PHẬT GIÁO VỚI THĂNG LONG – HÀ NỘI NGHÌN NĂM
ThS. Văn Đức Thu
Nghìn năm trước, kinh đô nước Đại Việt đặt tại Hoa Lư. Năm 1010, vua Lý Công Uẩn (xuất thân từ Phật giáo) dời đô về Thăng Long – nơi có hình thế như “hổ phục rồng chầu” để lo cho con cháu muôn đời, để “vận nước được lâu dài, phong tục được giàu thịnh”. Từ đó, Thăng Long trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của một quốc gia độc lập, tự chủ, hùng cường; đồng thời, Phật giáo ở kinh đô trở thành trung tâm của công cuộc hoằng dương Phật pháp.
Trong lịch sử dân tộc, với tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian pháp”, có nhiều Thiền sư đã hết lòng hết sức giúp các triều vua trong công cuộc dựng nước và giữ nước như: Thiền sư Ngô Chân Lưu (933 – 1011), Thiền sư Vạn Hạnh (? – 1018), Thiền sư Thảo Đường, Thiền sư Huệ Sinh (? – 1063), Thiền sư Minh Không (1066 – 1141), Thiền sư Mãn Giác (1052 – 1096), Quốc sư Thông Biện (? – 1134), Thiền sư Giới Không, Thiền sư Viên Thông (1080 – 1151), Ngài Tuệ Trung Thượng sĩ… Đặc biệt, tại Thăng Long có Thiền phái Thảo Đường truyền trong giới vua quan Nho sĩ; các vua Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông vừa làm vua vừa là Thiền sư, trở thành Tổ của Thiền phái.
Với phương châm: “Dĩ thiên hạ chi dục vi dục”, “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm”, “Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên” các vị vua: Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông đã lấy nguyện vọng, mong muốn của thiên hạ làm nguyện vọng, mong muốn của mình, lấy cái tâm của muôn loài vạn pháp làm tâm của mình, thay cái tâm cá nhân của mình bằng cái tâm đồng loại. Năm Bính Thân (1236), Trần Thái Tông đang nửa đêm từ bỏ cả ngai vàng, vợ con, đến đài, quốc thổ vào núi Yên Tử để đi tu cầu Phật. Sau đó, nghe lời khuyên của Quốc Sư Trúc Lâm, Ngài quay về kinh đô làm vua để đáp ứng nguyện vọng của dân chúng nhưng vẫn không quên tham Thiền học đạo. Khi Tổ Quốc đứng trước hoạ ngoại xâm, với tinh thần “cứu khổ cứu nạn”, vua Trần Thái Tông, vua Trần Nhân Tông đã “bỏ cái thiện nhỏ, lấy cái thiện lớn” lãnh đạo toàn dân 3 lần đánh tan quân Nguyên, cứu cả quốc gia khỏi hoạ diệt vong. Khi xã tắc sơn hà đã có người nối nghiệp, Các Ngài sẵn sàng “từ bỏ ngai vàng của mình như vứt đi chiếc dép rách”. Năm 1258, Trần Thái Tông nhường ngôi cho con để làm Thái Thượng hoàng vừa cổ vũ cho con vừa nghiên cứu đào sâu Phật pháp. Năm 1299, Trần Nhân Tông xuất gia, lập nên dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử trở thành dòng Thiền riêng của Việt Nam.
Như vậy, dù bất kể ở cương vị nào, các nhà vua và các Thiền sư cũng lấy mục đích phụng sự sơn hà xã tắc, phục vụ nhân sinh nền tảng phương pháp tu hành, hoằng dương chính pháp. Qua đó, Phật giáo Việt Nam đã vạch ra một con đường mới đi đến giác ngộ, hoàn toàn khác với Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa. Đó là con đường đi đến giác ngộ thông qua việc làm cứu dân độ thế hàng ngày. Trên con đường này, tâm con người ngày càng khai mở bao trùm thiên hạ, thấu hiểu muôn loài vạn pháp, đạt đến Phật tâm.
Ở đây, có chi tiết tinh tế mà ta cần phân tích. Những vấn đề đã trình bầy ở phần trên là tư tưởng, hành động của người giác ngộ, còn đại đa số Phật tử bình thường có lẽ chưa đạt đến điều cao diệu như vậy. Nhưng trong số các bậc giác ngộ, họ không chỉ là cao tăng, Phật tử mà còn là nhà vua, Quốc sư, những đại trí thức, cố vấn cho nhà vua, tướng lĩnh quân đội… Bởi vậy, nhiều khi họ dẫn dắt người Phật tử đi theo tư tưởng của họ – những tư tưởng vừa phù hợp với đạo vừa phù hợp với đời. Đó là con đường đi theo khuynh hướng: “Vạn pháp chi tâm tức Phật tâm”; đó cũng chính là con đường đi đến giải thoát. Các bậc đại giác đã truyền cho các đệ tử cũng như các Phật tử: đánh giặc cứu nước, hộ quốc an dân, phục vụ tất thảy chúng sinh cũng là con đường thành đạo. Hơn nữa, Thăng Long “ở vào khu vực của trung tâm trời đất”, là nơi “đô hội trọng yếu để 4 phương sum họp”, văn hoá Thăng Long – Hà Nội: hội tụ và toả sáng. Do đó, Phật giáo Thăng Long đã đưa Phật giáo Việt Nam đến đỉnh cao chủ nghĩa yêu nước chân chính.
Mặt khác, trong quá trình truyền bá, Phật giáo luôn luôn đề cao từ bi – hỉ xả, lấy chân – thiện – mỹ để giáo hóa chúng sinh. Những giá trị tốt đẹp của giáo lý Phật giáo đã thấm nhuần trong đời sống đông đảo người Việt Nam, góp phần hun đúc nên những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam. Tư tưởng Phật giáo đã củng cố hơn nữa truyền thống vị tha, nhân bản, bác ái của người Việt Nam.
Trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, tư tưởng yêu nước và nhân đạo của Phật giáo trở thành cơ sở xúc cảm thẩm mỹ ở cả nội dung sáng tác và hình thức thể hiện. Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã đưa nghệ thuật chèo về kinh đô Thăng Long. Thơ của các Thiền sư ở Thăng Long: Vô Ngôn Thông, Khuông Việt, Thảo Đường, Vạn Hạnh, Huệ Sinh, Mãn Giác, Giới Không, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ…có giá trị to lớn cả về tư tưởng, triết lý nhân sinh lẫn nghệ thuật. Thơ của các ngài không luận bàn đến những điều huyễn hoặc thần bí cao siêu nhưng vẫn toát lên lẽ huyền vi của đạo pháp mà vẫn thể hiện vẻ thần thái ung dung tự tại trong từng hơi thở, trong từng mạch thơ: ung dung tự tại giữa đời thường, ung dung tự tại phục vụ nhân sinh, ung dung tự tại đạt đạo và giải thoát.
Do gắn bó mật thiết với đời sống dân tộc nên đã hình thành một dòng Phật giáo dân gian; các tín đồ chỉ cốt tu tập theo tiêu chí “Phật tại tâm”, coi trọng “tu tại gia” mà ít quan tâm đến sơn môn, hệ phái. Ngay từ thời Lý – Trần, Phật giáo được phổ quát trong giới vua quan, trí thức và dân chúng, có nhiều bề bậc uyên thâm về Phật pháp nhưng không xảy tranh cãi về giáo lý hoặc tranh giành ảnh hưởng mà đề cao tinh thần “lục hoà”. Mái chùa che chở hồn dân tộc, là nơi dung hợp giữa Phật giáo với Nho giáo, Đạo Giáo và các hình thức tín ngưỡng dân gian trong xu thế “hoà nhi bất đồng”. Chính điều này khiến đạo Phật ở Việt Nam trở thành điển hình của tính khoan dung tôn giáo và tư tưởng. Trong lễ hội, tại các ngôi chùa ở Thăng Long – Hà Nội, tín ngưỡng Phật giáo luôn hoà đồng với các hình thức tín ngưỡng và truyền thống văn hoá dân gian như: tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng nông nghiệp (chùa Láng, chùa Hoa Lăng, chùa Duệ Tú, chùa Hưng Phúc…), đề cao truyền thống đánh giặc cứu nước (chùa Hai Bà Trưng), tinh thần thể thao (chùa Vua), truyền thống văn hoá và tinh thần hoà hiếu, đoàn kết (chùa Nành, chùa Tăng Phúc, chùa Diên Phúc…).
Đồng thời, nhiều ngôi chùa ở Thăng Long – Hà Nội cùng với hệ thống tháp, tượng pháp cũng là nơi kết tinh của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật cổ xưa như: chùa Trấn Quốc, chùa Hoàng Ân (chùa Quảng Bá), chùa Hồng Phúc (chùa Hoè Nhai), chùa Chiêu Thiền (chùa Láng), chùa Quán Sứ, chùa Nành (chùa Ninh Hiệp), chùa Khoan Tế (chùa Đa Tốn), chùa Linh Quang (chùa Bà Đá), chùa Liên Phái, chùa Lý Triều Quốc Sư, chùa Cầu Đông, chùa Huỳnh Cung, chùa Lệ Mật, chùa Bà Tấm…Đặc biệt, có một số ngôi chùa có kiến trúc độc đáo như: chùa Một Cột, chùa Kim Liên, chùa và tháp Báo Thiên…
Ngày nay, Phật giáo Thủ đô luôn phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc, phục vụ nhân dân với tinh thần “Phục vụ chúng sinh tức là cúng dàng chư Phật”. Từ khi được thành lập (năm 1981) đến nay, trải qua 5 nhiệm kỳ, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội và Ban Đại diện Phật giáo các quận, huyện luôn được hoàn thiện cả về số lượng lẫn chất lượng. Năm 1981, toàn Thành phố có khoảng 60 Tăng, Ni; hàng năm chỉ tổ chức 1 trường hạ an cư, chưa có Tăng, Ni tốt nghiệp Học Viện Phật giáo (vì trước đó Học Viện chưa được thành lập). Nhưng đến nay, số thành viên Thành hội đã lên tới 861 vị; hàng năm Ban Trị sự Thành hội tổ chức 5 địa điểm an cư với hơn 500 vị đăng ký an cư kiết hạ, có hơn 200 Tăng, Ni đã tốt nghiệp Học Viện và Cao đẳng Phật học, nhiều Tăng, Ni đã được du học đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ. Đồng thời, công tác hoằng dương Phật pháp, bài trừ mê tín hủ tục và các tệ nạn xã hội ngày càng được đẩy mạnh. Nhiều tự viện, chùa cảnh đã được tôn tạo, nâng cấp góp phần bảo tồn những giá trị kiến trúc văn hóa dân tộc. Thành hội đã phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức đón tiếp, giao lưu với nhiều tổ chức Phật giáo quốc tế như Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, Lào, Cămpuchia, Myanma, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Cộng hoà Pháp, Butan…. Đồng thời, cử các vị chức sắc tham dự nhiều Hội nghị Phật giáo quốc tế hoặc tổ chức hoằng dương Phật pháp ở nước ngoài như: CHDCND Lào, CH Séc, Ucraina, CH Ba Lan…
Xuất phát từ tấm lòng từ bi cứu khổ, hàng năm các Tăng, Ni, Phật tử Thủ đô đã quyên góp hàng trăm triệu đồng trong các phong trào đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ các địa phương bị thiên tai, xây dựng nhà tình nghĩa, thăm hỏi các gia đình chính sách, trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn, người nhiễm HIV/AIDS…Nối tiếp truyền thống của các bậc tiền bối, Tăng, Ni, Phật tử Thủ đô đã tích cực tham gia trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, các phong trào ích nước lợi dân, bảo vệ môi trường, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần xây dựng chính quyền vững mạnh. Nhiều quý vị Tăng, Ni tích cực tham gia Hội đồng nhân dân, Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức xã hội như: Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp Phụ nữ…đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Người tốt – việc tốt”. Với cống hiến cho đạo pháp và dân tộc, Thành hội đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Lao động hạng ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Hòa thượng Thích Tâm Tịch, Hòa thượng Kim Cương Tử, Hòa thượng Thích Thanh Chỉnh, Hòa thượng Thích Thanh Thành, Ni trưởng Thích Đàm Đễ, Ni trưởng Thích Đàm Ánh… đã được Nhà nước tặng thưởng các Huân chương, Huy chương cao quý.
Thời gian qua, công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, đã đem lại sức sống mới cho sự phát triển của toàn dân tộc. Đời sống kinh tế, xã hội, mọi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân Thủ đô ngày càng được cải thiện. Thời gian tới, trong xu thế hội nhập, nước ta đứng trước những vận hội mới, thời cơ mới nhưng cũng đầy khó khăn và thách thức. Phật giáo Thủ đô cần tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, hòa hợp, tiếp tục củng cố, phát huy nội lực, góp phần xây dựng Giáo hội vững mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển Phật giáo Việt Nam và yêu cầu xây dựng đất nước, xây dựng Thủ đô trong thời kỳ mới.
This Post Has 0 Comments