PHẬT GIÁO THỦ ĐÔ
VỚI SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC
- Nguyễn Hữu Trung Thành
Đại đoàn kết dân tộc là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam đã có từ bao đời nay. Chính truyền thống ấy đã mang lại sức mạnh cho dân tộc, cho nhân dân ta chiến thắng thiên tai, địch họa, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn. Sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng chung sức của toàn dân, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội. Thủ đô Hà Nội của chúng ta ngày càng phát triển đi lên, là một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước.
Góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa trên địa bàn Thủ đô có phần quan trọng của đông đảo đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo nói chung và các vị hoà thượng, thượng toạ, ni trưởng, ni sư, đại đức, tăng, ni và bà con phật tử Phật giáo Hà Nội nói riêng. Đóng góp quan trọng này của Phật giáo Thủ đô trong suốt 30 năm qua (1981-2011) được thể hiện trong nhiều khía cạnh khác nhau. Trong đó cơ bản nhất là: Phật giáo Thủ đô đã phát huy tinh thần đồng hành cùng dân tộc, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo và hoàn thiện tổ chức, thống nhất hành động, phát huy tinh thần đoàn kết trong Phật giáo.
Phật giáo Thủ đô tiếp tục phát huy tinh thần đồng hành cùng dân tộc, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động từ thiện xã hội
Phật giáo du nhập vào nước ta từ hơn 2000 năm trước đây và tới Thăng Long – Hà Nội từ rất sớm. Trong quá trình hình thành, phát triển, Phật giáo Việt Nam luôn thể hiện tinh thần gắn bó với vận mệnh dân tộc. Tiếp nối mạng mạch truyền thống xưa, thực hiện theo đường hướng “Đạo Pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội, suốt 30 năm qua, Phật giáo Thủ đô luôn hoàn thành tốt các hoạt động Phật sự, ích đạo, lợi đời, tuân thủ đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền; tham gia xây dựng nếp sống văn hóa trên địa bàn dân cư, tích cực tham gia các công tác xã hội, hoạt động từ thiện, nhân đạo….Nhiều quý tăng ni đã thể hiện tốt trọng trách của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình khi tham gia trong các tổ chức: Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Hội chữ thập đỏ, Hội liên hiệp phụ nữ… Nhiều vị đã được tặng thưởng huân huy chương, kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen và nhiều phần thưởng cao quý khác. Điều đó thể hiện truyền thống đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Thủ đô, góp phần vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và phát triển Thủ đô không ngừng đi lên.
Phật giáo Thủ đô luôn ủng hộ và tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Trên cơ sở những đặc điểm chung của các phong trào, các cuộc vận động, từ những đặc thù riêng, với cách làm sáng tạo, Phật giáo Thủ đô đã có nhiều đóng góp trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do MTTQ phát động. Cuộc vận động được Thành hội Phật giáo triển khai cụ thể thành phong trào “Xây dựng chùa tinh tiến”. Hàng năm, có hàng trăm ngôi chùa đã được công nhận danh hiệu “chùa tinh tiến”
Xuất phát từ tinh thần từ bi cứu khổ của Phật giáo, phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc, Phật giáo Thủ đô luôn tích cực chủ động, hưởng ứng tham gia cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, ủng hộ Quỹ nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ đồng bào gặp thiên tai…dưới nhiều hình thức khác nhau từ tặng tiền mặt, hiện vật đến nhà tình nghĩa. Bên cạnh đó, nhiều tự viện trên địa bàn Thành phố còn thường xuyên tổ chức chăm sóc các bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, nuôi dạy trẻ mồ côi, tật nguyền, chăm sóc người bị nhiễm các căn bệnh hiểm nghèo, mở các phòng khám miễn phí, các lớp học tình thương… Hoạt động từ thiện của Phật giáo đã góp phần chia sẻ nỗi khó khăn của người dân, góp sức cùng san sẻ những gánh nặng của xã hội và nêu cao tinh thần đạo lý nhân ái của dân tộc.
Ngoài ra, Phật giáo còn là thành viên tích cực tham gia nhiều phong trào, cuộc vận động khác, cũng như những hoạt động trong các ngày lễ kỷ niệm, ngày lễ lớn của dân tộc, của Thủ đô.
Phật giáo Thủ đô không ngừng kiện toàn tổ chức, thống nhất hành động, phát huy tinh thần đoàn kết
Sau năm 1975 đất nước được thống nhất, điều kiện thuận lợi đã hội đủ, đến năm 1981 Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, trở thành ngôi nhà chung cho Phật giáo Việt Nam ở ba miền. Từ đó hệ thống tổ chức Giáo hội dần hoàn thiện theo các cấp. Tổ chức Phật giáo Thủ đô cũng vậy, cùng với Thành hội, phía dưới còn có Ban đại diện ở các quận, huyện, thị và các tự viện.
Khi sát nhập hai tỉnh Hà Tây và Hà Nội, số lượng tăng ni và tự viện Phật giáo có thể nói lớn nhất trong cả nước. Hiện Phật giáo Hà Nội có 29 ban đại diện Phật giáo cấp quận-huyện-thị xã với 2059 ngôi tự viện, hơn 2000 tăng ni. Hơn nữa địa bàn lại rộng, cho nên việc thống nhất về mặt tổ chức là điều hết sức quan trọng đối với Phật giáo Hà Nội. Theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngày 21/11/2008, Ban trị sự 2 tỉnh, thành hội đã tổ chức hội nghị kiện toàn nhân sự, thành lập Ban trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội mới.
Việc kiện toàn tổ chức của Phật giáo Thủ đô góp phần thống nhất ý chí và hành động của Phật giáo trên địa bàn, tạo sự ổn định trong sinh hoạt, chặt chẽ về hệ thống tổ chức quản lý. Sự đồng tình và thống nhất cao của Phật giáo Hà Nội sau khi hợp nhất là một điều kiện, một thành tố quan trọng để thực hiện vai trò đóng góp của Phật giáo trong việc tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn Thủ đô.
Không những vậy, với vị trí là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của cả nước, lại nằm trên địa bàn Thủ đô, Phật giáo Hà Nội còn là đầu mối liên kết Phật giáo trong nước, giao lưu đoàn kết với Phật giáo nước ngoài và các tôn giáo bạn.
Trong suốt 30 năm qua, Phật giáo Thủ đô đã có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Vai trò ấy được thể hiện ở rất nhiều mặt khác nhau, từ những việc lớn cho tới những hành động nhỏ của Phật giáo đều góp phần tôn thêm sự vững chắc cho sức mạnh đoàn kết của dân tộc trên địa bàn Thủ đô.
Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội song cũng không ít những thách thức, nhưng với truyền thống đồng hành cùng dân tộc, gắn bó với dân tộc, chúng ta có thể tin rằng: Phật giáo Thủ đô sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước./.
This Post Has 0 Comments