Skip to content

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM             CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

         THÀNH PHỐ HÀ NỘI                                   Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                  —***—

QUY CHẾ

QUẢN LÝ, TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ

———————-

            Căn cứ Luật tín ngưỡng, tôn giáo Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Căn cứ Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sửa đổi lần thứ VI và Nội quy Ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022)

Căn cứ Quy chế hoạt động Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp Tỉnh – Thành phố trực thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022).

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Mục đích ban hành quy chế

Quy chế được ban hành nhằm quản lý, tổ chức các hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội phù hợp với Luật tín ngưỡng tôn giáo Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sửa đổi lần thứ VI, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022) và Quy chế hoạt động Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp Tỉnh – Thành phố trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022) trong hoàn cảnh thực tế của Thủ đô.

Quy định vai trò, trách nhiệm của tập thể Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận huyện thị và mỗi cá nhân Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện trong việc quản lý, tổ chức các hoạt động Phật sự. Tăng cường đoàn kết nội bộ, nâng cao hiệu quả công tác Phật sự của Phật giáo Thủ đô trong giai đoạn hiện nay.

Điều 2: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

Quy chế này cụ thể hóa việc quản lý, tổ chức các hoạt động Phật sự một số lĩnh vực công tác trọng tâm như Tăng sự, Hoằng pháp, Hướng dẫn Phật tử, Văn hóa, Nghi lễ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội, trong phạm vi Thành phố Hà Nội.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận huyện thị trực thuộc, Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện thuộc quyền quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội có nghĩa vụ thực hiện quy chế này.

CHƯƠNG II

XUẤT GIA – THỤ GIỚI – HOÀN TỤC – CẦU THẦY Y CHỈ

Điều 3: Điều kiện xuất gia và thủ tục xuất gia.

a. Điều kiện xuất gia. Nam nữ Phật tử có nguyện vọng phát tâm xuất gia, phải hội đủ các điều kiện:

Sống độc thân; không vi phạm pháp luật, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Sáu căn đầy đủ, thể chất lành mạnh không mắc các bệnh nan y, bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần; Được cha mẹ, hoặc người giám hộ đồng thuận (Đối với người vị thành niên); Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện tiếp nhận và Được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận huyện thị nơi đến xin xuất gia chấp thuận.

Nam Phật tử phải đến xuất gia tại các Tự viện do Tăng chúng trụ trì, không được xuất gia tại các Tự viện do Ni chúng trụ trì; Nữ Phật tử phải đến xuất gia tại các Tự viện do Ni chúng trụ trì, không được xuất gia tại các Tự viện do Tăng chúng trụ trì.

b.Thủ tục hồ sơ xuất gia:

Đơn phát nguyện xuất gia. Có xác nhận của UBND phường xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.

Đơn đảm bảo của cha mẹ, hoặc của người giám hộ (Đối với người vị thành niên). Xác nhận của UBND phường xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.

Sơ yếu lý lịch được UBND phường, xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú xác nhận trong thời gian không quá 6 tháng.

Phiếu lý lịch Tư pháp số 01

Đơn xin nuôi độ đệ tử. Có ý kiến đồng thuận của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận huyện nơi quản lý tự viện.(Trường hợp Tăng Ni đang ở cùng với Nghiệp sư, thì phải có chữ ký đồng thuận của Nghiệp sư)

Giấy xác nhận độc thân; Giấy khám sức khỏe (Thời gian không quá 06 tháng); Bản sao Giấy khai sinh; Bản sao Bằng văn hóa

Điều 4: Điều kiện – Thủ tục hồ sơ thụ giới.

a. Điều kiện thụ giới.

  1. Giới tử cầu giới Sa di, Sa di ni.

Tuổi đời từ 16 đến 70 tính theo Giấy khai sinh. Không vi phạm giới luật của Phật; Hiến chương và những quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Không vi phạm pháp luật, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tôn giáo; không có án tích; không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật.

Đầy đủ các căn, thể chất lành mạnh không tàn tật, không mắc các bệnh nan y, bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần; Đã tu học ít nhất là 03 năm, tính từ ngày được cấp Giấy chứng nhận xuất gia đến thời điểm thụ giới.

Đã tốt nghiệp hoặc đang theo học Sơ cấp Phật học của Trường Trung cấp Phật học Hà Nội.

Có trình độ văn hoá tốt nghiệp Trung học cơ sở trở lên; Trúng tuyển kỳ khảo hạch của đàn giới.

  1. Giới tử cầu giới Thức xoa

Tuổi đời từ 18 đến 60 tuổi tính theo Giấy khai sinh. Không vi phạm giới luật của Phật; Hiến chương và những quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Không vi phạm pháp luật, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Đầy đủ các căn, thể chất lành mạnh không tàn tật, không mắc các bệnh nan y, bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần; Đã thụ giới Sa di ni ít nhất là 2 năm.

Đã tốt nghiệp hoặc đang theo học các khóa đào tạo hệ Sơ cấp hoặc Trung cấp của Trường Trung cấp Phật học Hà Nội; Có trình độ văn hoá tốt nghiệp Trung học cơ sở trở lên.

  1. Giới tử cầu giới Tỷ khiêu, Tỷ khiêu Ni.

Tuổi đời từ 20 đến 60 tuổi tính theo Giấy khai sinh. Đầy đủ các căn, thể chất lành mạnh không tàn tật, không mắc các bệnh nan y, bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần..vv.

Không vi phạm giới luật Phật chế; Hiến chương và những quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp.

Không vi phạm pháp luật, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tôn giáo; không có án tích; không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật.

Đã được thụ giới Sa di (Tăng), Thức xoa ma na (Ni) ít nhất là 02 năm tại các Đại giới đàn do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội tổ chức.

Đã tốt nghiệp Trung cấp Phật học hoặc đang theo học các khóa đào tạo hệ Trung cấp – Trường Trung cấp Phật học Hà Nội

Có trình độ văn hoá tốt nghiệp Trung học phổ thông trở lên; Trúng tuyển kỳ khảo hạch của đàn giới và có tham gia tòng hạ an cư.

b. Thủ tục hồ sơ.

  1. Hồ sơ thụ giới Sa di, Sa di ni.

Một Đơn xin cầu giới Sa di, Sa di ni của giới tử có ý kiến chấp thuận của Nghiệp sư và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận huyện thị.

Một bản lý lịch Tăng Ni có xác nhận của UBND phường, xã nơi giới tử tu hành trong thời gian không quá 06 tháng.

Văn bằng tốt nghiệp Sơ cấp Phật học, hoặc giấy xác nhận đang theo học của nhà trường.

Bản sao Giấy đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú; Bản sao Bằng tốt nghiệp văn hoá; Giấy chứng nhận xuất gia; Bốn ảnh 2×3 chụp thẳng, không đội mũ, khăn.

  1. Hồ sơ thụ giới Thức xoa.

Một đơn xin cầu giới Thức xoa của giới tử, có xác nhận của Nghiệp sư và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận huyện thị.

Một bản sao Chứng điệp thụ giới Sa di ni; Bốn ảnh 2×3 chụp thẳng, không đội mũ, khăn.

  1. Hồ sơ thụ giới Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni.

Một Đơn xin cầu giới Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni của giới tử, có xác nhận của Nghiệp sư và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận huyện thị.

Lý lịch Tăng Ni. Có xác nhận của UBND phường xã nơi tu hành trong thời gian không quá 6 tháng.

Phiếu lý lịch Tư pháp số 01

Bản sao Chứng điệp thụ giới Sa di, Thức xoa ma na ni; Bản sao Bằng tốt nghiệp Trung cấp Phật học, hoặc giấy xác nhận đang theo học của nhà trường.

Bốn ảnh 2×3 chụp thẳng, không đội mũ – khăn.

Điều 5: Tăng Ni hoàn tục

a. Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện nuôi độ đệ tử, khi đệ tử không tu tập nữa mà hoàn tục phải thu hồi lại các giấy tờ do Giáo hội cấp và báo cáo về Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội để xóa tên trong danh bạ quản lý Tăng Ni.

b. Tăng giới vi phạm giới luật Phật mức độ nhẹ, chưa mất giới thể tự nguyện hoàn tục hoặc bị buộc phải hoàn tục, sau khi sám hối đúng luật Phật, có thể phát nguyện xuất gia trở lại, nhưng phải thực hiện thủ tục xuất gia, thụ giới từ đầu.

c. Tăng giới vi phạm pháp luật nhà nước bị kết án giam giữ có thời hạn, mất tư cách thành viên Giáo hội, sau khi được trả tự do có thể phát nguyện xuất gia trở lại, cũng phải thực hiện thủ tục xuất gia, thụ giới từ đầu.

d. Ni giới trong bất kỳ hoàn cảnh nào khi đã hoàn tục rồi không được phép xuất gia trở lại. (Đối với những người đã thụ Cụ túc giới)

Điều 6: Tư cách và trách nhiệm làm thầy.

a. Tư cách làm thầy.

Đạo hạnh tốt, không vi phạm luật Phật chế, Hiến chương và những quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp.

Trình độ Trung cấp Phật học trở lên, đủ năng lực để giáo hóa đệ tử đúng chính pháp; đủ điều kiện về vật chất để nuôi dưỡng đệ tử. (Trường hợp Tăng Ni đang ở cùng với Nghiệp sư, khi nuôi độ đệ tử phải được sự đồng thuận của Nghiệp sư).

Không vi phạm pháp luật, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Tăng đủ 08 hạ lạp trở lên, Ni đủ 10 hạ lạp trở lên được thụ giới Sa di, Sa di ni cho đệ tử. Tăng đủ 10 hạ lạp trở lên, Ni đủ 12 hạ lạp trở lên được thụ giới Tỷ khiêu – Tỷ khiêu ni cho đệ tử.

b. Trách nhiệm làm thầy.

Tăng Ni trụ trì các tự viện khi mới thu nhận đệ tử phải có trách nhiệm dạy bảo những điều cơ bản của Phật pháp, uy nghi, thời khóa tụng niệm hàng ngày, quy củ thiền gia tại tự viện trong thời gian 01 năm tập sự trước khi cho tham gia các khóa đào tạo của Giáo hội tại các trường Phật học để bồi dưỡng Tăng tài.

Đối với đệ tử phải luôn yêu thương chăm sóc, nuôi dưỡng. Khi đệ tử đau ốm phải trông nom, hoặc cử người trông nom, chữa trị kịp thời, chu đáo.

Khi đệ tử vi phạm giới luật Phật chế, có hành vi không tuân thủ các quy định của Giáo hội, gây mất đoàn kết nội, tùy theo mức độ nặng nhẹ để nhắc nhở, kiểm điểm. Sau 03 lần giáo dục, kiểm điểm không thay đổi phải căn cứ vào luật Phật và các quy định của Giáo hội để kỷ luật.

Việc từ bỏ đệ tử cũng phải tuân thủ theo giới luật Phật, Hiến chương Giáo hội và Nội quy Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Điều 7: Cầu thầy y chỉ.

Tăng Ni lúc mới xuất gia nhận Tăng Ni trụ trì Tự viện này làm thầy Nghiệp sư, sau được quyền đến cầu Tăng Ni trụ trì Tự viện khác làm thầy y chỉ trên hai phương diện: Y chỉ để tu học và y chỉ trọn đời trong các trường hợp: 1. Thầy Nghiệp sư viên tịch; 2. Thầy Nghiệp sư còn sinh tiền, hoan hỷ cho đệ tử y chỉ vào người khác để cầu học.

Tăng Ni từ Tự viện này, đến Tự viện khác cầu thầy y chỉ là người không vi phạm trọng giới của Phật, không vi phạm pháp luật nhà nước. Tăng Ni nhận làm thầy y chỉ phải là người có đạo hạnh, không vi phạm luật Phật, pháp luật nhà nước, các quy định của Giáo hội và có đủ năng lực về trình độ, kinh tế để giáo hóa, nuôi dưỡng đệ tử.

CHƯƠNG III

BỔ NHIỆM – CÔNG NHẬN – KIÊM NHIỆM – BÃI NHIỆM TRỤ TRÌ  VÀ THUYÊN CHUYỂN SINH HOẠT

Điều 8: Trách nhiệm của trụ trì.

a. Trụ trì là người thay mặt Giáo hội có trách nhiệm quản lý, tổ chức các hoạt động Phật sự tại tự viện được bổ nhiệm theo phương châm hoạt động của Giáo hội “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. tuân thủ giới luật Phật chế, Hiến chương, những quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp. Chịu trách nhiệm trước Giáo hội về việc tổ chức các hoạt động Phật sự tại tự viện.

b. Tuân thủ sự quản lý, hướng dẫn của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận huyện nơi quản lý tự viện. Phải tham gia đầy đủ các kỳ Bố tát hàng tháng, An cư hàng năm và các hội nghị, sự kiện do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận huyện nơi quản lý tự viện tổ chức triệu tập.

c. Tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại tự viện. Tăng Ni trụ trì các tự viện được xếp hạng Di tích thực hiện quản lý tự viện theo quy định của Luật Di sản.

d. Tích cực nghiên cứu học thuật, thuyết giảng giáo lý hoằng dương chính pháp; tiếp chúng độ nhân, hướng dẫn Tăng Ni – Phật tử tại tự viện tu học, luôn luôn đảm bảo sự đoàn kết hòa hợp trong Tăng Ni và nhân dân – Phật tử, không được gây mâu thuẫn mất đoàn kết nội bộ.

đ. Tăng Ni trụ trì, kiêm nhiệm các cơ sở tự viện không được nhận con nuôi, trường hợp nhận đệ tử xuất gia không được nhận trẻ em dưới 07 tuổi theo luật Phật chế. Không được tự ý đi khỏi tự viện được bổ nhiệm, kiêm nhiệm thời gian quá 6 tháng khi không có lý do chính đáng.

Điều 9. Bổ nhiệm trụ trì.

a. Điều kiện bổ nhiệm trụ trì.

  1. Đối với Tăng Ni thành viên GHPGVN Thành phố Hà Nội.

Tăng Ni thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội chưa trụ trì cơ sở tự viện nào. Trình độ Phật học tốt nghiệp Trung cấp trở lên.

Chư Tăng đủ từ 10 hạ lạp, chư Ni đủ từ 12 hạ lạp trở lên; Đạo hạnh tốt, có năng lực điều hành, tổ chức các hoạt động Phật sự; Không vi phạm giới luật của Phật, Hiến chương và những quy định của Giáo hội các cấp.

Không vi phạm pháp luật, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Được nhân dân – Phật tử tại cơ sở Tự viện chưa có Tăng Ni trụ trì, kiêm nhiệm đồng ý thỉnh mời và cơ sở tự viện đó không có mâu thuẫn, tranh chấp.

Được Ban Trị sự  Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận huyện thị nơi đi và nơi đến chấp thuận.

  1. Đối với Tăng Ni GHPGVN các tỉnh – thành khác.

Để ổn định tình hình an ninh tôn giáo trên địa bàn, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội tạm thời không tiếp nhận Tăng Ni các đơn vị tỉnh – thành khác. Đối với trường hợp Tăng Ni ở các tỉnh – thành khác đã đến nhận chùa trên địa bàn Thành phố Hà Nội từ năm 2009 trở về trước, Ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Thành phố Hà Nội sẽ xem xét để bổ nhiệm nếu có đầy đủ các điều kiện sau:

Chư Tăng đủ từ 10 hạ lạp trở lên; chư Ni đủ từ 12 hạ lạp trở lên; Có trình độ cử nhân Phật học trở lên. (Hệ đào tạo tập trung, chính quy); Không vi phạm giới luật của Phật, Hiến chương và những quy định của Giáo hội các cấp.

Không vi phạm pháp luật, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Đã có thời gian tham gia sinh hoạt tại Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận – huyện – thị từ 02 năm trở lên. Được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận huyện thị chấp thuận.

Được nhân dân – Phật tử tại các cơ sở tự viện chưa có Tăng Ni trụ trì, kiêm nhiệm thỉnh mời. Trong thời gian phục vụ tín ngưỡng tại cơ sở tự viện đó không xảy ra những vấn đề khiếu kiện, tranh chấp.

Có giấy giới thiệu của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh – thành nơi đi và Được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận thị nơi đến chấp thuận.

b. Thủ tục hồ sơ.

  1. Đối với Tăng Ni thành viên của GHPGVN Thành phố Hà Nội.

Đơn xin cúng chùa thỉnh sư của nhân dân – Phật tử (hoặc Giấy ủy quyền trụ trì chùa của Nghiệp sư), có xác nhận của chính quyền phường, xã.

Lý lịch Tăng ni, có xác nhận của chính quyền phường, xã nơi đi trong thời gian không quá 6 tháng.

Phiếu lý lịch Tư pháp số 01.

Đơn xin phát nguyện trụ trì. Có xác nhận của Nghiệp sư, ý kiến chấp thuận của Ban Trị sự GHPGVN các quận huyện thị nơi đi và nơi đến.

Bản sao Bằng tốt nghiệp Trung cấp Phật học trở lên; Bản sao Chứng điệp An cư; Bản sao Chứng điệp thụ giới Tỷ khiêu, Tỷ khiêu Ni.

  1. Đối với Tăng Ni tỉnh ngoài đã ở Hà Nội từ năm 2009 về trước.

Đơn xin cúng chùa, thỉnh sư của nhân dân – Phật tử, có xác nhận của chính quyền phường, xã.

Lý lịch Tăng ni. Có xác nhận của chính quyền phường xã nơi đi trong thời gian không quá 6 tháng.

Phiếu lý lịch Tư pháp số 01.

Đơn xin phát nguyện trụ trì. Có xác nhận của Nghiệp sư và ý kiến chấp thuận của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận huyện thị nơi đến.

Bản sao Bằng Cử nhân Phật học; Bản sao Chứng điệp An cư; Bản sao Chứng điệp thụ giới Tỷ khiêu, Tỷ khiêu Ni.

Giấy giới thiệu của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh – thành nơi đi.

Điều 10: Công nhận trụ trì.

a. Điều kiện công nhận trụ trì.

Tăng Ni thành viên chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội, đã thụ giới Tỷ khiêu – Tỷ khiêu ni từ năm 1998 trở về trước. Có thời gian tu học tại cơ sở tự viện xin công nhận trụ trì từ 20 năm trở lên.

Không vi phạm pháp luật, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Đủ 15 hạ lạp trở lên, có đạo hạnh tốt. Không vi phạm giới luật Phật chế; Hiến chương và những quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp.

Không có mâu thuẫn, tranh chấp với nhân dân – Phật tử tại cơ sở tự viện xin công nhận trụ trì ở thời điểm xin công nhận; Được Ban Trị sự  Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận, huyện, thị chấp thuận.

b.Thủ tục hồ sơ.

Lý lịch Tăng Ni. Có xác nhận của chính quyền phường xã nơi tu hành trong thời gian không quá 6 tháng.

Phiếu lý lịch Tư pháp số 01.

Đơn công nhận trụ trì. Có ý kiến của Nghiệp sư và chấp thuận của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận huyện thị.

Bản sao Chứng điệp An cư; Bản sao Chứng điệp thụ giới Tỷ khiêu, Tỷ khiêu Ni.

Điều 11: Kiêm nhiệm trụ trì.

a. Điều kiện kiêm nhiệm trụ trì.

Không vi phạm giới luật Phật chế; Hiến chương và những quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp; Trình độ tốt nghiệp Trung cấp Phật học trở lên; Đủ 15 hạ lạp trở lên. Đạo hạnh tốt, có năng lực điều hành, tổ chức các hoạt động Phật sự

Không vi phạm pháp luật, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Được nhân dân – Phật tử tại cơ sở Tự viện chưa có Tăng Ni trụ trì, kiêm nhiệm đồng ý thỉnh mời (Hoặc có giấy ủy quyền của Nghiệp sư) và cơ sở tự viện đó không có mâu thuẫn, tranh chấp.

Được Ban Trị sự  Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận huyện thị nơi đi và nơi đến chấp thuận; Một Tăng Ni không được kiêm nhiệm quá 2 tự viện.

b. Thủ tục hồ sơ.

Đơn xin cúng chùa thỉnh sư của nhân dân – Phật tử (hoặc Giấy ủy quyền trụ trì chùa của Nghiệp sư), có xác nhận của chính quyền phường, xã.

Lý lịch Tăng ni, có xác nhận của chính quyền phường, xã nơi đi trong thời gian không quá 6 tháng.

Phiếu lý lịch Tư pháp số 01.

Đơn xin kiêm nhiệm trụ trì. Có ý kiến chấp thuận của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận huyện thị đi và nơi đến.

Bản sao Bằng tốt nghiệp Trung cấp Phật học trở lên; Bản sao Chứng điệp An cư; Bản sao Chứng điệp thụ giới Tỷ khiêu, Tỷ khiêu Ni.

Điều 12: Bổ nhiệm Ban trụ trì.

Trường hợp các cơ sở tự viện vì những nguyên nhân, hoàn cảnh chủ quan – khách quan mà không thể bổ nhiệm trụ trì, Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội sẽ xem xét bổ nhiệm Ban Trụ trì tạm thời là Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận huyện nơi quản lý tự viện.

Số lượng Ban Trụ trì không quá 09 thành viên, trong đó:

– Trụ trì do Trưởng Ban Trị sự hoặc Phó Ban Thường trực đảm nhiệm

– Một Phó Trụ trì do Phó Ban Trị sự đảm nhiệm

– Một Thư ký do Chánh Thư ký Ban Trị sự đảm nhiệm

– Một Thủ quỹ do Thủ quỹ Ban Trị sự đảm nhiệm

– Một Kiểm soát do Ủy viên Kiểm soát Ban Trị sự đảm nhiệm

– Các Ủy viên trụ trì.

Nhiệm vụ của Ban Trụ trì sẽ kết thúc khi nhiệm kỳ của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận huyện đó kết thúc, hoặc khi Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp. Hà Nội bổ nhiệm được Tăng Ni trụ trì.

Điều 13: Thuyên chuyển sinh hoạt Phật giáo.

a. Thuyên chuyển sang các tỉnh – thành khác.

Tăng Ni thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội được chấp thuận thuyên chuyển sinh hoạt đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh – thành khác khi được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh – thành nơi đến đồng ý tiếp nhận. Hồ sơ xin thuyên chuyển bao gồm:

Đơn xin thuyên chuyển sinh hoạt. Có xác nhận của Nghiệp sư (Trường hợp còn Nghiệp sư)

Lý lịch Tăng Ni. Có xác nhận của chính quyền phường xã nơi đi trong thời gian không quá 6 tháng.

Văn bản đồng ý tiếp nhận của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh – thành nơi đến.

b. Thuyên chuyển sinh hoạt từ quận huyện này sang quận huyện khác trong Thành phố Hà Nội:

Tăng Ni thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội khi được bổ nhiệm trụ trì từ quận huyện này sang quận huyện khác thì đồng thời cũng là thuyên chuyển sinh hoạt. Không cần làm thêm thủ tục thuyên chuyển.

Trường hợp Tăng Ni từ quận huyện này sang quận huyện khác để cầu thầy y chỉ và muốn thuyên chuyển sinh hoạt đến đơn vị nơi thầy y chỉ sinh hoạt, thì phải làm thủ tục thuyên chuyển. Điều kiện thuyên chuyển:

Được Nghiệp sư đồng ý (Nếu Nghiệp sư còn sinh tiền); Tăng Ni trụ trì cơ sở tự viện nơi đến y chỉ tiếp nhận.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận huyện nơi đi và nơi đến chấp thuận. Hồ sơ xin thuyên chuyển:

Đơn xin thuyên chuyển sinh hoạt. Có xác nhận của Nghiệp sư (Nếu Nghiệp sư còn sinh tiền) và xác nhận của Tăng Ni trụ trì tự viện nơi đến.

Lý lịch Tăng Ni. Có xác nhận của chính quyền phường xã nơi đi trong thời gian không quá 06 tháng.

Văn bản chấp thuận của Ban Trị sự GHPGVN quận huyện nơi đi và đến.

Điều 14: Bãi nhiệm, thu hồi quyết định bổ nhiệm trụ trì.

a. Bãi nhiệm, thu hồi quyết định bổ nhiệm trụ trì.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội có thẩm quyền ra quyết định bãi nhiệm và thu hồi quyết định bổ nhiệm trụ trì các cơ sở tự viện khi Tăng Ni trụ trì cơ sở tự viện đó vi phạm Giới luật Phật chế, Hiến chương Giáo hội, các quy định của Giáo hội và pháp luật Nhà nước.

Hành vi và mức độ vi phạm được quy định cụ thể tại điều 21, 22 – chương V Quy chế này.

Vấn đề cư trú của đương sự bị bãi nhiệm và thu hồi quyết định trụ trì được giải quyết theo quy định của pháp luật Nhà nước.

b. Trình tự, thủ tục bãi nhiệm và thu hồi quyết định bổ nhiệm trụ trì.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận huyện thị nơi quản lý cơ sở tự viện có Tăng Ni vi phạm có văn bản đề nghị bãi nhiệm, thu hồi quyết định bổ nhiệm trụ trì gửi Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội.

Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội thẩm tra, xác minh hành vi, mức độ vi phạm của Tăng Ni trụ trì cơ sở tự viện bị đề nghị bãi nhiệm, thu hồi quyết định bổ nhiệm trụ trì. Sau khi thẩm tra, xác minh nếu hành vi, mức độ vi phạm của Tăng Ni đúng với văn bản đề nghị sẽ ra quyết định bãi nhiệm, thu hồi quyết định bổ nhiệm trụ trì.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận huyện thị quản lý cơ sở tự viện có Tăng Ni bị bãi nhiệm, thu hồi quyết định bổ nhiệm trụ trì có trách nhiệm tổ chức hội nghị tại trụ sở của Ban Trị sự Phật giáo huyện hoặc tại cơ sở tự viện có Tăng Ni vi phạm để công bố quyết định bãi miễn, thu hồi quyết định bổ nhiệm trụ trì.

CHƯƠNG IV

HOẰNG PHÁP – HƯỚNG DẪN PHẬT TỬ – VĂN HÓA – NGHI LỄ

Điều 15: Hoạt động Phật sự tại tự viện.

Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện có trách nhiệm gửi thông báo danh mục hoạt động Phật sự đến Ủy ban Nhân dân xã, phường. Trường hợp tổ chức các hoạt động Phật sự không có trong danh mục đã thông báo thì làm thông báo bổ sung trước 20 ngày tổ chức hoạt động.

Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện khi tổ chức câu lạc bộ, đạo tràng tu tập cho Phật tử định kỳ hàng tuần, hàng tháng và có sự tham gia của nhiều người ở nhiều địa phương phải đăng ký với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận, huyện nơi quản lý tự viện và Ban Hướng dẫn Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội. Văn bản đăng ký ghi rõ: Thời gian, địa điểm, nội dung chương trình sinh tu học và người hướng dẫn tu học.

Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện khi tổ chức câu lạc bộ, đạo tràng tu tập cho Phật tử có nguyện vọng thỉnh mời Giảng sư đến thuyết giảng, hướng dẫn tu tập phải đề nghị Ban Hoằng phápGiáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội cử thành viên đến thuyết giảng, hướng dẫn.

Trường hợp không được đáp ứng thì có thể thỉnh mời Tăng Ni từ các tỉnh ngoài đến thuyết giảng, hướng dẫn. Trước khi thỉnh mời phải báo cáo với Ban Trị sự Phật giáo quận huyện nơi quản lý tự viện và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội. Khi được đồng thuận mới được thực hiện.

Điều 16: Hoạt động Phật sự ngoài cơ sở tự viện.

a.Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận huyện thị tổ chức các nghi lễ, thuyết giảng Phật pháp ngoài cơ sở tự viện, có sự tham gia của nhiều người, phải gửi văn bản đề nghị nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung chương trình, quy mô tổ chức, thành phần tham dự đến cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội trước thời gian tổ chức 25 ngày. Khi được chấp thuận mới được thực hiện.

b. Cá nhân Tăng Ni thực hiện các nghi lễ, thuyết giảng Phật pháp ngoài cơ sở tự viện, có sự tham gia của nhiều người, phải gửi văn bản đề nghị nêu rõ thời gian, địa điểm, người phụ trách, nội dung tổ chức đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận huyện nơi tổ chức nghi lễ và cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền trước thời gian tổ chức 25 ngày. Khi được chấp thuận mới được thực hiện.

Điều 17: Hoạt động Phật sự có yếu tố nước ngoài.

a. Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện có nhu cầu thỉnh mời tổ chức Phật giáo, cá nhân Tăng Ni người nước ngoài đến giao lưu, trao đổi văn hóa, phải gửi hồ sơ đề nghị đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận huyện nơi quản lý tự viện, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội và Ban Tôn giáo – Sở Nội vụ Thành phố Hà Nội trước thời gian đến 30 ngày. Hồ sơ đề nghị gồm: 1. Văn bản đề nghị nêu rõ tên tổ chức, cá nhân Tăng Ni được mời, mục đích, nội dung các hoạt động, thờigian, địa điểm; 2. Bản giới thiệu tóm tắt các hoạt động chủ yếu của tổ chức, cá nhân Tăng Ni người nước ngoài; 3. Văn bản chứng minh chức danh hoạt động tôn giáo của người được mời.

b.Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện có nhu cầu thỉnh mời tổ chức Phật giáo, cá nhân Tăng Ni người nước ngoài đến giảng đạo, truyền đạo, phải gửi hồ sơ đề nghị đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận huyện nơi quản lý tự viện, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp. Hà Nội, Ban Tôn giáo – Sở Nội vụ Tp. Hà Nội trước thời gian tổ chức 30 ngày. Hồ sơ đề nghị gồm:

Văn bản đề nghị nêu rõ tên tổ chức, cá nhân Tăng Ni được mời, mục đích, nội dung các hoạt động, thờigian, địa điểm..

Bản giới thiệu tóm tắt các hoạt động chủ yếu của tổ chức, cá nhân Tăng Ni người nước ngoài. Văn bản chứng minh chức danh hoạt động tôn giáo của người được mời.

Điều 18: Đăng ký địa điểm sinh hoạt Phật giáo tập trung ngoài tự viện.

a.Thẩm quyền đăng ký.

Cá nhân Tăng Ni, Phật tử thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội không được phép đăng ký địa điểm sinh hoạt Phật giáo tập trung ngoài cơ sở tự viện. Chỉ có Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội mới có thẩm quyền đăng ký.

b. Thủ tục hồ sơ đăng ký.

Văn bản đăng ký nêu rõ tên tổ chức đăng ký; họ tên, nơi cư trú của người đại diện tổ chức; thời gian, địa điểm, nội dung chương trình sinh hoạt và số lượng người tham gia.

Giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp làm nơi sinh hoạt; Sơ yếu lý lịch của người đại diện tổ chức đăng ký sinh hoạt.

Điều 19: Ấn tống, phát hành kinh sách và văn hóa phẩm Phật giáo.

a. Tăng Ni thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội có quyền tổ chức các hoạt động về ấn tống, phát hành kinh sách và các văn hóa phẩm Phật giáo phục vụ cho việc thuyết giảng, hoằng dương Phật pháp.

b. Kinh sách, văn hóa phẩm Phật giáo phải đúng chính pháp. Trước khi ấn tống, phát hành kinh sách, các văn hóa phẩm Phật giáo phải trình Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp. Hà Nội để xét duyệt, thẩm định nội dung.

CHƯƠNG V

TUYÊN DƯƠNG CÔNG ĐỨC VÀ KỶ LUẬT

Điều 20. Tuyên dương công đức.

Tăng Ni thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội có nhiều công lao đối với đạo pháp, với Giáo hội và xã hội được Giáo hội tuyên dương, tặng Bằng tuyên dương công đức tại các kỳ Đại hội Phật giáo các cấp.

Tăng Ni thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội tu học, sinh hoạt tại đơn vị quận huyện nào, đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáoViệt Nam quận huyện đó tuyên dương.

Tăng Ni thành viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận  huyện thị, đề nghị Ban Trị sự GHPGVN Thành phố Hà Nội tuyên dương.

Tăng Ni thành viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Thành phố Hà Nội đề nghị Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tuyên dương.

Điều 21: Hành vi bị kỷ luật.

Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN Thành phố Hà Nội tiến hành kỷ luật đối với Tăng Ni thành viên có những hành vi:

a. Vi phạm giới luật Phật chế

b. Vi phạm pháp luật nhà nước.

c. Vi phạm Hiến chương, các quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và quy chế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội.

d. Làm phương hại đến uy tín của Giáo hội, lợi ích của Dân tộc; Tranh chấp tự viện, gây mâu thuẫn mất đoàn kết nội bộ;

đ  Nhận con nuôi, nhận đệ tử xuất gia dưới 07 tuổi; Tự ý bỏ đi khỏi tự viện được bổ nhiệm trụ trì, kiêm nhiệm trụ trì thời gian quá 06 tháng.

Điều 22: Hình thức và mức độ kỷ luật.

a. Vi phạm trọng giới của Phật, mức độ nghiêm trọng mất giới thể; vi phạm pháp luật Nhà nước bị kết án giam giữ có thời hạn, không có thời hạn.

Xóa tư cách thành viên của Giáo hội, tẩn xuất khỏi Tăng đoàn, bãi nhiệm và thu hồi quyết định bổ nhiệm, công nhận, kiêm nhiệm trụ trì vĩnh viễn.

b. Vi phạm giới luật Phật, mức độ nhẹ chưa mất giới thể; vi phạm pháp luật nhà nước bị xử phạt hành chính.

Bãi nhiệm, thu hồi các quyết định bổ nhiệm, kiêm nhiệm trụ trì; miễn trừ các quyền lợi an cư, nuôi độ đệ tử, cầu giới cho đệ tử không thời hạn.

c. Làm phương hại đến uy tín của Giáo hội, lợi ích của dân tộc; Tranh chấp tự viện, gây mâu thuẫn mất đoàn kết nội bộ.

Bãi miễn, thu hồi các quyết định bổ nhiệm, công nhận, kiêm nhiệm trụ trì; miễn trừ các quyền lợi an cư, nuôi độ đệ tử, cầu giới cho đệ tử không thời hạn.

d. Nhận con nuôi, nhận đệ tử xuất gia dưới 07 tuổi. Tự ý bỏ đi khỏi tự viện được bổ nhiệm trụ trì, kiêm nhiệm trụ trì thời gian quá 06 tháng.

Bãi miễn, thu hồi các quyết định bổ nhiệm, công nhận, kiêm nhiệm trụ trì; miễn trừ các quyền lợi an cư, nuôi độ đệ tử, cầu giới cho đệ tử không thời hạn.

đ. Vi phạm Hiến chương, các quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; vi phạm Quy chế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội.

Miễn trừ các quyền lợi an cư, nuôi độ đệ tử, cầu giới cho đệ tử 03 năm.

CHƯƠNG VI

SỬA ĐỔI QUY CHẾ VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH

Điều 23: Sửa đổi quy chế.

a. Quy chế quản lý, tổ chức các hoạt động Phật sự của GHPGVN Thành phố Hà Nội gồm có 06 chư­ơng, 24 điều, được ban hành năm 2019. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh cần sửa đổi, bổ sung thì Ban Thư ký Ban Trị sự tập hợp và trình Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN Thành phố Hà Nội để xin ý kiến sửa đổi hay bổ sung.

b. Chỉ có Ban Th­ường trực Ban Trị sự GHPGVN Thành phố Hà Nội mới có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động này và phải đ­ược Hội nghị mở rộng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội biểu quyết nhất trí thông qua việc sửa đổi, bổ sung.

Điều 24. Hiệu lực thi hành.

a. Quy chế quản lý, tổ chức và điều hành các hoạt động Phật sự của GHPGVN Thành phố Hà Nội được hội nghị tổng kết công tác Phật sự năm 2018 Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội ngày 16/01/2019 nhất trí thông qua. Có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký quyết định ban hành.

b. Vấn đề quản lý, tổ chức các hoạt động của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận huyện thị và Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện thuộc quyền quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội không được trái với Quy chế này.

                                                                                                                                                                                                                          TM. BAN TRỊ SỰ GHPGVN TP HÀ NỘI

                                                                                                                                                                                                                           TRƯỞNG BAN

                                                                                                                                                                                                                         (Đã ký)

                                                                                                                                                                                                                            Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm

 

 

 

 

 

 

This Post Has 0 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *