 ). Sau khi Bắc Nguỵ chia ra thành Đông Nguỵ và Tây Nguỵ, nước kế tiếp của Đông Nguỵ là Bắc Tề, nước kế tiếp của Tây Nguỵ là Bắc Chu. Vua Bắc Chu là Hiếu Mẫn Đế và Hiếu Minh Đế cũng tin theo Phật giáo. Tới đời vua thứ ba là Chu Võ Đế, sau khi lên ngôi vì có hoài bão thống nhất lễ giáo và thôn tính Bắc Tề, nên vua đã hạ chiếu chỉ phá huỷ Phật giáo. Đây là kỳ Pháp nạn thứ hai của Phật giáo Trung Quốc, kỳ pháp nạn này còn để lại hậu quả nặng nề hơn kỳ pháp nạn trước.

Pháp nạn thứ ba: Đời vua Võ Tôn nhà Đường ( 840 – 847 ). Pháp nạn lần thứ ba của Phật giáo Trung Quốc xảy ra vào năm Hội Xương thứ ba ( 842 ), thuộc cuối đời Đường, nên còn được gọi là “ Hội Xương pháp nạn”. Nguyên nhân đầu tiên của pháp nạn phải kể đến sự quan hệ của Phật giáo và Lão giáo. Trong đời Đường, sở dĩ Lão giáo chiếm được địa vị trọng yếu vì Lão Tử – người được coi là Thuỷ Tổ của Lão giáo cùng họ với hoàng thất nhà Đường. Nên các triều vua nhà Đường đều tin sùng Lão Tử, xem ông là tổ tiên của Đường thất.

Một nguyên nhân khác xuất phát từ yếu tố nội tại. Phật giáo phát triển quá nhanh và mạnh, nên sự kiểm soát không được chặt chẽ. Tình trạng tự làm mất bản chất trong nội bộ Phật giáo xảy ra. Đây là cơ hội tốt cho vua Võ Tôn – vốn là ông vua thâm tín Lão giáo, thẳng tay tiêu diệt Phật giáo. Bên cạnh đó thì các Đạo sĩ cũng còn đổ thêm dầu vào lửa, dâng vua những lời sàm tấu, xúi dục. Cho nên Phật giáo bị suy vong, vua đã hạ sắc lệnh phá huỷ đến 44. 600 ngôi chùa, bắt 265.000 Tăng Ni hoàn tục, những chuông khánh..vv. bằng đồng đều bị tịch thu để đúc tiền. Đây là kỳ pháp nạn thứ ba của Phật giáo Trung Quốc.

Pháp nạn thứ tư: Đời vua Thế Tôn nhà Hậu Chu ( giữa thế kỷ thứ X ). Sau khi nhà Đường mất ngôi, Trung Quốc trở thành miếng mồi xâu xé của các nước chư hầu, chiến tranh nổi dậy khắp nơi. Phật giáo cũng chịu nhiều ảnh hưởng tai hại lớn về thời cuộc. Thêm vào đó còn có sự phá phách của vua Thế Tôn nhà Hậu Chu ( niên hiệu Hiển Đức thứ 2, năm 955 ).

Vì ông vua này rất ghét Phật giáo, nên đã sắc chỉ pháp huỷ chùa chiền, đem tượng, chuông, khánh..vv. bằng đồng ra đúc tiền, kinh điển bị thiêu huỷ, thất lạc. Đây là kỳ Pháp nạn thứ tư trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc.

KẾT LUẬN

Qua sơ lược những điểm tiêu biểu nổi bật của Phật giáo Trung Quốc. Chúng ta thấy rằng trải qua một chặng đường hai ngàn năm du nhập, tồn tại và phát triển với biết bao biến cố thăng trầm, Phật giáo Trung Quốc cũng có lúc thịnh lúc suy, cũng có lúc huy hoàng rực rỡ, nhưng cũng có lúc bị lu mờ. Nhưng nhờ nguồn giáo lý cao siêu, tinh thần khoan dung cởi mở của Phật giáo, sự bảo hộ nhiệt thành của các vị vua chúa qua các triều đại và đặc biệt là nhờ tài ba lỗi lạc của các bậc danh Tăng thạc đức đã khéo tuỳ duyên phương tiện để đem hết  sức mình hoằng dương chính pháp, bằng những việc làm cụ thể như phiên dịch kinh điển, xuất bản Đại Tạng kinh..vv. mà tư tưởng của Phật giáo đã dần dần ảnh hưởng sâu đậm vào trong nếp sống tình cảm, tư tưởng của quảng đại mọi tầng lớp người trong xã hội để phát triển một cách nhanh chóng.

Đặc biệt là dưới hai thời đại Tuỳ và Đường, các bậc danh Tăng thạc đức, các nhà học giả đã tìm tòi, nghiên cứu để hoàn chỉnh về giáo nghĩa, khiến cho Phật giáo trở thành một tôn giáo trọng yếu mang đậm bản sắc của văn hoá Trung quốc. Đây có thể nói là thời kỳ hoàng kim của Phật giáo Trung Quốc. Dưới hai thời đại này phong trào nghiên cứu, học tập giáo lý của Phật giáo được phát triển mạnh mẽ, các tông phái Phật giáo của Trung Quốc lần lượt ra đời, cạnh tranh nhau cùng phát triển. Như thế cho thấy tư tưởng Phật giáo tuy phát sinh từ ấn độ, nhưng về hoàn cảnh tổ chức giáo học lại do Trung Quốc. Đây chính là kết quả của sự giao thoa về văn hoá, là điểm hội tụ của hai nền văn minh tối cổ của phương Đông nói riêng và của nhân loại nói chung.

Chính vì thế mà Phật giáo Trung quốc đã đóng góp một phần không nhỏ vào kho tàng tư tưởng văn hoá, tôn giáo á đông. Đồng thời Phật giáo Trung quốc không những chỉ ảnh hưởng ở nội địa, mà còn truyền bá rộng rãi sang các quốc gia sử dụng chữ Hán và chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên..vv.

Tuệ Đăng

 

 

 

 

This Post Has 0 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *